Bộ sách gồm 3 phần (3 cuốn):
Phần I: "Krishnamurti tinh yếu" bao gồm những bài diễn thuyết và thảo luận quan trọng nhất cuộc đời Krishnamurti, bao gồm các đề tài: đạo học và tôn giáo, tu trì và thế tục, khổ não và hạnh phúc, nô lệ và giải thoát, thức ngộ và cứu độ, cá nhân và thế giới. Cuốn sách được chọn lọc từ những cuốn nổi tiếng như "Tự do đầu tiên và cuối cùng", "Đường vào hiện sinh", "Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống", "Giáp mặt cuộc đời", "Giải thoát tri kiến", "Krishnamurti với chính mình", các phần nhật ký của ông được tập hợp lại dưới tựa đề "Hãy suy nghĩ về những điều này" cùng nhiều bài phát biểu của ông tại thủ đô Wasington…
Phần II: "Đời không tâm điểm" nói về phần đầu cuộc đời Krishnamurti, từ lúc ông chào đời (1895) đến năm 1977 và gồm cả cái chết bi tráng của của bà Indira Gandhi - thủ tướng Ấn Độ - năm 1983. Và phần III: "Dòng sông thanh tẩy" tóm kết lời giảng theo từng chủ đề với cuộc đời Krishnamurti từ 1978 cho đến ông qua đời. "Hai phần này do bà Pupul Jayakar - một nhà văn rất giỏi về ngôn ngữ cũng như đã từng tri kiến, gắn bó với đời sống, những chuyển đổi tinh thần của Krishnamurti trong suốt 40 năm viết. Và để làm phong phú thêm bộ sách, giúp bạn đọc hiểu thêm về một sự kiện khiến dư luận xôn xao từ suốt những năm đầu thập niên của thế kỷ XX cho đến ngày nay, đó là Hiện tượng Krishnamurti, đoạn cuối của phần III còn đăng tải một loạt những cuộc trò chuyện của các nhân vật cùng thời như A. Govinda, D. Bohm, B. Griffiths, E. Schallert, Wapola Rahula, Renée Weber, Samdhong Rinpoche, Lý Tiểu Long… và một số cuộc phỏng vấn những người thân cận khi đồng tình, khi phản bác với Krishnamurti."
Trong cuộc hành trình của nhân loại nhằm khám phá cách thế cá nhân tự giải thoát khỏi khổ não để sống hạnh phúc, thỉnh thoảng xuất hiện những người mà cuộc đời và tư tưởng gây nhiều tranh luận; thời gian tranh luận càng lâu dài thì phạm vi ảnh hưởng càng sâu rộng và đó là điều khó tránh khỏi. Việc tìm hiểu thân thế và tư duy của những người ấy giúp độc giả thêm dồi dào kiến thức, định tĩnh tu tập hoặc xác quyết hơn quan điểm tương đồng hay dị biệt của mình. Krishnamurti là một trong những người như thế. Xuất từ huyền thoại và hồi tưởng, câu chuyện cuộc đời ông như một giấc mộng dài, nói hoài không hết.