Truyện trinh thám Việt Nam: Vàng son một thuở

“Tiểu thuyết ba xu”; “Thể loại rẻ tiền”, hoặc nhã nhặn hơn: “Á văn chương”; “Cận văn học”.v.v… là những “mỹ từ” mà không ít độc giả, thậm chí cả những nhà nghiên cứu, mỗi khi nghe đến, đều không ngần ngại dành “tặng” cho truyện trinh thám. Nhưng, như Jorge Luis Borges đã từng khẳng định: “Văn học của chúng ta đang hướng về sự hỗn loạn… Trong thời đại cực kì hỗn loạn ấy, có một thứ vẫn còn giữ, giữ một cách khiêm tốn, những giá trị truyền thống: đó là truyện trinh thám.”, văn học trinh thám trên thế giới từ lâu đã định hình được vị thế của riêng nó, trở thành thể loại mang tính đặc thù cao và phát triển với tốc độ chóng mặt. Ngày nay, chắc hẳn những độc giả sành sỏi đều sẽ vui mừng vì số lượng tác phẩm dịch được cập nhật rất thường xuyên mặc dù vẫn phải phàn nàn nhiều về cách chọn tác giả cũng như chất lượng dịch thuật. Văn học trinh thám Việt Nam – biết đâu – nhờ sự cập nhật liên tục này, sẽ có bước chuyển mình đáng kể… Tuy nhiên, trước khi bàn về một tương lai huy hoàng, chúng ta hãy nhìn lại quá khứ một chút, để biết rằng, văn học trinh thám cũng đã từng có một thời kỳ vàng son. Bài viết này không nhằm mục đích chiêu tuyết cho văn học trinh thám Việt Nam mà chỉ mang tính chất trình bày một cách hệ thống lại những tác giả và tác phẩm đã có đóng góp cho mảng văn học trinh thám, người viết tin rằng nó sẽ không hoang sơ và tiêu điều như mọi người hằng tưởng.
**********
Những năm 1920-1930, tiểu thuyết trinh thám bắt đầu được biết đến rộng rãi ở Việt Nam. Các bộ truyện trinh thám như Fantomas, các tác phẩm của Edgar Allan Poe; Conan Doyle; Gaston Leroux; Maurice Leblanc; Georges Simenon… dịch từ tiếng Pháp, in trên giấy nhật trình, dài 16 trang, giá bán ba xu (cụm từ “tiểu thuyết ba xu” xuất phát từ đây), được bày bán nhiều ở các đô thị và có rất đông độc giả.
Ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa phương Tây, một số nhà văn đã mô phỏng các cốt truyện hình sự – điều tra trong truyện trinh thám nước ngoài, làm manh nha một thể loại mới: tiểu thuyết trinh thám.
Nói đến truyện trinh thám, đa phần độc giả không lạ gì hai tên tuổi Thế Lữ và Phạm Cao Củng, đâu đó sẽ nhắc thêm đến Bùi Huy Phồn (Đồ Phồn). Thực ra, những tác giả này được mặc định như vậy, bắt nguồn từ trước tác đồ sộ “Nhà văn hiện đại” của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, như sau: “Trong tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn.” Nhưng, như thế vẫn chưa đầy đủ. Nếu không nhắc đến những nhà văn viết feuilleton ở miền Nam trong giai đoạn cuối thập niên 1910 đến khoảng 1945, sẽ là thiếu sót rất lớn trong quá trình nghiên cứu văn học sử!
1. Nhận diện những nhà tiểu thuyết trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XX
Lịch sử dân tộc và văn học chứng minh có sự khác biệt giữa hai miền trong tiến trình vận động và phát triển. Nhưng miền Nam chính là nơi đặt nền tảng cho quá trình hiện đại hóa của nền văn học nước nhà.
A. Tiểu thuyết trinh thám miền Nam
Người có công khai phá, mở đầu cho thể loại tiểu thuyết trinh thám là nhà văn không chuyên Biến Ngũ Nhy. Ông tên thật là Nguyễn Bính (1886-1973). Ông có 12 tác phẩm ở các thể loại sáng tác, dịch, nghiên cứu. Tác phẩm “Kim thời dị sử – Ba Lâu ròng nghề đạo tặc” (đăng trên Công luận báo suốt trong ba năm 1917-1919) được cho là tác phẩm thuộc thể loại truyện trinh thám đầu tiên của văn học Việt Nam.
Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947), quê ở làng Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Mặc dù, không đỗ đạt trên con đường học vấn nhưng với phẩm chất thông minh, ông từng giữ nhiều cương vị khác nhau: thông ngôn, dịch giả, chủ bút, nhà văn. Tiểu thuyết “Gái trả thù cha” (viết đăng báo từ 1920-1925) là tác phẩm mang đậm nét trinh thám nhất của Nguyễn Chánh Sắt, tuy vẫn bị ảnh hưởng bởi tính chương hồi và lối văn biền ngẫu của tiểu thuyết Tàu.
Phú Đức (1901-1970), tên khai sinh là Nguyễn Đức Nhuận, sinh năm 1901 tại xã Bình Hòa, tổng Bình Trị Thượng, tỉnh Gia Định, nay thuộc quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Ông xuất thân trong một gia đình Công giáo. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn (1924-1934), Phú Đức đã cho ra đời một lượng lớn các tiểu thuyết trinh thám võ hiệp dài, như: Châu về hiệp phố; Lửa lòng; Một mặt hai lòng; Non tình biển bạc; Tiểu anh hùng Võ Kiết; Căn nhà bí mật; Tôi có tội;.v.v… Trong khoảng mười năm đầu của sự nghiệp cầm bút (1924-1934), tên tuổi của Phú Đức sáng chói, trở thành một hiện tượng đặc biệt trong làng văn làng báo. Tuy nhiên, từ 1934 đến 1945, sáng tác của Phú Đức không còn thu hút được độc giả như trước.
Nam Đình (1906-1978) còn có bút danh Nguyễn Kỳ Nam, tên thật là Nguyễn Thế Phương. Ông sinh năm 1906 tại Sài Gòn, nhưng nguyên quán ông ở tỉnh Long An. Ngoài là một nhà báo kỳ cựu, Nam Đình còn là một nhà văn có khuynh hướng trinh thám ly kỳ với một số tiểu thuyết như sau: Túy hoa đình (1930); Vô oan trái (1931); Bó hoa lài (1932); Giọt lệ má hồng (1932); Cô Ba Tràng (1935).v.v… Tác phẩm “Huyết lệ hoa” (sau in thành sách đổi tựa thành “Vô oan trái”), khi khởi đăng trên Đông Pháp thời báo còn được ghi chú rõ “Trinh thám Tiểu thuyết”; “Giọt lệ má hồng” thì được ghi “Ly kỳ Tiểu thuyết”…
Bửu Đình, bút danh Hà Trì (1898-1931). Ông tên khai sinh Nguyễn Phúc Bửu Đình, sinh năm 1898 tại Kim Long, ngoại ô kinh thành Huế, tỉnh Thừa Thiên, xuất thân trong hoàng tộc triều Nguyễn. Trong thời gian bị giam ở Côn Đảo do làm cách mạng, ông viết truyện gửi về đất liền và được đăng trên tờ Phụ nữ tân văn trong đó có 2 truyện đậm chất trinh thám nhất: “Mảnh trăng thu” và “Cậu Tám Lọ” (còn có tên khác là “Tục Mảnh trăng thu”). Nhiều người vẫn cứ nhầm lẫn “Mảnh trăng thu” (1929-1930) là tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của Việt Nam.
Sơn Vương (1907-1987), nhà văn, tướng cướp, người tù khổ sai, người có ý định làm chúa đảo… Ông có khoảng 29 tác phẩm, được viết trong khoảng 1929-1931 khi tự do, nay đã được sưu tập gần đầy đủ. Một số tiểu thuyết trinh thám, kỳ tình của Sơn Vương nay còn được nhắc đến, như: Bát cơm chan máu (1929); Phản bạn vì tình (1930); Luật rừng xanh (1930); Tướng cướp hào hoa (1931); Ai kén chồng (1931)… Sơn Vương là tác giả bán chạy lúc đương thời, tác phẩm “Chén cơm lạt của người thất nghiệp” (1931) đã bán hết 3.000 bản ngay trong tuần đầu tiên.
Là mảnh đất tiếp thu, ươm mầm cho thể loại tiểu thuyết trinh thám của phương Tây nhưng đến nay tiểu thuyết trinh thám ở miền Nam, không có bước đột phá như những thập niên đầu của thế kỷ XX.
B. Tiểu thuyết trinh thám miền Bắc
Tiểu thuyết trinh thám được tiếp thu, phát triển khá sớm ở miền Nam, nhưng làm nên “thương hiệu” Việt lại là công lao và đóng góp của các nhà tiểu thuyết trinh thám ở miền Bắc.
Thế Lữ là người tiên phong và có nhiều đóng góp cho thành tựu chung của phong trào Thơ Mới. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Đình Lễ, sinh năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội, bút danh Thế Lữ, Lê Ta. Ông là một nghệ sĩ đa tài trên nhiều lĩnh vực. Truyện trinh thám, ông có các tác phẩm tiêu biểu như: Lê Phong phóng viên (1937), Những nét chữ (1937), Mai Hương và Lê Phong (1937), Đòn hẹn (1939), Gói thuốc lá (1940). Thế Lữ đã xây dựng một series về nhân vật thám tử chuyên nghiệp Lê Phong.
Trong lịch sử văn học, nếu Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là “ông Vua phóng sự Bắc kỳ” thì nhà văn Phạm Cao Củng chính là “Vua truyện trinh thám Việt Nam”. Phạm Cao Củng (1913-2012), sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở Nam Định. Năm 1936, ông đã cho in truyện trinh thám đầu tay Vết tay trên trần. Thành công với tác phẩm, ông tiếp tục công
việc viết tiểu thuyết trinh thám và cho ra đời hai series về hai nhân vật: Kỳ Phát và Tám Huỳnh Kỳ. Tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng chia thành hai dòng: trinh thám suy luận và mạo hiểm.
Bùi Huy Phồn (1911-1990), là nhà thơ, nhà văn, nhà báo Việt Nam. Ông có các bút danh: Đồ Phồn, Bùi Như Lạc, Cười Suông. Ngoài tiểu thuyết lịch sử và truyện hoạt kê trào phúng, Bùi Huy Phồn còn viết cả tiểu thuyết trinh thám như những tác phẩm: Gan dạ đàn bà (1942); Mối thù truyền kiếp (1942); Tờ di chúc (1943).
Tóm lại, những thập niên đầu của thế kỷ XX, là khoảng thời gian mà văn học Việt Nam phát triển có những bước đột phá về nhiều mặt từ nội dung tư tưởng đến phương thức biểu hiện. Văn học trinh thám cũng không nằm ngoài quy luật vận động chung đó.
2. Phạm Cao Củng và mong muốn bản địa hóa
Tiểu thuyết trinh thám ra đời trong lòng xã hội thị dân phương Tây, hình thức cổ điển của nó nằm ở phương Tây, và các nhà văn Việt Nam khi viết trinh thám đều có ý thức mạnh mẽ về bản địa hóa thể loại. Chắc chắn rằng cùng với sự xâm nhập của văn hóa phương Tây vào Việt Nam, trong đó có những cuốn sách trinh thám của các nhà văn phương Tây bậc thầy như Edgar A. Poe, Conan Doyle, Maurice Leblanc, Georges Simenon… Phạm Cao Củng đã chịu nhiều ảnh hưởng từ lối tạo dựng nhân vật cũng như hình thành các cốt truyện ly kì, bí hiểm. Thế nhưng điều khiến ông trở thành nhà văn trinh thám đại diện cho dòng văn học vốn thường bị xem nhẹ ở Việt Nam này, chính là việc Phạm Cao Củng đã tạo ra một hình ảnh thám tử Kỳ Phát “rất Việt Nam”, với lối suy nghĩ cũng như không gian, bối cảnh đậm chất Việt.
Gần đây, sau khi cuốn Hồi ký của ông được xuất bản, trên một số phương tiện thông tin báo chí, tên tuổi Phạm Cao Củng được nhắc đến như là người đầu tiên có công thử nghiệm việc bản địa hóa tiểu thuyết trinh thám phương Tây. Ông là tác giả của các truyện trinh thám tiêu biểu như: Vết tay trên trần (1936), Chiếc tất nhuộm bùn (1938), Cái kho tàng nhà họ Đặng, Ba viên ngọc bích (1938), Người một mắt (1940), Kỳ Phát giết người (1941), Nhà sư thọt (1941), Đôi hoa tai của bà Chúa (1942), Đám cưới Kỳ Phát (1942)…
Suốt cuộc đời cầm bút, ông đã viết khoảng 200 cuốn sách, trong đó có gần 30 cuốn sách trinh thám, với hai series: series về thám tử Kỳ Phát và series về Tám Huỳnh Kỳ. Hai series trinh thám này được viết theo hai phong cách khác nhau. Loạt truyện về thám tử Kỳ Phát chịu ảnh hưởng của Conan Doyle, mang nhiều dáng dấp Sherlock Holmes. Còn Tám Huỳnh Kỳ là sự pha trộn của Arsène Lupin (nhân vật của nhà văn Pháp Maurice Leblanc)… Vì vậy, dù không phải tác giả đầu tiên, vẫn có thể coi Phạm Cao Củng là người mở đường, người cắm cột mốc trên địa hạt tiểu thuyết trinh thám VN.
Theo dịch giả Phạm Tú Châu: Cái đặc biệt mà người ta thấy ở tiểu thuyết trinh thám suy luận của Phạm Cao Củng là tuy vay mượn một thể loại văn học phương Tây nhưng ông đã Việt Nam hóa rất tài tình, cộng thêm phần sáng tạo riêng có. Những nhân vật và khung cảnh trong truyện của ông đều có tính chất Việt Nam, hợp với trình độ người Việt hiện thời, không nhặt nhạnh những mẩu truyện ly kỳ của Tây phương và cố gò ép vào những khung cảnh lai Việt lai Pháp. Đặc biệt, nhân vật thám tử Kỳ Phát đã được Phạm Cao Củng gán cho những phẩm chất vốn được ưa chuộng ở phương Đông như coi khinh quyền thế giàu sang, đồng tình với người dân thấp hèn, không quản mạo hiểm nguy nan, thù lao nhiều ít để làm sáng tỏ chính nghĩa. Khác với Sherlock Homes, Kỳ Phát tôn trọng pháp luật, song càng tôn trọng tình cảm và đạo đức hơn, do vậy nhân vật thám tử này có bóng dáng của hiệp sĩ nghĩa khí trong tiểu thuyết cổ Trung Hoa. Án phá xong, Kỳ Phát không bao giờ nhận tiền thù lao, thậm chí khi được hưởng một phần cái gia tài “không biết bao nhiêu là thoi vàng bạc và cả đống châu báu, chàng đã lẳng lặng bỏ đi…” Chàng có đầy đủ phẩm chất của một tài tử lãng mạn, đa tình, nhưng lại phù hợp với “trình độ, tri thức và cuộc sống của người Việt Nam” nói chung lúc đó.
“Hiện tượng” Phạm Cao Củng cho thấy nhà văn và bạn đọc lúc bấy giờ khao khát được thể nghiệm, được đón đọc một thể tiểu thuyết lạ có sự gợi mở về trí tuệ.
Sau Phạm Cao Củng, đầu những năm 1970-1980, loại truyện điều tra hình sự, tình báo, gián điệp từ Liên Xô và các nước Đông Âu cũng liên tiếp được dịch ở nước ta. Một số nhà văn Việt Nam cầm bút viết nên những tác phẩm của mình. Chỉ có điều, tiểu thuyết trinh thám theo đúng nghĩa ban đầu của thể loại thì cho đến nay, theo nhiều người nhận xét: vẫn chưa ai vượt qua được Phạm Cao Củng!
Thay lời kết: Tiểu thuyết trinh thám Việt Nam đã có một thời vàng son trước năm 1945, do lịch sử mà sau đó phát triển đứt đoạn và rời rạc. Ngày nay, khi nhu cầu của người đọc đối với thể loại, và, vì những thành tựu và phương cách mà tiểu thuyết trinh thám thế giới đã xóa nhòa ranh giới với các thể loại văn chương “bác học”, liệu có thể bắt đầu một thời kỳ khác cho văn học trinh thám Việt Nam?
Nguồn: Mr Trần Hùng (Bình Thư Quán)
Bài đăng ngày 15-4-2017