Trong sách Nội kinh (một tác phẩm kinh điển của Y học cổ truyền), ngay câu mở đầu của chương “Âm dương ứng tượng đại luận” có viết: “Âm dương giả, thiên địa chi đạo dã, vạn vật chi cương kỷ, biến hoá chi phụ mẫu, sinh sát chi bản thuỷ, thần minh chi phủ dã. Trị bệnh tất cầu vu bản” (âm dương là đạo của trời đất, là khuôn phép của vạn vật, là cha mẹ của sự biến hoá, là gốc rễ của sự sống chết, là phủ của thần minh. Trị bệnh phải tìm về gốc).
Đông y cho rằng, bệnh tật là do mất cân bằng âm dương, trị bệnh chính là làm cho âm dương cân bằng trở lại. Điều này cho thấy vai trò của âm dương rất được chú trọng trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Đặc biệt là trong Y học cổ truyền. “Trị bệnh tất cầu vu bản” ở đây chính là phải tìm vào gốc rễ của bệnh, hay nói cách khác là khi chữa bệnh phải biện cho được vấn đề âm dương.
Xuất phát từ quan điểm đó, trên cơ sở kế thừa và phát triển những tinh hoa của nền y học cổ truyền, Bác sĩ Hoàng Văn Sỹ với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó tâm huyết của mình, đã đi sâu nghiên cứu Học thuyết Thuỷ hoả của Hải Thượng Lãn ông. Thuyết Thuỷ hoả ở đây chính là sự vận dụng một cách cụ thể của Học thuyết Âm dương mà tác giả đã khái quát thành hệ thống làm cơ sở lý luận cho việc biện luận và điều trị. Điều này được thể hiện trong cuốn “Cẩm nang về lý luận và chẩn trị y học cổ truyền phương Đông”.
Nội dung cuốn sách đã có sự kết hợp với kiến thức của y học hiện đại để diễn giải vấn đề một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp. Trong sách, tác giả đã tổng kết và giới thiệu những kinh nghiệm tâm đắc của mình trong quá trình thực tiễn nhiều năm chữa bệnh bằng y học cổ truyền, trong đó có phương pháp chữa bệnh dân gian độc đáo là chích nhể. Đây là một đóng góp rất đáng trân trọng của tác giả để chúng ta có thể thừa kế và làm phong phú cho nền y học cổ truyền nước nhà.