Giá sách ngày càng tăng cao, lần tái bản sau thì thường giá cao lên gấp rưỡi, cá biệt có cuốn tăng giá gấp 2-3 lần. Các bạn có tự hỏi do đâu mà có sự tăng giá lên như vậy? Hãy đọc bài viết sau để thấy “sự thật” về thị trường sách hiện nay và giá bìa sách đang “cõng” theo những chi phí gì.
Minh họa qua 3 phiên bản sách của tác giả Nguyễn Hiến Lê: Từ trái qua phải (in năm 2002, giá bìa 19 ngàn; in năm 2017, giá bìa 45 ngàn; in năm 2018 giá bìa 98 ngàn) trong khi nội dung không có nhiều thay đổi
Giới làm sách kỳ cựu ở Việt Nam vẫn nhớ cái thời làm sách “trước Berne” (trước khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả – năm 2004), khi ấy chi phí cấu thành một bản sách được tính đơn giản. Giá sách cao hay thấp chủ yếu phụ thuộc vào tiền giấy và tiền in ấn.
Tất nhiên, khi ấy đã có tình trạng chiết khấu (giảm giá khi bán sỉ) cho phát hành, thông thường 40-50%, và như vậy món đầu tiên giá bìa phải “cõng” là mức chiết khấu đã khiến giá sách cao hơn thực tế chi phí sản xuất.
Áp lực hàng tồn
Nay chi phí cấu thành một bản sách đã phức tạp hơn rất nhiều. Giám đốc phát hành một công ty sách ngồi nhẩm tính: các khoản đầu tư “hậu Berne” như: tiền tác quyền, tiền lương cho nhân viên giao dịch tác quyền, tiền rủi ro dự phòng về các vấn đề pháp lý khi đầu tư một bản sách… đều được quy thành giá bìa.
Trong một số nhà xuất bản và công ty sách, bộ phận phát hành bắt buộc phải trích dành một khoản lợi nhuận để hỗ trợ các đại lý phát hành – một loại quỹ cố định hằng năm. Khoản tiền ấy tất nhiên phải đến từ người mua hàng và đều được quy ra thành giá bìa.
Nhưng tác động lớn nhất đẩy giá sách lên cao là ở giá giấy in sách. Trong 4-5 năm trở lại đây, thị trường giấy trong và ngoài nước đều tăng. Các đại gia làm sách có một cách để giảm giá sách là bằng tiềm lực tài chính của mình trữ giấy, tức mua một lượng lớn giấy in sách ở thời điểm giá thấp hơn, sau đó in dần trong 1-2 năm.
Còn một yếu tố tác động vào giá sách, đó là áp lực hàng tồn. Theo ông Lê Quốc Hưng – chủ nhà sách Hà Nội – tình trạng sách tồn kho luôn là một áp lực trong hạch toán chi phí của người làm sách. Có những quyển in sau phải gánh thêm sứ mệnh làm sao thu lợi nhuận về để bù cho các quyển trước.
Khi một quyển sách cũ giảm đến 50-60% giá bìa, có hai khả năng: 1 – Đây là sách Fake giá bìa rất cao; 2 – Đây là sách thật, nhà sản xuất hạ giá cao để kích cầu và bù bằng việc tăng giá bìa của những cuốn sách khác. |
“Không ai muốn giá sách đắt”
Gần đây, Công ty sách Nhã Nam đã thay đổi quan điểm kinh doanh: chuyển từ làm sách giá bìa cao sang mức giá thấp hơn, mặc dù lâu nay sách Nhã Nam được người trong giới xem như một loại “hàng hiệu” mà giá cao là một thứ “đẳng cấp” đi kèm. “Đẳng cấp giá” kiểu ấy tất nhiên có lợi cho người làm sách, nhưng nếu chọn một phân khúc thị phần rộng hơn, với giá mềm hơn, thì lợi nhuận vẫn không đổi mà người đọc có lợi hơn.
Ông Dương Thanh Hoài – đại diện Nhã Nam tại TP.HCM – cho rằng chi phí sản xuất sách hiện nay rất nhiều, nhiêu khê và tốn kém. “Có những quyển sách đầu tư, in ấn xong, tiền chi ra rồi nhưng lúc phát hành gặp một sự cố gì đó, thế là nhà đầu tư bị mất tiền”. Trong hạch toán kinh doanh, các khoản chi được tính đắp đổi cho nhau, và như vậy những rủi ro trong đầu tư làm sách lắm khi cũng trở thành một lý do khiến giá sách cao.
Lâu nay thị trường sách Việt Nam chứng kiến dòng sách minh họa in màu của Công ty Đông A. Đây là lĩnh vực sách tốn nhiều chi phí khi đầu tư sản xuất. Và như tâm sự của ông Trần Đại Thắng – giám đốc Đông A – bản thân ông phải vận dụng những kinh nghiệm của nghề in để tiết kiệm giấy, và sử dụng lợi thế về mối quan hệ với nhà in để có mức chi phí in ấn thấp hơn các nơi khác, để giá bìa dòng sách hình ảnh của đơn vị này không quá đắt.
Dù vậy, ông Thắng vẫn cho rằng giá sách Việt Nam không cao hơn các nước, nhưng lại quá cao so với thu nhập của các gia đình Việt Nam. “Đặc biệt với những gia đình ở nông thôn thì không thể bỏ vài trăm ngàn đồng trong số chi tiêu hàng tháng của gia đình để mua một vài quyển sách”.
Cả ông Hoài và ông Thắng đều gặp nhau ở một điểm rằng: không ai muốn làm giá sách cao. Lý do là người làm sách đều muốn có nhiều người mua, giá càng cao càng ít cơ hội bán ra.
Và từ phía người đọc, giá sách cao tác động đến những thói quen mua và đọc. Lành – sinh viên khoa tiếng Anh Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM – cho biết cô thường xuyên vào nhà sách NVC đọc “cọp”, vì “thú thật là có nhiều sách rất hay, rất muốn đọc nhưng không đủ tiền để mua”.
Đến với các nhà sách lớn, sách đắt đỏ, “coi cọp tại chỗ” có lẽ hợp lý hơn là mua sách về
Giá sách cao dẫn đến một điều tất yếu là đối với trẻ nhỏ khi được cha mẹ dẫn đi các hiệu sách lớn thì việc “coi cọp” tại chỗ sẽ xem được nhiều sách truyện hơn, không khuyến khích việc mua về, khi ra về bố mẹ thường mua đồ dùng học tập là chính, không mua sách.
Trong bối cảnh mạng internet rộng mở, văn hóa đọc có nguy cơ suy giảm nhiều khi giá sách ngày càng cao sẽ gián tiếp tác động tới nhu cầu và thói quen đọc sách giấy của đông đảo bạn đọc, làm giảm khả năng kết nối giữa người yêu sách với nhà sản xuất. Đối với các bạn trẻ thanh niên thì việc đọc sách qua mạng internet, ebook có lẽ sẽ phổ biến hơn vì không tốn kém nhiều như mua sách giấy.
Sau đây là một số ý kiến của các độc giả để kết lại bài viết:
Tùy vào thói quen đọc Ở Hà Nội, người mua sách luôn mua được giá rẻ hơn giá bìa khoảng 20%. Với người có thu nhập như tôi, mỗi tháng chi khoảng 500.000 đồng mua sách là bình thường. Trong khi đó, có những sinh viên thường chuộng mua sách diễm tình Trung Quốc để đọc. Đây là loại sách giá bìa thường cao trong khi giá trị thường thấp. Cho nên việc người ta có tiếc tiền khi mua sách hay không còn tùy thuộc ở thói quen đọc sách. K.D. (NXB Kim Đồng) Sinh viên rất đắn đo “Với mức thu nhập hiện nay của mình, việc mua các sách giá bìa từ 100.000-150.000 đồng thì không có gì phải đắn đo. Nhưng với các cháu tôi đang là sinh viên, bọn chúng cực kỳ đắn đo khi phải mua sách, thường muốn mượn hơn là mua”. Dịch giả Quế Sơn Nhà tôi toàn mua sách cũ Từ mấy năm nay, nhà tôi toàn mua sách cũ để đọc vì lý do sách cũ rẻ hơn sách mới. Sách đọc được bây giờ cũng trên dưới 100.000 đồng/quyển, ít có quyển nào dưới 50.000 đồng. Trong khi hai đứa con nhà tôi và cả ba nó đều thuộc loại nghiện đọc sách, hằng tuần đều đi mua sách về đọc. Nên giải pháp tìm mua sách cũ là phù hợp với các khoản chi tiêu trong gia đình. Chị Hồng Hoa (Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ) |