Tuổi thơ của người con lai
Giới thiệu sách:
"Trong cuộc xâm lược, đô hộ gần một thế kỷ của thực dân Pháp tại Việt Nam, mảng viết về lịch sử gắn với thân phận những con người mang trong mình dòng máu nửa Việt nửa Pháp thường được biết đến rất mờ nhạt. Ngay như câu hỏi: Con lai họ là ai? Họ đã đi đâu sau năm 1954? Trại tập trung của họ ở đâu, sinh hoạt thế nào cũng ít được biết đến. Rất may, có cuốn sách ra đời trả lời được một phần những điều này, đó là cuốn tự truyện “Tuổi thơ của một cậu bé con lai” (NXB Thế giới ấn hành quý IV năm 2015), tác giả Phạm Văn Thành, người gốc Quảng Yên. Tác giả cũng là nhân vật của cuốn sách “Tuổi thơ của một cậu bé con lai” - là người con Quảng Yên, sinh năm 1935, từng được sống yêu chiều, hạnh phúc trong ngôi làng của mình với cái tên phát âm theo kiểu Việt Nam là Ma Sen (Marcel). Dù bị bứng ra khỏi nơi sinh ra của mình từ nhỏ nhưng tác giả đã dựng lại được khung cảnh của nó một cách sinh động. Với sự có mặt của một doanh trại lính Pháp: “Quảng Yên. Khởi điểm thì đó là một làng chài và tiểu nông. Đó là một trong nhiều trung tâm huấn luyện và có đông lính lê dương ở đó. Khi dốc hết túi tiền của mình, những người lính này đã mang lại sự thịnh vượng nhất định cho nơi đây và các hoạt động thương mại phát triển lên. Ở một số quầy bar trong làng, lính Pháp mặc quần soóc và áo sơ - mi vải ka - ki uống bia và thường xuyên hát nghêu ngao...”. Không chỉ có nỗi nhớ với Quảng Yên, Vịnh Hạ Long cũng để lại trong lòng tác giả những điểm nhấn khó phai. Nguồn gốc của Vịnh Hạ Long qua lời kể của bà mẹ cũng rất thú vị: “Mẹ kể cho tôi nghe huyền thoại về con rồng tốt bụng, vì muốn tránh cho ngư dân khỏi bị sóng dữ lôi ra xa khơi, đã dùng đuôi đập núi và muôn vàn mảnh núi văng xuống biển thành những mỏm đá”. Trở lại với câu hỏi đầu tiên con lai họ là ai? Xin trả lời họ là sản phẩm của giai đoạn thực dân sau gần một thế kỷ chiếm đóng của quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam. Là con của những người cha Pháp và mẹ Việt Nam, từ khi còn rất nhỏ, họ đã bị tách khỏi mẹ và giao cho một trại trẻ mồ côi vì nước Pháp muốn biến họ thành người Pháp. Năm 1954, toàn bộ trẻ con lai đều được đưa đến Pháp. Năm sáu tuổi Ma Sen (Marcel) được giao cho Hội trẻ em Pháp gốc Đông Dương nuôi dưỡng. Và người ta chuyển đến Trại trẻ mồ côi Đáp Cầu, gần Bắc Ninh và Hà Nội. Với câu hỏi mà người ta đặt ra cho người mẹ là bà phải suy nghĩ con bà sẽ làm gì khi trưởng thành. Dù không muốn nhưng cuối cùng bà vẫn phải để đứa con yêu quý của mình ra đi. Vì đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, mỗi năm bà chỉ có thể lên thăm con mình được một lần. Ở đây, dưới sự giám sát của các anh bồi cùng các bà sơ theo dòng Thánh Vincent-de-Paul những đứa trẻ con lai bắt buộc phải thay đổi cuộc sống gia đình, làng xã trước đây của mình. Chúng phải sống tự lập, từ ăn uống, học hành, sinh hoạt, quan hệ bạn bè đến ngủ trong những cái giường đánh số. Cùng với đó là chịu những hình phạt từ việc véo tai, tát đến quỳ khi phạm lỗi. Nhưng hình phạt nặng nề nhất là chúng không có cơ hội nào nữa để trở về nhà. Người ta đặt cho chúng những cái tên mới. Ma Sen (Marcel) được đặt lại tên thành Phạm Văn Thành, tự Pierre Louis. Chúng được học tiếng Pháp và dạy lịch sử Pháp. Tuy vậy, trái với ý muốn của người Pháp, dù tìm mọi cách vẫn không thể nào cắt đứt lũ trẻ ra được khỏi dòng giống Lạc Hồng của mình, khi máu chảy trong huyết quản là dòng máu Việt. Học sử Pháp nhưng Phạm Văn Thành vẫn nhớ đến những đêm ở làng nghe kể chuyện ngày xưa với Bà Trưng, Bà Triệu; chiến thắng Bạch Đằng, chiến thắng quân Nguyên Mông của tướng quân Trần Hưng Đạo. Và nhớ câu mà người lớn thầm thì “Rồi có một ngày ta sẽ đuổi giặc Pháp”. Bước ngoặt của những đứa trẻ con lai xảy ra khi quân Nhật đánh úp quân Pháp. Rồi đến quân Trung Hoa vào thay quân Nhật. Những đứa trẻ được chuyển vào Nam qua cảng Hải Phòng trên con tàu Duquesne. Khi ở Hải Phòng chỉ có một câu hỏi quay vòng trong đầu tác giả: “Làm thế nào liên lạc với mẹ để nói cho người rằng tôi ở đây thôi, rất gần người”. Ở Sài Gòn lũ trẻ ở Đệ tử viện do các sư huynh cai quản, tại Thủ Đức. Nơi đây, chúng được ăn học tiếp cho đến một ngày được chuyển đi Pháp. Rời xa mẹ, rời xa nước Việt, rời xa quê hương, làng xã với bao kỷ niệm thuở thiếu thời. Mà không biết đến khi nào mới có thể trở về? Điểm đến nước Pháp là một cuộc phiêu lưu mới. Như tác giả đã kết luận khép lại cuốn sách: “Cậu không còn là một đứa trẻ con nữa, cậu đã ở lứa tuổi thiếu niên và câu chuyện của cậu vì thế sẽ là một câu chuyện của người lớn”. Và cuối cùng như mơ ước thời nhỏ của tác giả, nước Việt Nam giờ đã là một nước độc lập, tự do. Dù đã già yếu, nhưng mảnh ghép Việt ở đâu cũng thế, cũng cần quay về cội nguồn, để kể lại và yêu thương"