Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni[1] (6 tháng 3 năm 1475 – 18 tháng 2 năm 1564), thường được gọi là Michelangelo, là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ và kỹ sư thời kỳ Phục hưng Ý. Dù ít có những đột phá bên ngoài nghệ thuật, sự uyên bác của ông trong các lĩnh vực đạt tới tầm mức khiến ông được coi là một người xứng đáng với danh hiệu nhân vật thời Phục hưng, cùng với đối thủ kiêm bạn bè Leonardo da Vinci.
Khả năng sáng tạo của Michelangelo trong mọi lĩnh vực ông tham gia trong suốt cuộc đời dài của mình rất phi thường; khi tính cả các thư từ, phác thảo, ký sự còn lại, ông là nghệ sĩ được ghi chép đầy đủ nhất về cuộc đời ở thế kỷ 16. Hai trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông Đức Mẹ Sầu Bi và Vua David, được thực hiện trước khi ông sang tuổi 30. Dù ông không được đánh giá nhiều trong hội họa, Michelangelo cũng đã tạo ra hai trong các tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất thuộc thể loại bích họa trong lịch sử Nghệ thuật phương Tây: Cảnh Thiên Chúa sáng thế trên trần Nhà nguyện Sistine và Sự phán xét cuối cùng trên bức tường bệ án thờ Nhà nguyện Sistine ở Roma. Là một kiến trúc sư, Michelangelo là người tiên phong trong phong cách Mannerist tại Thư viện Laurentian. Ở tuổi 74, ông kế tục Antonio da Sangallo trở thành kiến trúc sư của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Michelangelo đã thay đổi đồ án, góc phía tây được hoàn thiện theo thiết kế của Michelangelo, mái vòm được hoàn thành sau khi ông mất với một số sửa đổi.
Một ví dụ khác về vị trí độc nhất của Michelangelo: ông là nghệ sĩ phương Tây đầu tiên có tiểu sử được xuất bản khi đang còn sống.[2] Hai cuốn tiểu sử đã được xuất bản trong khi ông đang sống; một trong số đó bởi Giorgio Vasari, cho rằng ông là động cơ của mọi thành tựu nghệ thuật từ khi bắt đầu thời kỳ Phục hưng, một quan điểm vẫn tiếp tục được ủng hộ trong lịch sử nghệ thuật trong nhiều thế kỷ. Trong đời mình, ông cũng thường được gọi là ''Il Divino'' ("người siêu phàm").[3] Một trong những phẩm chất của ông được những người đương thời ngưỡng mộ nhất là ''terribilità'', một cảm giác kính sợ trước sự vĩ đại, và các nỗ lực của những nghệ sĩ thời sau học theo phong cách say mê và rất cá nhân của ông đã dẫn tới Mannerism, phong trào lớn tiếp sau trong nghệ thuật phương Tây sau thời Đỉnh cao Phục hưng.