Địa chí Thăng Long Hà Nội trong thu tịch Hán Nôm - Viện nghiên cứu Hán Nôm biên soạn ấn hành năm 2007, số lượng 700c
Sách dày 1172 trang, khổ 15x23cm (Nhà xuất bản Thế giới, 2007) do Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Văn Nguyên đồng chủ biên. Nội dung sách bắt đầu với nguyên bản chữ Hán, phần dịch nghĩa Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn và giới thiệu 14 tài liệu chính về Thăng Long – Hà Nội gồm: Hà Nội địa dư; Hà Nội địa bạ; Hà Nội sơn xuyên phong vực; Danh mục làng xã Hà Nội cuối thế kỷ XIX; Monographie de la province De Hanoi en 1901 (Địa chí tỉnh Hà Nội năm 1901); Hoàn Long huyện chí; Đông Ngạc xã chí; Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ; Các trấn tổng xã danh bị lãm; Bắc Thành địa dư chí; Hoàng Việt địa dư chí; Đại Nam nhất thống chí; Đại Việt địa dư toàn biên; Đồng Khánh dư địa chí. Ngoài ra phần Sách dẫn xếp theo thứ tự abc, rất thuận lợi cho việc tra tìm tên riêng đến từng trang sách liên quan, phần Phụ lục nguyên bản chữ Hán các sáchHà Nội địa dư, Hà Nội địa bạ, Đại Nam nhất thống chí (trích),Đồng Khánh địa dư chí (trích) giúp độc giả có thể đọc đối chiếu từ nguyên bản.
Khoảng một nghìn năm trước, vào mùa xuân năm Thuận Thiên thứ nhất (1010), tờ chiếu dời đô của vua Lý Thái tổ đã mở đầu cho công cuộc di chuyển từ kinh thành Hoa Lư ra xây dựng kinh đô mới tại Đại La. Trong gần 10 thế kỷ ấy, thành phố Rồng bay đã nhiều lần đổi tên. Đời Lý là Thăng Long; đời Trần là Đông Đô; thời thuộc Minh là Đại La, Đông Quan rồi Lai Tô thành; thời Lê là Đông Kinh; thời Nguyễn kinh đô chuyển vào Huế lại gọi là Thăng Long, sau đó gọi là Bắc Thành, Hà Nội tỉnh thành. Địa giới hành chính của Thăng Long thời Lý - Trần – Lê, thành Hà Nội thời Nguyễn cũng vì thế mà mà thay đổi không ngừng.
“Địa chí Thăng Long Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm”với nhiều tư liệu về đất đai, cuộc sống, con người, sản vật giúp bạn đọc hình dung được phần nào diện mạo đời sống của cảnh và người Hà Nội ngày xưa. Cả nước đang khẩn trương chuẩn bị kỷ niệm “1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, hiểu biết về lịch sử Thăng Long – Hà Nội không chỉ là nhu cầu của riêng người Hà Nội mà còn là của mỗi người dân Việt Nam. Cuốn sách thực sự là tài liệu thiết thực đối với việc nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội về nhiều phương diện. Hy vọng cuốn sách sẽ đem lại cho bạn đọc những thông tin bổ ích.