KIM BÌNH MAI
Cuốn tiểu thuyết "thế tình" đặc sắc
Kim Bình Mai là một trong "Tứ đại kì thư" của nền văn học cổ điển Trung Quốc, bên cạnh Tam quốc diễn nghĩa, Tây du kí, Thủy hử. Ra đời vào thời Gia Tĩnh (1522 - 1566) triều Minh, tác phẩm được coi là bộ trường thiên tiểu thuyết mở đường cho thể loại truyện "thế tình" tạo được sức hấp dẫn lớn đối với người đọc.
Dựa theo và phát triển từ một số tình tiết trong tác phẩm Thủy Hử của Thi Nại Am (chuyện Võ Tòng giết hổ trên đồi Cảnh Dương, Tây Môn Khánh thông dâm với vợ của Võ Đại Lang là Phan Kim Liên lập mưu giết chết Võ Đại Lang, Võ Tòng giết cả hai để báo thù cho anh), tác phẩm đi sâu khắc họa cuộc sống hưởng lạc đồi trụy của đám quan lại, thổ hào giàu tiền của, đầy quyền thế mà điển hình là Tây Môn Khánh, vẽ nên một cách khái quát và sinh động bức tranh xã hội đen tối thời đó. Tây Môn Khánh là một tên ác bá chuyên đục khoét của dân, một tên dâm quỷ hiện hình, đã có cả bầu đoàn thê thiếp vẫn cưỡng dâm con gái nhà lành, giết chồng đoạt vợ, cuối cùng kết thúc bằng cái chết vì bệnh dâm dục. Gắn với hắn là ba người phụ nữ: Phan Kim Liên, Lý Bình Nhi và Bàng Xuân Mai (tên của ba nhân vật này ghép lại thành tên tác phẩm Kim-Bình-Mai), nổi bật nhất là Phan Kim Liên được xây dựng như một điển hình cho loại phụ nữ hoang dâm, dám giết chồng để thỏa mãn nhục dục, sau đó lại xảo quyệt bưng mặt khóc và lập bàn thờ chồng để che mắt thế gian.
Xung quanh những kẻ dâm ô khét tiếng này là nhiều hạng người, từ du thử du thực như Trương Thắng, Lưu Nhị, lưu manh vô lại Ứng Bá Tước, cho đến những thái giám, kép hề, con hát, bà mối… tất cả đều giống nhau ở sự bỉ ổi, mất nhân cách. Những miêu tả cặn kẽ về thói ăn chơi sa đọa, dâm dục - vùng cấm kị của văn chương Nho giáo - mà tác phẩm từng bị cho là truyện khiêu dâm. Tuy nhiên, điều đó lại giúp tác giả phản ánh trung thực bản chất của xã hội phong kiến với tất cả tội ác, đọa đày. Do đó, dù bị cấm, cuốn tiểu thuyết vẫn được chép tay, khắc bản, in ấn, lưu truyền rộng rãi trong dân chúng, hấp dẫn cả các nhà Nho. Đó là lí do giải thích vì sao trong quá trình lưu hành tác phẩm đã sản sinh ra khá nhiều dị bản, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, được dựng thành phim… *** Về tác giả Tiếu Tiếu Sinh Theo bản Kim Bình Mai từ thoại khắc in thời Vạn Lịch nhà Minh, thì tác giả của bộ sách có bút danh là Tiếu Tiếu Sinh - nghĩa là "Chàng hay cười". Do không biết chính xác về tác giả, đến nay có nhiều giả thuyết về tên thật của Tiếu Tiếu Sinh, có người cho rằng đó là Vương Thế Trinh (1526 - 1590) đỗ Tiến sĩ dưới triều Gia Tĩnh; cũng có giả thuyết cho rằng đó là Giả Tam Cận (huyện Dịch, thời Minh), hay gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy Đồ Long (1542 - 1605) chính là tác giả của tiểu thuyết này.
*** Giai thoại về sức hấp dẫn của sách Kim Bình Mai Từ cuối thời Minh đã có người cho rằng Kim Bình Mai được Vương Thế Trinh viết ra là để trả thù cho cha vốn trước bị Nghiêm Tung ám hại. Do uy thế họ Nghiêm quá lớn nên Vương Thế Trinh không thể làm gì được. Sau dò biết rằng Nguyễn Ngọc Thanh Phương (con trai độc nhất của Nghiêm Tung) rất thích đọc truyện khiêu dâm và có thói quen hay lấy tay thấm nước miếng để giở sách, Vương Thế Trinh liền cố công viết nên truyện Kim Bình Mai thật hấp dẫn và đưa đến cho Nguyễn Ngọc Thanh Phương, mỗi góc trang sách đều có tẩm thuốc độc. Nhưng vì sách hay quá, Nguyễn Ngọc Thanh Phương vì vội lật trang mà không kịp cả đưa tay thấm nước trong miệng nên mục đích của Vương Thế Trinh không thành.
***
Về bản dịch tiếng Việt Tại Việt Nam, bản dịch Kim Bình Mai lưu hành hiện nay do Nhà xuất bản Chiêu Dương ấn hành năm 1969, về sau được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 1989 in lại với số lượng lớn, chia làm hai loại: loại trọn bộ 4 tập và loại trọn bộ 8 tập, nội dung hoàn toàn như nhau. Năm 2000, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức tái bản bộ sách này với lời giới thiệu của Giáo sư Phan Văn Các, nhà nghiên cứu, dịch giả, Viện trưởng viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam; ấn phẩm lần này in theo bản in đó.