Giấy trắng lấy bối cảnh một nhà máy in thuộc loại hiện đại ở thành phố. Ngay sau khi những người chủ cũ của nhà máy bàn giao cơ ngơi cho Nhà nước thì nhà máy ở tình trạng hết sạch nguyên liệu. Bó tay ngồi chờ, cam chịu nhìn cảnh công nhân đói việc và đói ăn, nhà máy trong không khí tan rã; hay năng động gỡ thế bế tắc?
Giám đốc Thịnh đã tuyên bố với mọi người: “Bó tay ngồi chờ, giữ được cái ghế giám đốc, nhưng anh sẽ trở thành tồi tệ nhất. Biết mà không làm, đó là đồ ăn hại, là giá áo túi cơm”. “Làm thì bị ngăn cản. Vấn đề là phải can đảm, phải xóa bỏ được vật cản đó”.
Hơn 500 trang sách của Triệu Xuân viết về câu chuyện giám đốc Thịnh và những người ủng hộ anh đã tìm kiếm nguyên liệu để tạo dựng và phát triển nhà máy của mình trước mọi “vật cản” và mọi thứ tiêu cực đang diễn ra trong đời sống hằng ngày.
Giấy trắng được phát hành vào tháng 5 năm 1985, ngay sau đó được tái bản thêm 20 ngàn cuốn, chứng tỏ bạn đọc đã đón nhận nó như thế nào. Độc giả hoan nghênh Giấy trắng, chính bởi bắt nguồn từ những vấn đề trung tâm gay gắt nhất của cuộc sống, tác phẩm miêu tả, bàn luận và phán xét một cách trung thực, đích đáng, không né tránh, không khoan nhượng... từ tâm hồn rất trẻ trung, đầy nhựa sống và niềm tin của tác giả. Trong Giấy trắng có tình yêu, có âm mưu, có máu đổ... Ngòi bút của Triệu Xuân không bị ngợp trong không gian và thời gian rộng lớn mà anh đã tạo ra trong tác phẩm. Vì thế, có thể nói cùng với một tác phẩm trước đó viết về đề tài công nghiệp là “Đứng trước biển” của Nguyễn Mạnh Tuấn, Giấy trắng của Triệu Xuân đã góp phần phản ánh một cách trung thực cuộc đấu tranh diễn ra ở một thành phố lớn của nước ta là thành phố Hồ Chí Minh trên con đường xóa bỏ cung cách làm ăn cũ kỹ, lỗi thời để xây dựng một cơ chế quản lý mới, xuất phát từ nội dung bức xúc của cuộc sống chứ không phải từ những giáo điều thủ cựu và xơ cứng.