Sách chuyên khảo của tác giả Nguyễn Đức Tồn trình bày, lý giải đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy khi tiếp cận ngôn ngữ từ góc nhìn của các nền văn hóa khác nhau. Đây là bản chất của vấn đề xảy ra khi những người bản ngữ khác nhau giao tiếp, dù muốn hay không, đều phải có được một kênh hiểu biết chung giữa người phát và người nhận. Có thể hiểu kênh hiểu biết chung này chính là tri thức nền của văn hóa nguồn và văn hóa tiếng mẹ đẻ. Đề cập đến vấn đề có tính bao quát và phức tạp như vậy, song tác giả cuốn sách chỉ giới hạn nghiên cứu đối chiếu đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy chủ yếu ở người Việt và người Nga, qua đó liên hệ đối chiếu ngôn ngữ và tư duy trong chừng mực nhất định ở một vài dân tộc khác.
Liên quan đến vấn đề ngôn ngữ và hoạt động ngôn ngữ, Ferdinand de Saussure đã đưa ra quan điểm mà theo chúng tôi là rất cơ bản. Đó là “Ngôn ngữ – và đây là điều nhận định quan trọng hơn cả – bao giờ cũng là chuyện chung của mọi người; được phổ biến trong một khối quần chúng và được khối quần chúng đó vận dụng, nó là một vật mà tất cả các cá nhân đều dùng suốt ngày” và “phải có một khối người nói thì mới có ngôn ngữ được”. Rõ ràng, một khối người nói, hay nói khác đi, mỗi cộng đồng người bản ngữ khi giao tiếp đều có một kênh hiểu biết chung có tính truyền thống được hình thành từ xa xưa trong lịch sử của cộng đồng đó. Kênh hiểu biết chung này được ngầm hiểu là tất cả những gì được quy định bởi khế ước của cộng đồng, trong đó có phong tục, tập quán và những ứng xử (Ways of life) ở người bản ngữ. Bởi vậy, “phong tục của một dân tộc có tác động đến ngôn ngữ, và mặt khác, trong một chừng mực khá quan trọng, chính ngôn ngữ làm nên dân tộc”;
Thừa hưởng thành quả và vận dụng những thành quả ấy của những người đi trước, trong đó có ý tưởng sâu sắc của Ferdinand de Saussure và các nhà ngôn ngữ học khác, tác giả sách chuyên khảo đã đề ra và giải quyết một cách thỏa đáng trong 5 chương những nhiệm vụ sau đây: 1/ Đặc điểm của sự tri giác và phạm trù hóa “bức tranh ngôn ngữ về thế giới”ở người Việt và người Nga; 2/ Đặc điểm quá trình định danh ghi lại kết quả của sự tri giác và phạm trù hóa “bức tranh ngôn ngữ về thế giới”; 3/ Cấu trúc ngữ nghĩa của một số trường và nhóm từ vựng ngữ nghĩa; 4/ Đặc điểm quá trình chuyển nghĩa; 5/ Đặc điểm sử dụng biểu trưng các đối tượng; 6/ Chiến lược liên tưởng-so sánh ở người Việt, người Nga và một vài dân tộc khác; 7/ Đặc điểm chung của tư duy ngôn ngữ ở người Việt (trong sự so sánh với người Nga).