Lời dẫn của người dịch
Chúng tôi loay hoay tìm một thuật ngữ tương ứng trong tiếng Việt để dịch tên hai tác phẩm này. Nhưng thật là khó.
Thi và từ thì rất quen, ít nhất là với thi. Có lẽ thơ cũng chỉ là cách đọc của thi chăng (1)?Còn từ thì gần đây cũng đã được nói đến nhiều ở nguyên cách, nhưng cũng chưa phải đã phổ cập. Cái khó chính là không thấy một sự tương thích nào cả, giai thoại, truyện vui, chuyện kể, tiểu truyện… đều không hoàn toàn phù hợp. Có một cái gì đó ở bản sự, khiến chúng tôi nhớ tới Xuân Diệu khi ông nói những chuyện về nghề của mình: Vào trong bếp núc của nhà thơ, nhưng cũng không xong. Những ghi chép này không phải là loại chúng tôi nói về việc chúng tôi. Nó có một truyền thống, dù nhỏ. Đành phải tìm một tiếp cận khác.
Bản, nguyên nghĩa là gốc cây, đầu của mọi việc, một bản sách, tiền vốn…
Sự, là việc làm, nghề nghiệp, thờ phụng, tai biến… Nhưng rõ ràng Bản sự không phải là sự cộng lại của hai nghĩa trên đây trong một quan hệ chính phụ.
Người Hán từ xưa và cũng là cho đến nay, hiểu bản sự theo nghĩa như thế này:
1. Những sự tích chân thực. Sách Hán thư, phần Nghệ văn chí có nói: Khâu Minh khủng đệ tử các an kỳ, dĩ thất kỳ chân, cố luận bản sự nhi tác truyện. Nghĩa là: Khâu Minh sợ học trò bằng lòng với những ý nghĩ của riêng mình, có thể dẫn đến làm mất sự chân thực, mới dựa trên những bản sự mà viết thành truyện(2).
2. Chỉ bản lĩnh, kỹ năng. Một tác giả không tên trong kinh kịch Trảm Khoái Thông, chiết thứ nhất có viết: Ta nhớ Hàn Tín, một thằng chết đói ở đất Hoài Âm, có công lao gì nên chuyện, có cái gì đáng gọi là bản sự?(3)
3. Chỉ về nghề nông. Sách Quản tử, chương Quyền tu, có viết: Cố thượng bất hảo bản sự, tắc mạt sản bất cấm. Hiểu là: Bởi không chăm lo tới nghề nông, cho nên những nghề thấp kém không thể cấm được. Có lẽ đây chính là nghĩa trong thành ngữ: Nông vi bản của cách xử lý trọng nông ức thương và các ngành khác của xã hội phong kiến ở Trung Hoa và Việt Nam.
4. Nghĩa cuối, Chỉ việc dùng ngôn ngữ để tóm tắt những điểm mấu chốt của một tác phẩm tiểu thuyết, điện ảnh với nội dung cốt truyện, nhằm mục đích giới thiệu.(4)
Hình như cả bốn nghĩa trên đây đều có thể áp dụng cho trường hợp Bản sự thi, Bản sự từ. Hai nghĩa trên là trực tiếp, hai nghĩa dưới là nghĩa bóng. Chính vì vậy, chúng tôi yên tâm để nguyên tên của hai tác phẩm mà không dịch nghĩa sang tiếng Việt.
Người viết Bản sự thi là Mạnh Khải. Tư liệu về tác giả này, ngay ở Trung quốc cũng không còn là bao. Chỉ biết rõ ông sống vào đời Đường; tự là Sơ Trung, giữ chức Tư huân lang trung. Trong bản sự về Hàn Bằng, Mạnh Khải viết ở phần cuối: Lúc này là những năm đầu thời Kiến Trung. Ít lâu sau, khi Hàn quay lại làm quan ở đất Biện là vào đời Khai Thành, ta thôi việc ở Ngô Châu, viên túc tướng Triệu Duy người thành Đại Lương, làm thứ sử Lĩnh Ngoại, tuổi đã gần chín mươi mà tai mắt vẫn tinh tường, đi qua Ngô Châu, kể những chuyện cũ của Đại Lương, toàn những chuyện đáng nghe, trong đó có chuyện này, nói rằng chính mắt được thấy. Vì vậy chép ra đây.(5)
Nhưng cũng không thấy lúc này, Mạnh Khải làm quan chức vụ gì.
Bản sự thi khối lượng không nhiều, chỉ gồm một quyển, ghi chép về các nhà thơ đời Đường. Trừ hai bản sự về Lạc Xương công chúa và TốngVũ Đế là xảy ra vào thời Lục triều, chia làm các mục: Tình cảm, Sự cảm, Cao dật, Oán phẫn, Trưng dị, Trưng cữu, Trào hí. Bảy loại cả thảy.
Sự ra đời của Bản sự thi là khởi đầu cho một loạt bản sự khác. Có thể kể như Xử Thằng Tứ, thời Ngũ đại - triều Ngô có làm Tục Bản sự thi, hai quyển cũng chia làm bảy chương. Nhưng đã thất truyền. Tiếp, Phụng Tiên cũng có làm Tục Bản sự thi, hiện còn, nhưng nội dung không bằng. Thậm chí cũng đời Triệu Tống, Phụng Tiên, Hứa Thúc Tương soạn Bản sự phương, gồm mười quyển, thu thập các phương thuốc truyền thống và đương đại nổi tiếng cùng những bản sự hấp dẫn của nghề thuốc, với tên đầy đủ là Loại trưng phổ tế Bản sự phương.
Đời nhà Thanh, Diệp Thân Hương làm Bản sự từ cũng là nối tiếp truyền thống của thể loại đặc thù này. Ghi chép các bản sự của các nhà làm từ thời Tống về trước, có thể coi là bước tiếp thành công. Chính Diệp Thân Hương cũng có ý thức rất rõ về “ôn cố nhi tri tân” của mình. Ông nói: “Mạnh Khải viết Bản sự đã làm nên một mạch nhỏ đẹp của sự ghi chép, Phá kính luân bào(6). Thơ đã vậy thì từ cũng thế thôi! Đó cũng là nguyên do có tập Bản sự từ này”.
Hai tác phẩm này thường đi đôi với nhau bởi nhiều lẽ: một mở đầu - một cuối cùng; một thơ - một từ. Và điều tiên quyết là cả hai đều thành công hơn cả trong thể bản sự. Chúng tôi cũng vì thế mà giới thiệu cả hai tác phẩm này trong cùng một bản in. Với Bản sự thi, chúng tôi dịch toàn bộ vì nội dung cũng như khối lượng đều có thể dễ dàng chấp nhận. Đầu sách có một lời tựa của chính Mạnh Khải viết, rất ngắn gọn, súc tích, viết vào niên hiệu Quang Khải, năm thứ hai, đời Đường Hi Tông, tức năm 886 công lịch. Chúng tôi trân trọng giới thiệu nguyên văn, làm đại diện cho cả hai tác phẩm: Bản sự thi, Bản sự từ, để bạn đọc có cái thú vị khi tiếp xúc thẳng với ngôn ngữ, nội dung một văn bản ngắn, cách đây mười hai thế kỉ.
Trong Bản sự từ, vì khá mới mẻ ở Việt Nam, chúng tôi chỉ chọn những bản sự hấp dẫn hơn cả, chiếm gần một phần nửa nguyên bản. Cả hai đều đánh số thứ tự theo thứ tự trước sau giống như trong nguyên bản để độc giả tiện theo dõi. Chúng tôi không dịch Tự tự của Bản sự từ nữa. Hi vọng, khi mà thể loại từ khúc đã trở nên quen thuộc hơn ở Việt Nam, chúng tôi sẽ giới thiệu toàn bộ Bản sự từ này.
Có thể trong những bản sự của cả hai tác phẩm, người đọc sẽ gặp những bản sự quen thuộc, điều này càng khẳng định tính kinh điển của nó. Bạn hãy so sánh những người trung gian đã làm gì với bản gốc, để tận hưởng việc tiếp xúc với Lư Sơn chân diện(8) một bộ mặt mà gần đây, chúng ta nghe thấy đã nhiều. Mặc dù cũng đã cách nay trên dưới một nghìn hai trăm năm, họ nhìn, họ nghe, họ miêu tả những người cùng thời như thế đấy… mà không qua xuyên tạc của người trung gian.
Những người tuyển dịch:
Lê Văn Đình, Ngô Như Sâm