Đêvit Copơphin là một tiểu thuyết với một tình thương trìu mến. Ở đây, lần đầu tiên nhà văn tự xưng “tôi” với bạn đọc. Ở đây chỉ có kỷ niệm và những bóng hình của quá khứ. Nhưng điều quan trọng nhất là phải tìm một hình thức kể sao cho ăn khớp, sao cho người đọc tin yêu, và chính ở đây Đickenx đã đạt đến tột đỉnh của thiên tài của mình.
Hơn một trăm năm nay các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu tại sao mười bốn chương đầu của quyển truyện lại có thể tươi mát, trẻ trung đến thế? Tác giả đã vận dụng nghệ thuật gì để khiến cho toàn bộ tác phẩm mãi đến ngày nay cứ lôi cuốn chúng ta, bắt chúng ta cứ hồi hộp chờ đợi rồi được hài lòng, nhưng lại khao khát mặc dù chúng ta đã đọc nó hàng chục lần chứ không phải như những độc giả đương thời phải sắp hàng từng dãy để đón mua từng số? Phải chăng đó là nhờ chỗ tác giả biết kéo chúng ta vào những hồi tưởng của mình bằng cách trình bày cái lôgích câu chuyện theo cái lôgích của sự hồi tưởng.
Đickenx nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần những chữ “hiện nay tôi còn thấy”, “tôi hồi tưởng lại”, “ngay bây giờ tôi còn nhớ”, những chữ ấy lặp đi lặp lại suốt quyển truyện làm cho chúng ta tưởng chừng như gặp lại quá khứ của mình. Ta gặp chị Pécgôti lần đầu với hộp đồ may trên vẽ nhà thờ Xanh Pôn, và lập tức chị là bạn quen biết của ta. Gặp lần thứ hai, hộp đồ may thành vật kỷ niệm, và mỗi lần nhớ đến chị, gặp chị, tự nhiên ta lại nhớ đến hộp đồ may. Và cứ như vậy, kỷ niệm của Đêvit biến thành kỷ niệm của ta, dường như chính ta nhắc Đêvit yêu cầu anh ta cho ta biết: “Thế nào, hộp đồ may ra sao?”. Và cứ như thế cái bàn tay lạnh buốt, thân hình uốn éo của Uria, cái tính ghét lừa của Cô Bétxi, cái vẻ cứng rắn của Cô Mơcxtôn. Những lời nói cũng vậy, trở thành kỷ niệm: hình như Báckít chỉ sống để nói “Báckít muốn”, ông Uýchơphin sống để nói “động cơ”, và Uria xuất hiện là để nói “tôi rất hèn kém”. Một điều đáng chú ý trong khi vận dụng rất thành thạo nghệ thuật khắc họa của mình, ở đây Đickenx vẫn sử dụng nó rất vừa phải, tất cả những nét khắc họa cũng như mọi hình ảnh quá khứ đều dịu đi do chỗ xen lẫn với những cảm nghĩ của nhân vật chính. Chỉ thỉnh thoảng ông mới dùng đến lối khắc họa đậm nét như một bức phù điêu, cảnh ông Micôbơ vạch trần những mưu mô dối trá của Uria Híp (chương LII) chẳng hạn sánh ngang với hài kịch Sêcxpia, và cái cảnh đắm tàu ở chương LV đã được xem là không kém Homerơ trong Iliat. Nhưng đó là ngoại lệ, còn thường thường sự vật khách quan bao lần cũng xen lẫn với cảm nghĩ chủ quan như sự hồi tưởng yêu cầu.
Lại còn những cảnh lặp đi lặp lại của những người khác nhau. Phải chăng cần nhắc đến con số? Có bốn cảnh chết miêu tả tỉ mỉ, có hai mươi sáu cảnh khóc trong đó người khóc là người lớn, và nhất là bốn chương dành cho việc hồi tưởng quá khứ xuất hiện hài hòa sau những chặng đường quan trọng của cuộc đời Đêvi.
Phương pháp này có thể nói là vô cùng phù hợp với sự diễn biến nội tâm. Nếu như cái dòng nội tâm của chúng ta là một bản nhạc với những chủ đề đi về, với những giai điệu, những hòa âm lặp đi lặp lại, thì ở đây cũng vậy, Đickenx đưa chúng ta vào cái thế giới giao hưởng của nội cảm. Một hình ảnh hiện lên trong quá khứ, hình ảnh Xtiếcphoóc chết “gối đầu lên cánh tay” chẳng hạn. Lập tức hình ảnh ấy lại nhắc đến một hình ảnh khác cũng ở quá khứ, nhưng ở một quá khứ xa hơn: hình ảnh Xtiếcphoóc ngủ ở trường học, khi còn bé “gối đầu lên cánh tay”. Rồi cái chết ấy, hình ảnh ấy lại quyện vào hiện tại: tác giả nhắc đến bạn trong khi cầm bút. Và lát sau dòng tư tưởng lại quay về quá khứ, chúng ta thấy Đêvit ngồi trên chiếc xe đưa thi hài bạn về nhà bà Xtiếcphoóc. Và cứ như vậy, quá khứ, hiện tại, hiện thực, tâm tư xô đẩy nhau, quyện vào nhau để rồi cùng biến mất nhường chỗ cho một đợt sóng mới. Phải chăng chính vì thế mà tâm tư Đêvit, kỷ niệm Đêvit, biến thành tâm tư, kỷ niệm của ta, và cái giao hưởng vang lên trong tác phẩm nghe như bản giao hưởng của cuộc đời thơ ấu và thanh xuân của chính chúng ta?
Nghệ thuật của Đickenx là nghệ thuật của sự tính toán công phu. Không muốn làm bạn đọc bực mình, chúng tôi không trình bày con số các bức thư ông Micôbơ, con số các lần bà Micôbơ nhắc đến ông cụ thân sinh v.v…[3] Đickenx chu đáo vô cùng ở trong ngôn ngữ của mình. Hân hạnh là người dịch Đêvit Copơphin chúng tôi thấy được rằng mỗi nhân vật đều có một tiếng địa phương riêng, có những chữ riêng, cách tự sự của Đêvit dựng trên một số chìa khóa như little “nhỏ” old “cũ”v.v…, và rất nhiều điều tính toán công phu khác.
Đickenx chú ý tới số phận của từng nhân vật, có thể nói của ngay cả số phận một con chó, không bao giờ ông bỏ sót một cái gì. Quả thực ông là “một ông cha trìu mến đối với những đứa con của óc tưởng tượng của mình” như ông nói trong lời Tựa. Như những bức thư của ông gửi cho người bạn thân nhất là Foocxtơ cho ta biết ông đã để hết tâm lực vào tác phẩm, viết xong chương về Ham và Xtiếcphoóc “tôi hoàn toàn kiệt sức, và nó đã làm tôi tê liệt hoàn toàn”. Nghiên cứu chi ly từng câu, từng chữ, thấy tất cả cái công phu bố trí sắp xếp ấy, người ta sẽ ngơ ngác không thể hiểu được khi xét đến cách làm việc của Đickenx. Đickenx không phải là một nghệ sĩ như Tônxtôi trau chuốt tác phẩm của mình cho xong toàn bộ, dù phải viết lại đến lần thứ năm mươi. Tác phẩm ông viết từng đợt theo từng số một, viết một hơi xong một số, không xóa bỏ một chữ (không kể những xóa bỏ vì phải rút lại cho vừa số trang) và toàn bộ tác phẩm là chỉ nằm trong đầu óc của ông chứ trên trang giấy thì Đickenx không có hơn độc giả lấy một trang! Chúng ta chỉ biết sự thực là thế. Còn tại sao nó lại có thể như thế được thì chỉ có thể nói đó là cái khả năng kỳ diệu của đầu óc con người.