Hành trình biến rác thành tiền, gây quỹ phát triển văn hóa đọc

“Dũng sĩ tái chế” được thành lập từ tháng 11/2018 với mục tiêu thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho dự án “Điểm đọc Việt Nam” (phát động từ Hà Nội, mong muốn kết nối các điểm đọc sách trên cả nước).

Thời gian đầu, nhóm chỉ triển khai các hoạt động trồng cây xanh, thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường và đào tạo đại sứ môi trường, lan tỏa lối sống xanh đến với mọi người.

Phải đến tháng 3/2020, “Dũng sĩ tái chế” mới bắt tay vào những hoạt động tái chế rác thải, định hướng cho mình một con đường riêng.

Từ nỗi niềm trăn trở “rác thải sẽ về đâu?”

Nhận thấy nhiều đơn vị tổ chức các chương trình thu gom rác nhưng điều khiến các bạn trẻ băn khoăn nhất là sau đó, rác thải sẽ về đâu, hay rồi lại quay trở về vẫn là rác thải?

“Với hoạt động tái chế cũng vậy, chúng em không muốn tạo nên những sản phẩm đơn thuần với mục đích trang trí hay sử dụng một lần. Điều quan trọng là những sản phẩm từ rác phải thật sự hữu ích, được dùng trong đời sống hàng ngày và không trở lại thành rác”, bạn Cao Thị Sao Mai – trưởng nhóm chia sẻ.

Quần áo cũ là nguyên liệu cho những sản phẩm tái chế của nhóm bạn trẻ. Ảnh: PM

Với định hướng đó, Sao Mai tổ chức một cuộc thi về ý tưởng tái chế. Kết quả, Mai nhận được rất nhiều ý tưởng sáng tạo hay, độc đáo, quan trọng là đúng với mục tiêu: sản phẩm có tính ứng dụng cao.

Vậy là hoạt động biến rác thành đồ dùng bắt đầu được Dũng sĩ tái chế triển khai.

Thời gian đầu, nhóm đẩy mạnh truyền thông để bắt đầu hành trình thu gom rác – cũng chính là vật liệu chuẩn bị cho hành trình “sáng tạo xanh”.

Thời điểm tháng 3, tháng 4 năm 2020, do sự ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nhu cầu sử dụng mì tôm, nước đóng chai tăng cao, rác thải cũng vì thế nhiều hơn.

Những đại sứ môi trường bắt đầu tiếp nhận các loại rác thải này, khéo léo làm thành những chiếc đĩa hay túi xách đi chợ.

Quần áo cũ được các bạn trẻ “hô biến” thành những chiếc túi thời trang và những chiếc vỏ gối xinh xắn.

Sao Mai chia sẻ: “Trong nhóm có một số bạn học ngành thiết kế thời trang và công nghệ may nên cả nhóm được học hỏi và hỗ trợ rất nhiều. Khó khăn nhất chính là việc tái chế vỏ mì tôm vì nó đòi hỏi nhiều nhiều thời gian và trải qua nhiều công đoạn thực hiện”.

Những sản phẩm của Dũng sĩ tái chế không chỉ hữu ích, thiết thực mà còn đảm bảo tính thẩm mỹ, thời trang. Các sản phẩm được mọi người đón nhận và đánh giá cao.

Hoạt động thu gom và tái chế rác thải mang đến cho các bạn trẻ nhiều niềm vui và bài học quý về công việc của những đại sứ môi trường.

Túi xách thời trang, đĩa từ vỏ mì tôm và đồ trang trí là những sản phẩm độc đáo của nhóm “Dũng sĩ tái chế”. Ảnh: Nhóm “Dũng sĩ tái chế” cung cấp

Theo Sao Mai, hoạt động của nhóm giúp thay đổi nhận thức của mọi người về môi trường xung quanh, nhiều người còn xung phong chụp ảnh, truyền thông cho nhóm trên trang cá nhân của mình.

“Nhưng cũng thông qua những hoạt động này, em nhận ra có một số người vẫn chưa tự ý thức được tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải.

Một số người mặc nhiên vô tư sử dụng và xả rác vì nghĩ đã có bên tái chế lo rồi. Nhiều người không có ý thức làm sạch chai lọ, vỏ mì tôm nên công việc của chúng em thêm phần vất vả.

Điều làm chúng em buồn hơn là nhiều người hiểu nhầm mục đích tái chế của nhóm. Chúng em tạo ra những sản phẩm tái chế là muốn truyền tải thông điệp hạn chế rác thải. Nhưng có người đã hiểu nhầm, họ chia sẻ rằng họ cố gắng ăn mì tôm để gom thật nhiều vỏ, bao bì” – Mai tâm sự về những câu chuyện buồn trong hành trình tái chế.

Sau đó, các bạn trẻ phải truyền thông nhiều hơn về thông điệp, mục đích của dự án.

“Nặng lòng” với văn hóa đọc

Ngoài nhiệm vụ của những đại sứ môi trường, “Dũng sĩ tái chế” còn tiếp nối và phát huy sứ mệnh của “Điểm đọc Việt Nam”, cùng góp sức cho dự án mở các thư viện miễn phí.

Với các hoạt động gây quỹ, sáng tạo sản phẩm từ rác thải, từ năm 2020, Dũng sĩ tái chế đã đóng góp cho quỹ Điểm đọc Việt Nam 10 triệu đồng, mở thêm các thư viện trên cả nước.

Bàn về văn hóa đọc của các bạn trẻ hiện nay, nhà sáng lập Điểm đọc Việt Nam và Dũng sĩ tái chế, Cao Thị Sao Mai khẳng định: “Giới trẻ hiện nay rất năng động và sáng tạo. Tuy nhiên, vì xã hội hiện đại có quá nhiều những thú vui khác nên văn hóa đọc vẫn còn mờ nhạt.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ có những quan niệm, thói quen riêng rất khó thay đổi. Chính vì vậy, phải có một tư duy mới, những hoạt động thiết thực thì mới tạo được sự hứng thú, niềm đam mê sách đối với các bạn”.

Đó cũng chính là lý do mà “Dũng sĩ tái chế” cùng các thành viên của Điểm đọc Việt Nam phát triển thêm các dự án điểm đọc radio, điểm đọc tự học và đào tạo đại sứ đọc,…

Đến nay, Điểm đọc Việt Nam cùng các nhóm thành viên đã xây dựng 40 thư viện miễn phí trên cả nước. Thế nhưng, để lan tỏa và phát triển văn hóa đọc thì phải cần nhiều hoạt động hỗ trợ khác.

Điểm đọc radio theo hình thức phát thanh là một sáng tạo mới mẻ. Vì độc giả vừa có thể làm việc vừa có thể nghe đọc sách.

Điểm đọc tự học mở ra những lớp học miễn phí cho tất cả mọi người, dạy tiếng Anh, tin học và các kỹ năng khác.

Chương trình đào tạo đại sứ đọc ra đời với mục tiêu giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa đọc, hỗ trợ những ý tưởng, sáng kiến về cách làm văn hóa đọc đảm bảo sao cho bền vững và hiệu quả.

Những đại sứ đọc sau khi được đào tạo sẽ đến với các điểm đọc khác, tiếp tục phát triển văn hóa đọc theo cách của riêng mình.

Từ tháng 3/2020, “Dũng sĩ tái chế” triển khai hoạt động tái chế và gây quỹ cùng Điểm đọc Việt Nam xây dựng thư viễn miễn phí. Ảnh: PM

Tại Hà Nội, Điểm đọc Việt Nam đã mở được 5 thư viện miễn phí.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, quản lý cơ sở mầm non Hoa Hướng Dương (Phú Thượng, Tây Hồ) chia sẻ: “Điểm đọc Sun Flower tại trường mầm non Hoa Hướng Dương được các bạn Điểm đọc Việt Nam xây dựng từ ngày 11/7/2020 với khoảng 5000 đầu sách.

Xây dựng thư viện miễn phí này chúng tôi chào tất cả các học sinh tiểu học, trung học và các bậc phụ huynh. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy văn hóa đọc cho các em từ khi còn nhỏ”.

Đào tạo, duy trì và phát triển hoạt động tái chế

Với mục đích ý nghĩa tốt đẹp ấy, nhóm nhận được nhiều sự ủng hộ khích lệ, có nhiều đơn đặt hàng. Các thành viên đều rất nỗ lực bởi bán được nhiều sản phẩm nghĩa là sẽ có thêm nguồn lực mở các điểm đọc miễn phí.

Các thành viên của “Dũng sĩ tái chế” sẵn sàng chia sẻ bí quyết sáng tạo với tất cả mọi người, mong muốn hoạt động ý nghĩa về môi trường, về văn hóa đọc sẽ được lan tỏa và nhân rộng hơn nữa.

“Kế hoạch của nhóm là sẽ phát triển việc việc đào tạo, truyền lại kỹ thuật tái chế này cho bất cứ ai, bất cứ cơ sở nào mong muốn và có nhu cầu được học”, Sao Mai chia sẻ.

Định hướng và kế hoạch sắp tới của “Dũng sĩ tái chế” là tiếp tục liên hệ và kết nối nhiều câu lạc bộ trường đại học để mở rộng hoạt động ý nghĩa này.

Sao Mai chia sẻ: “Tại các trường đại học, thành viên câu lạc bộ thay đổi liên tục. Nếu các bạn tham gia với tinh thần, ý thức, trách nhiệm và tình yêu với môi trường thì các bạn sẽ làm rất thành công.

Nhưng nếu như chỉ làm theo phong trào, làm cho vui sẽ khó duy trì những hoạt động tái chế.

Bên cạnh đó, chúng em mong muốn liên kết với các Trung tâm bảo trợ xã hội, người khuyết tật, tiến hành đào tạo cho những người có hoàn cảnh đặc biệt để giúp họ có một công việc kiếm thêm thu nhập, có cuộc sống tốt hơn”.

Song song với các dự án môi trường, “Dũng sĩ tái chế” tiếp tục thực hiện các hoạt động khuyến đọc.

Cùng với Điểm đọc Việt Nam, sắp tới các bạn sẽ mở thêm một không gian thư viện miễn phí tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Với sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết và tình yêu sách, “Dũng sĩ tái chế” – những đại sứ môi trường vẫn luôn ấp ủ ước mơ làm nên một cuộc cách mạng văn hóa đọc trong tương lai.

Phạm Minh
Nguồn: báo Giáo dục Điện tử 05/8/2020