Có rất nhiều bóng cây, bóng rừng trong sương lạnh trong triển lãm Nguyên và "Nguyên" (mở cửa từ nay đến 21.11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) của Nguyễn Trần Thảo Nguyên. Cô gái sống tuổi thơ ở Sơn La trước khi chuyển về thành thị trưng bày ở đây 31 bức sơn dầu biểu hiện trừu tượng sáng tác trong 2 năm gần đây trong triển lãm đầu tay, khi vừa tốt nghiệp cao học ở Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam.
"Tôi ở trong thành phố nhưng trong giấc mơ luôn có những cây cao quá đầu bao trùm. Tôi nghĩ mình không ra được khỏi rừng. Khi trở về rừng thì lại có thêm nguồn sinh khí. Lạnh nhưng trong đó có sự ấm lòng. Tôi thích suy tưởng ở đấy", Nguyễn Trần Thảo Nguyên nói.
Trong Nguyên và "Nguyên", có thể thấy Nguyễn Trần Thảo Nguyên đang như trôi trong những giấc mơ, thả lỏng mình để trôi trong mơ. Nhưng sự trôi này không phải vì lười biếng mà là sự thả trôi để tìm về chính mình. Có thể, đó là sự tự đánh thức cảm xúc trước quá nhiều khuôn mẫu của thành thị, trong đó có cả những định kiến về giới.
Họa sĩ Trịnh Minh Tiến nói: "Trên một nền hoang dại của tình yêu, nhục cảm, Nguyên nhảy múa thích thú cùng đường nét và màu sắc. Xem tranh Nguyên như thể Nguyên sống thật sự khi yêu và bước lên sân khấu để được múa trong thế giới của riêng mình".
Nguyên và "Nguyên" là triển lãm Nguyễn Trần Thảo Nguyên bắt đầu nói câu chuyện của mình với cảm xúc thành thực. Những nét vẽ tinh nhỏ trong tranh không nhiều, nhường chỗ cho những nhịp màu ngắn, liên tục, tạo những mảng màu đa hướng và cảm giác bồng bềnh hơn là tạo khối. Những bức vẽ giàu tình cảm và nội tâm này của cô là một khởi đầu đáng kể, vì khi nghệ sĩ chạm được tới sự thành thật, biết cách mô tả cảm xúc đó, sự trưởng thành sẽ đến như một tất yếu.