Bộ Tìm hiểu văn hoá Việt Nam - Trọn bộ 24 tập. Biên soạn Anh - Việt. Mỗi tập một chủ đề, bao quát nhiều lĩnh vực văn hoá, âm nhạc, nghệ thuật, giáo dục, chính trị...
Với mong muốn cung cấp những kiến thức cơ bản nhất của văn hóa Việt Nam, bộ sách chia thành nhiều ấn phẩm nhỏ với các lĩnh vực riêng về đời sống người Việt từ xưa đến nay như: thi cử nho giáo, lễ hội mùa xuân ở miền Bắc Việt Nam, chợ tryền thống, tết trung thu, cảnh đẹp thiên nhiên Việt Nam, tết nguyên đán, tục lệ cưới xin, y học cổ truyền,... ; giới thiệu về nét đẹp ẩm thực và những sản vật văn hóa đặc trưng như: phở, trầu cau, ẩm thực xứ Huế, áo dài, rối nước, ca trù, nghệ thuật tuồng Việt Nam,...
Mỗi cuốn sách có một hội đồng biên tập riêng, nhưng đều được chủ biên bởi nhà văn hóa Hữu Ngọc và nhà văn, dịch giả người Mỹ Lady Borton. Được ưu ái gọi là ”nhà xuất nhập khẩu văn hóa”, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã dành cả cuộc đời mình cho văn hóa nước nhà, ông luôn đau đáu mong muốn được giới thiệu nền văn hóa lâu đời của Việt Nam ra nước ngoài, giữ gìn, góp một phần nhỏ sức lực của mình để định hướng văn hóa VN phát triển đúng hướng, phát huy những nét đẹp truyền thống đáng tự hào của dân tộc. Song hành cùng ông trong vai trò chủ biên bộ sách này là nhà văn nữ Lady Borton, người phụ nữ Mỹ đã tới, sống và làm việc ở VN từ năm 1969. Bà đã gắn bó và dành nhiều năm tháng đi tới khắp mọi vùng quê của đất nước VN, gặp gỡ, tìm hiểu và trò chuyện với những người dân, coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Hai con người tới từ hai đất nước hoàn toàn xa lạ, thế nhưng lại gặp gỡ nhau ở một tình yêu lạ kỳ và bền bỉ với mảnh đất và văn hóa Việt Nam. Để rồi, lần lượt từng cuốn trong Bộ sách ”Tìm hiểu văn hóa Việt Nam – VietNamese culture Frequently asked questions” được ra đời với hai thứ tiếng: Anh và Việt. Mỗi chuyên mục trong từng cuốn sách đều được bắt đầu bằng những câu hỏi mà ta thường bắt gặp khi tìm hiểu và khám phá về văn hóa Việt Nam. Không chỉ chia sẻ về nguồn gốc hình thành của các bộ môn nghệ thuật, các lĩnh vực văn hóa trong đời sống; các cuốn sách còn giống như những cuốn sổ tay cung cấp cho người đọc những đặc trưng văn hóa nổi bật của các thành phố lớn.
Mỗi trang viết tiếng Việt được sóng đôi cùng một trang viết tiếng Anh, với phần dịch nghĩa từ vựng nằm ở cuối các cuốn sách; chính vì vậy mà nhà văn hóa Hữu Ngọc đã từng chia sẻ, bộ sách này hướng tới nhiều đối tượng, không chỉ những người Việt Nam muốn tìm hiểu thêm về văn hóa nước mình, đồng thời gia tăng vốn ngoại ngữ mà ngay cả những người nước ngoài cũng có thể cùng một lúc vừa tìm hiểu văn hóa Việt Nam vừa học thêm tiếng Việt. Với lối viết ngắn gọn, súc tích, mỗi cuốn sách không quá 200 trang đã cung cấp cho người đọc những kiến thức khái quát nhất về nhiều lĩnh vực của văn hóa Việt Nam.
Trong bối cảnh chúng ta phải đối diện với sự du nhập của các nền văn hóa ngoại lai thì việc nâng cao nhận thức về đất nước, văn hóa Việt Nam là vô cùng cần thiết. Bộ sách song ngữ ”Tìm hiểu văn hóa Việt Nam” đã đưa người đọc lãng du, dạo chơi trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Để rồi không chỉ khơi gợi hứng thú tìm hiểu và khá phá văn hóa Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế mà còn khơi dậy trong sâu thẳm mỗi người con nước Việt lòng tự hào với những nét đẹp đáng trân quý của dân tộc và hối thúc trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông để lại.