Kênh “Cùng bạn đọc sách” – Hướng dẫn, hỗ trợ con trẻ đọc sách hiệu quả trong gia đình

Không thể phủ nhận vai trò của việc đọc sách và tự học đối với quá trình hình thành và phát triển con người toàn diện. Tuy nhiên, không phải mọi gia đình đều dành sự quan tâm đúng mức cho việc đọc của con trẻ hoặc có phương pháp hiệu quả để hướng dẫn, hỗ trợ con trẻ đọc sách trong gia đình. Từ thực tế đó, qua quá trình công tác nghiên cứu, phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời, Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà đã đúc rút 7 nội dung mà các gia đình cần quan tâm nhằm hình thành, phát triển thói quen, nhu cầu và kỹ năng đọc cho trẻ tại nhà.

Hướng dẫn, hỗ trợ con trẻ đọc sách hiệu quả trong gia đình - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/Nguồn: vov.vn

Thứ nhất, mỗi gia đình cần tạo không gian cho trẻ đọc sách: Tùy theo điều kiện, các gia đình có thể bố trí hình thành thư viện, tủ sách hoặc đơn giản là một góc đọc cho con và bài trí thân thiện, thuận tiện cho trẻ sử dụng và đọc sách báo.

Thứ hai, lựa chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi và sở thích của con trẻ: Không nên vì ý muốn chủ quan của mình mà bắt trẻ đọc những cuốn sách vượt quá khả năng cảm thụ của con trẻ. Lựa sách cho con cũng giống như lựa thầy và lựa bạn. Những người thầy, người bạn này chỉ phát huy được tác dụng khi được trẻ đón nhận một cách hào hứng.

Thứ ba, bố trí thời gian đọc cho con mỗi ngày: Hàng ngày, cần tạo điều kiện cho con có thời gian khoảng 1-2 giờ để đọc sách in truyền thống hoặc sách báo điện tử, không nên bắt trẻ phải đi học thêm quá nhiều hoặc phải phụ giúp gia đình hết thời gian ngoài giờ ở trường.

Thứ tư, hướng dẫn và hỗ trợ trẻ đọc sách: Sự hướng dẫn và truyền cảm hứng về phương pháp đọc và tự học qua sách báo từ cha mẹ luôn có một ý nghĩa quan trọng. Không có một công thức chung cho việc này, cần lựa chọn phương pháp phù hợp lứa tuổi, khí chất của trẻ như cùng đọc sách và kể chuyện sách cho trẻ mỗi ngày, đưa trẻ đến thư viện…

Thứ năm, ông bà, cha mẹ làm gương đọc sách cho trẻ: Nếu ông bà, cha mẹ ham đọc sách và đọc có phương pháp, hàng ngày dành thời gian hướng dẫn trẻ đọc thì những lời dạy bảo mới thực sự có giá trị, hiệu quả, đồng thời dần hình thành thói quen và kỹ năng đọc hiệu quả cho trẻ.

Thứ sáu, khuyến khích trẻ tham gia đọc tại thư viện: Sớm đưa trẻ đến các thư viện, khuyến khích trẻ đọc, mượn và tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức như: các buổi giới thiệu sách, hướng dẫn kỹ năng đọc và khai thác thông tin, các hoạt động thiếu nhi tuyên truyền sách, tham gia các cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Gia đình đọc sách…

Thứ bảy, khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động khuyến đọc vì cộng đồng: Tạo điều kiện cho con trẻ tham gia hoạt động khuyến đọc tại cộng đồng như đóng góp sách, làm tình nguyện viên của thư viện, truyền cảm hứng và chia sẻ phương pháp, kỹ năng đọc…

Mỗi gia đình cần quan tâm hình thành thói quen và niềm yêu thích đọc cho con trẻ ngay từ thuở ấu thơ. Văn hóa đọc trong gia đình sẽ là thành tố quan trọng góp phần hình thành văn hóa đọc của một cộng đồng và văn hóa đọc của một dân tộc. Hình thành thói quen, kỹ năng, hứng thú đọc và tự học cho trẻ là một trong những yếu tố quan trọng, nền tảng để phát triển văn hóa đọc một cách bền vững. Vì vậy, mỗi gia đình cần dành nhiều sự quan tâm và hướng dẫn, hỗ trợ cho con trẻ đọc và phát triển kỹ năng đọc tại nhà. Đó là một trong những yếu tố giúp con trẻ có thể tự tin, tự cường trong cuộc sống và hình thành người có khả năng tự học suốt đời trong tương lai.

>>>Để biết thêm chi tiết, mời các bạn theo dõi trên kênh “Cùng bạn đọc sách”.