Trong số những công trình nghiên cứu về văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, tác phẩm "Bản sắc văn hóa Việt Nam" của GS. Phan Ngọc có một vị trí vô cùng đặc biệt. Đặc biệt vì đây là một trong số rất ít những quyển sách với mục tiêu xây dựng những khái niệm nền tảng, những phương pháp cơ bản cho ngành văn hóa nói chung và ngành nghiên cứu văn hóa Việt Nam nói riêng để ngành này sớm trở thành một ngành khoa học độc lập.
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những đặc điểm văn hóa riêng thể hiện qua lối sống, cách ứng xử và các hành vi giao tiếp khác. Người phương Tây khi giao tiếp thường bắt tay biểu hiện bàn tay không có vũ khí. Người phương Đông lại cúi đầu chào, gọi người khác là đại nhân (người lớn), tiên sinh (người sinh ra trước, hiểu biết nhiều như là người anh). Cái đó thuộc về bản sắc văn hóa vì nó chỉ có thể tìm thấy ở nơi này mà không thể tìm thấy ở nơi khác, nghĩa là cái đặc trưng của một cộng đồng người, của một tộc người biểu hiện ra ở từng cử chỉ, hoạt động sinh tồn của cá thể cũng như của cả cộng đồng.
Bản sắc văn hóa là thiêng liêng, quý giá, nó tạo nên cái đặc thù của một dân tộc. Nó được hình thành trong lịch sử lâu dài của một dân tộc, được đúc kết từ kinh nghiệm sống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó máu thịt với con người. Nó tồn tại tự nhiên không thể ép buộc nhưng đòi hỏi phải biết giữ gìn, bảo lưu. Nó có thể được biểu hiện ra bề ngoài nhưng cũng có thể ẩn sâu trong tâm hồn con người.
Cuốn sách được Nhà xuất bản Văn học ấn hành, sách dày 495 trang, nội dung sách bao gồm 14 chương và được chia làm ba phần:
Phần I: "Những khái niệm mở đầu" sẽ cung cấp cho độc giả những khái niệm cơ bản của văn hóa học với những cách tiếp cận riêng của tác giả trong nghiên cứu văn hóa.
Phần II: "Giao lưu văn hóa" tập trung khảo sát một số vấn đề cụ thể trong văn hóa Việt Nam như: bản sắc văn hóa Việt Nam trong giao lưu văn hóa; đạo Nho Việt Nam - một sự khúc xạ, trí thức Việt Nam xưa với văn hóa. Một nội dung khác của phần II là những minh chứng của việc áp dụng phương pháp tiếp cận văn hóa học để nghiên cứu, lý giải một số chủ đề trong văn hóa, lịch sử, dân tộc học Việt Nam như: Truyền thống quân sự Việt Nam - nền tảng mọi thắng lợi quân sự, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đỉnh cao của văn hóa dân tộc, Tiếp xúc văn hóa Việt – Pháp...
Phần III: "Bảo vệ và phát huy văn hóa" được trình bày như một phần kết luận với những suy nghĩ, giải pháp đề xuất của tác giả để bảo vệ văn hóa Việt Nam trong quá trình giao lưu hội nhập như: Cách phát huy văn hóa trong cuộc tiếp xúc văn hóa hiện nay, Ưu thế của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn kinh tế thị trường... Nếu như văn minh là tìm cách hòa mình vào dòng chảy không ngừng của nhịp độ phát triển đi lên với thế giới thì tìm về văn hóa lại là cú lội ngược dòng vào trong tâm khảm để tìm lại những giá trị bền vững, truyền thống, tinh hoa được kết tụ ngàn năm trong mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Không có một đất nước nào chỉ công nghiệp hóa, lãng quên vào việc giữ gìn văn hóa mà có thể tồn tại cân đối và lâu dài. Cuốn sách Bản sắc văn hóa Việt Nam chứa đựng nhiều ý tưởng độc đáo, mang tính đột phá và góp phần cơ bản vào quá trình xây dựng và hoàn chỉnh ngành văn hóa học Việt Nam. Người đọc chắc chắn cũng sẽ vô cùng tâm đắc với những khái niệm và cách tiếp cận đầy sáng tạo như: "khúc xạ văn hóa", "tiếp xúc văn hóa", "truyền thống vượt gộp trong văn hóa Việt Nam", "nhân cách luận Việt Nam", "một định nghĩa thao tác luận về văn hóa".
Cuốn sách cũng sẽ giúp người đọc trả lời được các câu hỏi liên quan đến người Việt và văn hóa Việt như: bản sắc văn hóa Việt Nam là gì? Văn hóa Việt Nam khác văn hóa Trung Hoa, văn hóa Pháp...ở chỗ nào? Vì sao có sự khác biệt đó? Làm gì để giữ gìn và phát huy văn hóa Việt trong thời hội nhập? "Bản sắc văn hóa Việt Nam" là một cuốn sách dành cho tất cả những ai quan tâm đến văn hóa học và văn hóa Việt Nam, những ai muốn hiểu được những gì đã, đang và sẽ làm nên thế giới bên trong của người Việt.