Trong số những tác phẩm đánh dấu bước chuyển của văn học xô-viết trong những năm năm mươi, “Chuyện thường ngày ở huyện” của Ô-vét-skin là một thành công lớn của văn học xô-viết sau chiến tranh.
Ô-vét-skin nổi tiếng là nhà văn luôn luôn nêu ra được những vấn đề mới, cấp thiết, làm cho toàn thể xã hội xúc động. “Chuyện thường ngày ở huyện” cho thấy khả năng của nhà văn biết nhận ra cái mới trong đời sống một cách nhạy bén. Mặc dù tác giả đi sâu vào tình hình một huyện, nhưng hệ vấn đề được nêu ra ở đây vượt ra xa ngoài phạm vi một huyện. Nó bao gồm hàng loạt vấn đề có quy mô toàn quốc, có tính nguyên tắc: nhân tố khuyến khích lợi ích vật chất và ảnh hưởng của nó đối với năng suất lao động, vấn đề kế hoạch hóa trong nông nghiệp, mối quan hệ đúng đắn giữa trạm máy kéo và nông trang, vấn đề xóa bỏ sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị, vấn đề sinh hoạt văn hóa ở nông thôn, sự chọn nghề của thanh niên nông thôn, v. v.. Nếu liệt kê cho hết thì có lẽ ta sẽ được bản mục lục của một tác phẩm “xã hội học nông thôn”.
Năm chương của “Chuyện thường ngày ở huyện” được nâng cao từ sáu truyện độc lập, viết từ 1953 đến 1956, đã tạo thành một tác phẩm đa diện nhưng thống nhất.
Các biến cố, sự kiện được miêu tả một cách hấp dẫn, có cảm xúc nghệ thuật đậm đà, với yếu tố chính luận rất rõ nét. Điều đó thể hiện ở toàn bộ kết cấu của tác phẩm, ở những chỗ tác giả trực tiếp phát biểu tư tưởng của mình, ở hoạt động căng thẳng của suy nghĩ kiếm tìm, phát hiện.
“Chuyện thường ngày ở huyện” quả thực không có những thủ pháp bên ngoài. Giọng điệu của nó rất bình dị, nhưng người đọc vẫn bị lôi cuốn và luôn luôn thích thú vì những khám phá bất ngờ: cuộc sống được miêu tả ở đây thực quá, vấn đề nêu lên đúng quá, sao mà tinh đến thế!
Tài biểu hiện tính cách và nghệ thuật đối thoại của Ô-vét-skin đạt đến mức cao nhất trong tác phẩm này. Có thể nói, tính cách của các nhân vật bộc lộ chủ yếu trong các cuộc va chạm, tranh cãi giữa họ, vì thế, hình tượng được tác giả xây dựng rất sống động, sắc sảo, mang tính cách xã hội điển hình.