Thực trạng văn hóa đọc của người Việt Nam hiện nay đáng báo động. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng: Một người Việt Nam đọc một cuốn sách/1 năm. Trong bối cảnh đó, một tờ báo ở Hà Nội tổ chức cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”, đến nay đã bước sang năm thứ mười. Điều mọi người quan tâm nhất là cuộc thi này đã mang lại kết quả khả quan nào trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa đọc? Báo cáo tổng kết cuộc thi lần thứ 8 chỉ rõ: “Thế giới quan các em đã thay đổi, suy nghĩ của các em đã khác sau khi gặp được cuốn sách nói đúng tâm trạng của mình, khơi dậy niềm hứng khởi cuộc sống, kích thích các em bước vững vàng hơn trên con đường hướng tới tương lai”.
Phát biểu với tư cách Trưởng ban Giám khảo (trong cuộc thi lần thứ 8), nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn cách nói đầy sự chia sẻ, động viên các em học sinh tham gia dự thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”. Ông nói rất thật về cảm xúc ban đầu của mình khi đọc những bài đã được sơ tuyển “Liệu có phải của các em viết?”. Nhưng càng đọc ông càng nhận ra đó chính là câu chữ của các em, chứ không phải của ai khác. Không có cái gọi là “cầm tay chỉ việc” như trong hành chính sự vụ. Điều khiến nhà thơ quan tâm và hứng khởi nhất khi tham gia Ban Chung khảo là: “Các em học sinh đã biết chọn sách hay để viết và viết hay về nó”. Bằng kinh nghiệm của bản thân, ông cho rằng điều quan trọng nhất của cuộc thi là “nuôi dưỡng cảm hứng đọc”, từ đó “bồi dưỡng năng khiếu văn chương”, tiến thêm một bước cao hơn nữa là “gìn giữ tài năng văn chương”.
Hà Nội, 5.2021
Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG
Nguồn: Báo văn hóa điện tử, đăng ngày 21/5/2021