Sách luôn bên ta – Cảm nhận về sách của một độc giả có tuổi

Tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng những người say mê đọc sách – đặc biệt là sách văn học – sẽ khoan dung, sẽ không hành xử nghiệt ngã, độc ác với người khác. Vì văn chương đích thực luôn hướng con người đến chân – thiện – mỹ.

 Năm 7 tuổi, sau khi rời quê vô thị xã học, tôi có tập sách đầu tiên trong đời. Đó là tập thơ Góc sân và khoảng trời của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa. Tập thơ nhỉnh hơn bàn tay người lớn một chút, giấy hẩm. Tôi đọc đến thuộc lòng các bài thơ trong tập thơ này. Có những bài, đến tận bây giờ, sau gần 40 năm, tôi vẫn thuộc, vẫn thích.

Hè năm lớp 5, tôi được một đồng nghiệp cùng cơ quan má tôi tặng quyển Những đứa con của thuyền trưởng Grant của nhà văn Jules Verne. Có lẽ vì biết tôi rất yêu thích môn Tập làm văn và học tốt nên cậu tặng tôi quyển sách này. Những đứa con của thuyền trưởng Grant viết về hành trình tìm cha vô cùng chông gai của hai đứa con thuyền trưởng cùng vợ chồng huân tước Glenarvan, nhà bác học địa lý Paganet và đoàn thủy thủ tàu Duncan.

Cuốn tiểu thuyết lôi cuốn từ đầu cho đến cuối trang sách. Góc sân và khoảng trời và Những đứa con của thuyền trưởng Grant là hai quyển sách gối đầu giường của tôi trong nhiều năm.

Giờ thì tôi có một tủ sách, không hoành tráng nhưng đủ để cảm thấy vui mỗi khi đẩy nhẹ từng cánh cửa kính và khẽ chạm tay vào những “người bạn” đặc biệt. Lúc đó, tôi nhớ đến cảm giác của mình khi tìm thấy những quyển sách trên phố sách Đinh Lễ ở Hà Nội, khi người giao hàng đưa chúng đến nhà hay khi bạn viết, đồng nghiệp… tặng vào dịp nào đó.

Và mỗi khi có thời gian, tôi tự thưởng cho mình: Đọc lại một quyển sách hay đã đọc. Tôi ngồi bên khung cửa gió lùa, lắng nghe từng dòng, từng trang cất lên tiếng nói.

Yêu thích sách nên tôi quý những ai thích đọc sách, nâng niu sách. Tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng những người say mê đọc sách, đặc biệt là sách văn học, sẽ khoan dung, sẽ không hành xử nghiệt ngã, độc ác với người khác. Vì văn chương đích thực luôn hướng con người đến chân – thiện – mỹ.

Có một doanh nhân trẻ mà tôi rất quý – anh Huỳnh Đức Duân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Diệp Bảo An, ở TP Tuy Hòa. Công ty của anh Duân chế biến, kinh doanh đặc sản bò một nắng và một số món ngon khác của xứ Nẫu. Công việc chẳng liên quan gì đến sách, nhưng Duân cực kỳ mê sách và yêu mến những người cầm bút đích thực. Biết một nhà văn gạo cội vừa tái bản sách, Duân liền đặt mua vài cuốn “ủng hộ chú ấy”.

Trên thị trường vừa xuất hiện một cuốn sách có vẻ thú vị, Duân liền đặt mua. Ấn phẩm Viết & đọc do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng một số nhà văn, nhà thơ thực hiện, với các chuyên đề mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông, Duân đều có. Duân nói anh thích đọc sách văn học, lịch sử và triết học.

Theo anh, triết học rất gần gũi với đời sống, giúp người đọc có cách nhìn sự vật, sự việc tương đối ổn, không tiêu cực, bi quan. “Triết học, đặc biệt là triết học Phật giáo, dạy mình từ những điều đơn giản; việc đơn giản nhất là tùy duyên giúp đỡ, xây dựng cho mình nguyên tắc kinh doanh không nên bất chấp để kiếm lời, và nếu có dư một chút thì nên giúp ai đó một chút.

Đọc sách lịch sử là để hiểu và tự hào về dân tộc mình, biết ơn tiền nhân. Còn đọc sách văn học, ngoài việc học thêm nhiều từ ngữ, học hỏi cách sử dụng từ để viết những lời thu hút người mua sản phẩm mình đang kinh doanh, mình còn “nhìn” ra tính nhân văn mà văn học đem lại. Văn học mang đến cho người đọc cảm xúc, rung cảm trước tình huống nhân văn, và họ sẽ phẫn nộ trước cái bất thiện hoặc tàn bạo”, doanh nhân sinh năm 1983 chia sẻ.

Mới đây, trả lời phỏng vấn trên Báo Phú Yên, Giám đốc Sở TT-TT Trần Thanh Hưng nói rằng, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang đối mặt với nhiều vấn đề về văn hóa đọc, phổ biến là số lượng bạn đọc ngày càng giảm. Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, trong một năm, trung bình một người dân đọc 4 cuốn sách, trong đó có 2,8 cuốn là sách giáo khoa và 1,2 cuốn là sách khác. Đó là con số đáng suy ngẫm. Không đọc sách hoặc quá lười đọc, chúng ta sẽ làm thế nào để bồi đắp tâm hồn mình?

Nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên: Đọc sách sẽ khơi gợi trí tưởng tượng, phát huy khả năng sáng tạo


Sách là nguồn tri thức vô tận. Xã hội càng phát triển, con người càng có nhiều sự lựa chọn nhưng với tôi, sách vẫn là lựa chọn hàng đầu để nâng cao hiểu biết và bồi đắp tâm hồn. Đọc sách sẽ khơi gợi trí tưởng tượng, giúp chúng ta có trí tưởng tượng phong phú hơn và phát huy khả năng sáng tạo.

Vào thứ bảy, chủ nhật, tôi đọc những cuốn sách hay. Có khi đọc khoảng chục trang, có khi đọc một mạch cho đến hết cuốn sách. Ngày trước, tôi thường đọc liên tục, đọc đến quên cả giờ ăn cơm nhưng nay có tuổi rồi, phải đọc chừng mực để không ảnh hưởng đến thị lực.

Mỗi khi trên thị trường xuất hiện một cuốn sách thú vị, thu hút sự quan tâm của nhiều người hay có những ý kiến trái chiều là tôi mua để dành đó, có thời gian thì đọc. Và mỗi khi đi đâu xa, tôi đem theo một cuốn sách để đọc trong lúc rảnh rỗi.

Sách là vốn quý của con người, đặc biệt là đối với những người cầm bút. Muốn hiểu biết sâu rộng thì không thể không đọc và cần có sách. Trước đây, bây giờ và sau này, sách luôn có vị trí rất quan trọng đối với con người, nhất là với những người cầm bút.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Phú Yên: Những cuốn sách hay là người thầy vĩ đại


Nói “sách là người bạn”, “là kho tàng tri thức vô giá” thì nghe có vẻ rất quen thuộc, nhưng quả thật không thể nào nói khác hơn. Tôi nghĩ nếu thiếu sách, không biết xã hội sẽ như thế nào, và sự phát triển của con người sẽ ra sao?

Sự xuất hiện của chữ viết và tiến đến có sách, đó là sự bừng sáng tuyệt vời của nhân loại. Bất cứ lĩnh vực nào cũng cần đến sách, riêng lĩnh vực mà tôi công tác thì tiếp xúc với sách thường xuyên.

Các thể loại văn học nghệ thuật được giới thiệu đến bạn đọc thông qua sách, đấy là một kênh phổ biến. Nói sách như người bạn quý không cãi nhau với mình, biết thầm lặng an ủi mình thì quả là không sai, nhưng tôi nghĩ sách còn hơn thế nữa. Những cuốn sách hay là người thầy vĩ đại, đọc đi đọc lại vẫn thấy thú vị, “vỡ” ra nhiều điều.

Hiện nay, khi có quá nhiều kênh chia sẻ thông tin, chia sẻ tri thức, nhất là không gian mạng, nhiều người nghĩ rằng vai trò của sách sẽ giảm bớt, thậm chí có thể lùi vào dĩ vãng. Tuy nhiên tôi nghĩ, có thể từ hình thức này chuyển sang hình thức khác, nhưng không bao giờ có thể thiếu sách trong đời sống được.

 

Nhà báo Hoàng Chương (Hội nhà báo Phú Yên): Muốn con trẻ ham đọc sách thì người lớn phải nêu gương

Tôi biết và thích đọc sách từ hồi học tiểu học ở quê nhà Quảng Nam. Hồi ấy, trong nhà không hiểu sao có rất nhiều sách văn học như Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Nửa chừng xuân, Anh phải sống (Khái Hưng), Thần Hổ, Ai hát giữa rừng khuya (TchyA – tên thật là Đái Đức Tuấn), sách Dạy làm người của Hoàng Xuân Việt…

Thấy các chị đọc say sưa, tôi cũng lấy xem thử rồi đâm ra mê mẩn, thành thói quen lúc nào không hay, dù có khi đọc xong cũng hiểu chưa thật thấu đáo, cặn kẽ lắm. Học hai năm cuối tiểu học và hoàn tất trung học ở Đà Nẵng, ra Huế học đại học sư phạm, năm 1980 ra trường vào Phú Yên dạy học rồi làm báo, tôi vẫn giữ được thói quen này.

Tôi đọc sách đơn giản vì thích thú bởi nhận được nhiều niềm vui (và cả nỗi buồn), hiểu biết hơn về con người và thế giới khi giở từng trang sách. Đọc sách giúp cho ngôn ngữ viết và nói của tôi cũng ngày càng tiến bộ hơn. Nhờ vậy, việc làm nghề cũng thuận lợi hơn.

Mấy năm nay về hưu, có thời gian rảnh nhiều hơn, tôi trở thành bạn đọc khá tích cực của Thư viện Hải Phú, chủ yếu là đọc văn học Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và một số tác giả Việt Nam mà tôi quan tâm.

Tôi nghĩ, muốn con trẻ ham đọc sách thì người lớn phải nêu gương. Nhưng bây giờ, nhiều cha mẹ cứ suốt ngày dán mắt vào màn hình điện thoại thì làm sao truyền cảm hứng và đam mê đọc sách cho con mình được?

YÊN LAN

Nguồn: Báo Phú Yên online, 18/4/2021