Lỗ Tấn là một văn học và một chiến sĩ.
Ngòi bút thiên tài của ông đã tranh đấu tận tình cho một xã hội tiến bộ.
Thiên tài và nhiệt tình ấy đã được toàn thể đồng bào ông khâm mộ. Tiếng tăm ông ngày càng lừng lẫy, từ lâu đã vượt ra xa ngoài biên giới Trung hoa.
Văn oông chẳng những trội về phẩm mà còn giàu về lượng: “Lỗ Tấn toàn tập” ấn hành sau khi ông mất (1936) gồm đến hai mươi quyển cở 12x18, mỗi quyển dày từ 450 trang (Hiện Đại Tiểu thuyết Dịch Tùng – Nhật Bản Tiểu Thuyết Tập) đến 900 trang (Tập Ngoại Tập – Lưỡng Địa Thứ), cộng trên dưới sáu triệu chữ, Trứ thuật phẩm của ông đại khái chia làm ba phần:
- Hiệu đính và biên toán
- Dịch thuật;
- Sáng tác (thơ, tạp văn, tiểu thuyết).
Riêng về tiểu thuyết, ông chỉ viết có hai mươi lăm truyện ngắn (1); mười bốn truyện trước viết từ tháng 4 năm 1918 (Nhật ký người điên) đến tháng 10 năm 1922 (Hát Bội), in thành tập Nột Hãm; mười một truyện sau viết trong hai năm 1924 và 1925 (Lễ Chúc Phúc viết xong vào đầu tháng 2 – 1924 , Ly Hôn truyện cuối cùng viết xong vào đầu tháng 11-1925) in thành tập Bàng Hoàng.
Theo lời ông nói, sở dĩ ông viết tiểu thuyết “ phần lớn là vì mối đồng cảm với bọn người nhiệt tình…..: chúng tôi cũng muốn kêu lên (nột hảm) mấy tiếng để trợ uy cho họ”.
Trong thời kỳ bắt đầu sáng tác, Lỗ Tấn còn tin tưởng nhiều ở thuyết tiến hóa. Với niềm tin tưởng ấy, ông định tâm dùng ngòi bút để “cải biến tinh thần” người Trung hoa, cải tạo quốc dân tính Trung hoa.
Muốn như vậy, theo ông, không gì hơn là vạch trần những nét xấu truyền thống nó gần như làm têliệt tất cả tiềm năng tranh đấu tối cần cho cuộc sống còn của dân tộc ông. Bởi thế, thoạt đầu ông viết là để tỏ mối đồng tình với những người đồng điệu mà về sau, trong khi tiếp tục viết , ông không khỏi “ xen lẩn mối hy vọng phơi bày căn bệnh của xã hội cũ để thúc giục mọi người lưu tâm tìm phương cứu nguy” (1).
Ngọn bút hiện thực phê phán rất sắc sảo và rất mạnh bạo của ông quả nhiên đã “truyền thần được linh hồn” nguòi nước ông. Những hành vi bỉ ổi của họ, những ý nghĩ xấu xa của họ đều bị ông “lột mặt nạ”.
Dĩ chí tiềm thức của họ cũng bị ông phanh phui (Anh em ruột thịt). Ngoài những hành vi bỉ ổi, những ý nghĩ sâu xa, những ý tình ẩn ức hèn kém ấy, ông còn không tiếc lời tố cáo cái nền văn hóa cổ truyền hủ bại và cái chế độ mỗi ngày một thêm ác hóa – hai nguyên nhân chính đang làm sa đọa xã hội ông. “Nhật ký người điên” là cả một bản án kết tội nền văn hóa cũ mà bản chất là “ăn người”, “AQ chính truyện” là cả một hồi còi báo động trước nguy cơ của một cuộc cách mạng lưng chừng đồng lõa với những thủ đoạn lợi dụng tự tư được che đậy khéo léo.
Bàn về kỹ thuật tiểu thuyết, có người nghĩ rằng một vài truyện ngắn của Lỗ Tấn xây dựng không được thật vững. Nhưng về mô tả nhân vật và phân tích tâm lý thì các nhà phê bình đều nhận rằng Lỗ Tấn quả là “bậc thầy” , các tác giả Trung Hoa gần đây ít ai theo kịp. Ông không mô tả tỉ mĩ mà chỉ chấm phá, theo cái phép “vẽ người cần cặp mắt, chứ không cần tỉa tót từng sợi tóc”. Tả người đã vậy, tả cảnh cũng thế. Ông rất kỵ rườm lời. Đáp một ký giả hỏi về cách viết tiểu thuyết , ông nói: “Viết xong rồi, ít nhất cũng xem lại hai lần, hết sức bỏ những chữ, những câu, những đoạn nào có thể bỏ được, không mảy may tiếc rẻ, chẳng thà rút ngắn tiểu thuyết thành “tốc tả”(sketch) còn hơn kéo dài tốc tả thành tiểu thuyết”. Cái đặc sắc nổi bật trong câu văn Lỗ Tấn là rất gọn, rất cô động, rất sâu và rất mạnh:
“Hiệp hạng đoạn binh tương tiếp xứ,
Sát nhân như thảo bất văn thanh”
(Ngõ hẹp dao găm xô xát, giết người như phạt cỏ, êm ru). Đó là thơ mà cũng là văn Lỗ Tấn.
Thêm vào đó, ông lại sở trường về trào phúng, lối trào phúng duyên dáng, nhẹ đấy mà đau, và luôn luôn căn cứ trên sự thực (“Trào phúng khkông căn cứ trên sự thực chỉ là nói xấu, cũng như hoạt họa không căn cứ trên sự thực là bôi nhọ”); lời văn ông lại thường trầm uất, thê thiết, thành ra đọc ông, người ta mỉm cười đấy mà vẫn bùi ngùi, xót thương đấy mà vẫn thích thú.
Nhờ có học thuốc (hai năm tại y khoa đại học Tiên đài, Nhật-Bản) ông tỏ ra rất sành về phân tâm học và ông thường áp dụng nguyên lý giải phẩu vào việc mổ xẻ tâm linh con người. Nữ sĩ Tô Tuyết Lam nói: “Đối tượng giải phẩu của ông ta (chỉ Lỗ Tấn) không phải là nhục thể mà là tâm linh., chúng ta đau đớn thế nào, ông cũng mặc, chúng ta né tránh thế nào, ông cũng vẫn lạnh lùng giơ cao mũi dao vô cùng sắc mạnh, với một thủ thế đã từng luyện kỹ, nhằm vết thương nằm sâu trong linh hồn chúng ta mà đâm nhập vào chỗ sung yếu nhất, moi móc cái chỗ “bênh kết” “ung mủ” ra, đặt xuống dưới ống kính hiển vi cho mọi người quan sát.
Những căn bệnh đưa ra cho mọi người quan sát đó, không phải chỉ riêng người Trung Hoa mới mắc, chúng ta bắt gặp chúng ở hết thảy mọi người, bất luận ở thời nào, nơi nào; có điều là dưới ngòi bút Lỗ Tấn, chúng được biểu hiện với một sắc thái đặc biệt Trung hoa trong những trường hợp và những chi tiết đặc biệt Trung hoa. Nhân tính phổ biến của loài người được lồng trong nhân tính đặc thù của người Trung hoa. Thành thử các nhân vật rất sống và rất thật trong tiểu thuyết Lỗ Tấn (phần nhiều là những phần tử bất hạnh, bênh hoạn, rất quen thuộc, trong đó gồm cả chính tác giả (Trên gác rượu – Con người cô độc) không những chỉ sống, chỉ thật với người Trung –hoa, mà còn sống còn thật đối với tất cả mọi người, sống dưới mọi chân trời; tiểu thuyết của ông nhờ vậy mà đầy đủ vừa dân tộc tính vừa thế giới tính. Thảo nào người ta không lấy làm lạ khi tác phẩm của ông được dịch ra rất nhiều thứ tiếng (Nga, Nhật, Miến Điện, Ấn Độ, Anh, Pháp, Ý, Đan Mạch, Mỹ) và được hoan nghênh cả ở Á châu lẫn Âu, Mỹ.
Một là vì giá trị nghệ thuật của ngòi bút Lỗ Tấn , hai nữa vì những tệ bệnh xã hội và sở đoản cá nhân do ông tố cáo, vốn không xa lạ đối với người Việt Nam chúng ta, từ lâu chúng tôi vẫn nghĩ rằng phiên dịch tác phẩm của ông ra Việt văn là một việc làm rất hữu ích.
Văn Lỗ Tấn khó dịch. Chữ ông dùng không hiểm quái lắm và tương đối ít thổ ngữ, nhưng ý từ thì khá sâu kín, khúc mắc. Chúng tôi cố gắng sao cho văn dịch vùa sát với nguyên tắc, lại vừa xuôi tai; nhưng gặp đôi chỗ không làm trọn vẹn được như thế thì đành hy sinh phần “thuận” cho phần “tín”, đúng như chủ trương “trực dịch” của chính Lỗ Tấn.
Khánh hội, ngày 8 tháng 9 năm 1965.
MỤC LỤC
Lời người dịch
1. NHẬT KÝ NGƯỜI ĐIÊN
2. KHỔNG ẤT KỶ
3. ÁNH MAI
4. ANH EM RUỘT THỊT
5. TRÊN GÁC RƯỢU
6. QUÊ NHÀ
7. CON NGƯỜI CÔ ĐỘC
8. LỄ CHÚC PHÚC
9. AQ CHÍNH TRUYỆN