Mai Hoa Dịch số (chữ Hán: 梅花易數) là một hình thức bói toán được xây dựng trên cơ sở triết lý Kinh Dịch với các thuyết Can Chi, âm dương, ngũ hành, bát quái kết hợp thuyết vận khí, bát quái kết hợp ngũ hành… bằng cách lập quẻ chính, hào động và quẻ biền; căn cứ vào sự vật, hiện tượng quan sát hay nghe được, đo đếm được hoặc giờ, ngày, tháng, năm xảy ra (theo âm lịch).
Thiệu Ung (邵雍) (1011 - 1071), tự là Nghiêu Phu (堯夫), hiệu là Khang Tiết (康節), người đời Bắc Tống (Trung Quốc) đã nghiên cứu và phát triển Dịch học và đã có những đóng góp to lớn. Ông đã dùng bát quái để dự đoán thông tin, sáng tạo ra phương pháp lấy quẻ theo sự vật, hiện tượng quan sát hay nghe được hoặc giờ, ngày, tháng, năm (theo âm lịch) xảy ra; dùng các phép tính cộng - trừ để lập quẻ; tìm ra hào động; căn cứ sự sắp xếp của âm dương ngũ hành bát quái cùng các phương pháp phân tích vận khí suy vượng, ngũ hành sinh khắc, quẻ thể, dụng cùng với văn từ của Chu Dịch để đoán giải vận hạn, đoán giải sự việc. Bộ sách "Mai Hoa Dịch số" của Thiệu Tử còn lưu lại đến ngày nay và được coi là một trong Tứ Đại kỳ thư của nền văn hoá Trung Hoa gồm: Kinh dịch (Chu dịch) của Chu Văn Vương soạn, Mai Hoa Dịch do Thiệu Khang Tiết soạn, Ma Y Tướng Thuật do Ma Y Tôn Giả soạn và Địa Lý Toàn Thư (không rõ tác giả) Việt nam dịch là Phong Thủy Toàn Tập gồm 3 tập.
Từ thập niên 1980, Thiệu Vĩ Hoa (sinh năm 1936 tại Hồ Bắc - Trung Quốc), là hậu duệ đời thứ 29 của Thiệu Khang Tiết, đã nghiên cứu, phát triển phương pháp dự đoán này và được cho là có những thành công đáng kể. Nhiều tác phẩm của Thiệu Vĩ Hoa đã được dịch và phát hành tại Việt Nam.
Toàn bộ cuốn sách Mai Hoa Dịch Số Ông Văn Tùng dịch và chú thích, NXB Văn hóa thông tin ấn hành gồm 6 quyển (được in thành 1 cuốn mà chúng tôi đang giới thiệu với các bạn). Từ thời Tống đến nay, nó luôn luôn được các bậc vua chúa và nhân dân Trung Quốc dùng làm căn cứ lý luận cho khoa chiêm bốc và dự trắc học.
- Quyển thứ nhất có các nội dung: Chu Dịch quái số; Ngũ hành sinh khắc; Bát cung sở thuộc ngũ hành; Quái khí vượng; Quái khí suy; Thập thiên can; Thập nhị địa chi; Bát quái tượng lệ; Chiêm pháp; Ngoạn pháp v.v...
- Quyển thứ 2 có các nội dung: Chiêm bốc huyền cơ; Chiêm quái tổng quyết; Thiên thời chiêm; Nhân sự chiêm; Gia trạch chiêm; ốc xá chiêm; Hôn nhân chiêm; Sinh sản chiêm; Ẩm thực chiêm; Mưu cầu chiêm; Cầu danh chiêm; Giao dịch chiêm; Xuất hành chiêm; Hành nhân chiêm; Yết kiến chiêm; Thất vật chiêm; Tật bệnh chiêm; Quan tụng chiêm; Phần mộ chiêm,v.v...
- Quyển thứ 3 có các nội dung: Bát quái phương vị đồ; Quan mai chiêm quyết tự; Chiêm quái quyết; Thể dụng hỗ biến chi quyết; Thể dụng sinh khắc chi quyết; Thể dụng suy vượng chi quyết; Chiêm bốc khắc ứng chi quyết; Vạn vật phú v.v...
- Quyển thứ 4 có các nội dung: Chỉ mê phú; Huyền hoàng khắc ứng ca; Hoàng huyền tự; Huyền hoàng ca; Thám huyền phú; Tư quý thủy bút v.v...
- Quyển thứ 5 có các nội dung: Ngũ hành toàn bị; Lục thần hình thức; Bát quái biện; Quỷ thần; Thất ngôn tác dụng ca v.v...
- Quyển 6: Mai Hoa Dịch Số - Một bộ kỳ thư đích thực trong lịch sử Trung Quốc; Chính Dịch tâm pháp; Cấu tạo lý luận của Mai Hoa Dịch Số; Tác dụng và địa vị của Mai Hoa Dịch số (trong lịch sử văn hóa Trung Quốc).