Khám phá kiến trúc Hà Nội trong “Song xưa phố cũ”
Với mong muốn tìm hiểu và lý giải sự biến chuyển từ một đô thị phong kiến cổ sang một thành phố cận và hiện đại như Hà Nội thế kỉ 20, biểu hiện ở nhiều mặt trong kiến trúc, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế vừa cho ra mắt cuốn sách “Song xưa phố cũ”. Cuốn sách không chỉ là tư liệu tham khảo quý mà còn giúp cho mỗi người hiểu thêm về ý nghĩa thẩm mỹ từ những hình ảnh ô cửa, song sắt… mà mình gắn bó mỗi ngày.
“Song xưa phố cũ” được khơi gợi ý tưởng từ những hình ảnh trang trí kiến trúc ở khu phố Tây và khu phố cổ Hà Nội, với những hàng rào, những cánh cổng, cửa đi, cửa sổ, ô gió, lan can, ban công…
Bên cạnh hình ảnh chụp lại từ những ngôi nhà trong hiện tại, kết hợp với ảnh tư liệu, tác giả cuốn sách đã vẽ lại và lý giải kết cấu của mỗi trang trí song sắt. Tác giả cuốn sách – nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết: “hình ảnh những “song xưa phố cũ’ từ chợ Mơ qua phố Bạch Mai, phố Huế, phố Hàng Bài lên Bờ Hồ, lướt qua ô cửa tàu điện trên đường từ nhà lên Cung thiếu nhi học vẽ đã ám ảnh, thôi thúc tôi viết nên cuốn sách này”.
Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã viết: “Cuốn sách này lời lẽ không nhiều, nhưng cung cấp tư liệu khá đầy đủ về tiến trình nghề rèn song sắt ở phương Tây và thế giới nói chung, khi được đưa vào Việt Nam và phần lớn được những người thợ rèn Việt Nam thực hiện. Số lượng khoảng 365 hình vẽ chiếm phần lớn số trang sách cho thấy những năm tháng ghi chép công phu của Trần Hậu Yên Thế. Cuốn sách đi chuyên vào một lĩnh vực hẹp, nhưng cũng kịp thời trước khi những giá trị văn hóa Đông Tây nằm trên song sắt có thề ngày nào đó biến mất vĩnh viễn, hoặc chui vào nồi nấu thép vụn”.
“Song xưa phố cũ” lưu lại vẻ đẹp diện mạo những ngôi nhà mặt phố. Chiếc cổng sắt của ngôi nhà 86 Thụy Khuê – chiếc cổng sắt duy nhất tại Hà Nôi có ghi năm khánh thành
Chưa dừng lại ở việc tìm hiểu diện mạo trang trí những ngôi nhà cổ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đang có dự định viết tiếp câu chuyện trong mỗi ngôi nhà mặt phố, với kiến trúc bên trong cũng như câu chuyện liên quan đến số phận của con người.
“Những ngôi nhà thường có mặt tiền ghi tên tuổi gia chủ, có ngành nghề sản xuất của gia đình. Văn tự cũng rất đa dạng, có chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Việt. Nhưng hiện nay nó bị mất đi vì có giai đoạn bài ngoại. Do vậy, hướng tiếp theo của tôi là đi tìm mối liên hệ giữa tầng lịch sử – chủ nhà với diện mạo kiến trúc. Còn sau này, các thế hệ sẽ ghép lại những “mảnh vụn” ấy để có một cái nhìn tổng thể về Hà Nội.