Trong lĩnh vực văn chương, viết về Hà Nội, đã có khá nhiều những trang viết có giá trị ở nhiều thể loại, thật đa dạng về nội dung và hình thức. Đó là các tác phẩm đã ghi được những dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả của những cây bút thuộc nhiều thế hệ. Cuốn sách mà các bạn đang đọc lời giới thiệu này là của cố nhà văn bậc thầy Nguyễn Công Hoan - người đã từng sống và gắn bó với Hà Nội từ những năm đầu của thế kỉ trước - thế kỉ XX. Ông đã viết những dòng này khi gần 70 tuổi, theo cách gọi của riêng ông từ khi đặt bút, là Nhớ gì ghi nấy về một thể loại văn học mà ông là một trong số rất ít những nhà văn Việt Nam khởi đầu.
Khác với những trang văn viết về Hà Nội cũ của Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài..., những trang viết của Nguyễn Công Hoan ẩn chứa một nỗi niềm, mang một giá trị tư liệu độc đáo về một thời khắc không quên của lịch sử. Đó là một Hà Nội những năm của kiếp sống thuộc địa, tù túng, lẫn dễ thương, cốt cách.Và cũng là những gì thật đáng nhớ. Vì thế chúng ta càng trân trọng những điều mà nhà văn đã ghi lại ở quyển sách này.
Thông tin tác giả:
Nguyễn Công Hoan quê ở làng Xuân Cầu, tổng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh trong một gia đình quan lại xuất thân Nho học thất thế. Trong gia đình, từ nhỏ Nguyễn Công Hoan đã được nghe và thuộc rất nhiều câu thơ, câu đối và những giai thoại có tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích tầng lớp quan lại. Điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách văn chương của ông sau này.
Nguyễn Công Hoan là nhà văn tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Tác phẩm Kép Tư Bền (viết năm 1927, xuất bản năm 1935) đã gây chấn động trên văn đàn, và là đề tài cho cuộc bút chiến giữa hai quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh lúc bấy giờ. Nhiều tác phẩm của ông được đưa vào giảng dạy ở chương trình giáo dục phổ thông các cấp.