MISERY – Stephen King
Nghìn lẻ một đêm phiên bản kinh dị
Bắt cóc là một chủ đề khá phổ biến trong các tác phẩm trinh thám giật gân hiện đại. Có vô số tác phẩm đã sử dụng chi tiết này (Căn hầm tối, series 4MK, etc.), nhưng chỉ dừng ở mức độ tình tiết, tuy họ làm khá thành công trong việc mô tả tâm lý nạn nhân và thủ phạm, nhưng thường thì thủ phạm đã chiếm quá nhiều ưu thế và nạn nhân không có cách nào ngoài việc ngoan ngoãn nghe theo lời kẻ bắt cóc mình. Chưa có nhiều tác phẩm lấy chủ đề hoàn toàn là cuộc bắt cóc đó (hoặc có nhiều mà em đọc còn ít ), với địa điểm giam giữ là vũ đài nơi nạn nhân và thủ phạm đấu trí với nhau nhằm đạt được mục đích của mình. Năm ngoái mình có đọc một tác phẩm khá hay lấy chủ đề bắt cóc là The Collector – John Fowles. Và năm nay đó là Misery của Stephen King.
Nhân vật chính của Misery là Paul Sheldon, một nhà văn nổi tiếng. Tỉnh dậy sau một tai nạn giao thông do bão tuyết, Paul nhận ra hai chân mình đã bị gãy vụn, phải sống phụ thuộc vào thuốc giảm đau và sự chăm sóc của Annie Wilkes. Tin tốt, Annie Wilkes là một cựu y tá và cô có rất nhiều thuốc giảm đau. Tin xấu, cô là fan hâm mộ số 1 các tác phẩm của anh và cô không hề thích cách anh kết thúc tác phẩm gần đây nhất của mình. Phải phụ thuộc cả thể chất và tinh thần vào Annie và những viên thuốc giảm đau của cô, Paul đã bị ép phải viết một tác phẩm mới chỉ dành riêng cho cô và cũng có thể là tác phẩm cuối cùng của đời mình.
Không giống như những tác phẩm khác của King, thường kéo dài tối thiểu 500 trang, cuốn này chỉ hơn 300 trang dạng bìa mềm khổ nhỏ. Tuy nhiên không vì thế mà nội dung của nó hời hợt hay thiếu chiều sâu. Có 3 điểm mà mình thích ở cuốn này: kinh dị, kinh dị và kinh dị. Trải suốt toàn bộ câu chuyện là một bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt. Trước tính khí điên loạn thất thường của Annie, mọi hành động của Paul đều có thể phải trả giá một cách đầy đau đớn. Nhẹ thì là những cơn đau dai dẳng do bị cắt thuốc, hay phải uống nước lau sàn, nặng hơn thì có thể là một ngón tay hay là tính mạng của chính anh. Với ngòi bút mô tả của Stephen King, người đọc dường như có thể cảm thấy mọi khổ sở, đớn đau mà Paul phải chịu đựng. Tác giả đã rất thành công trong việc xây dựng một thế giới thu nhỏ mà trong đó Annie là Nữ thần, có quyền quyết định mọi thứ còn Paul là nàng Scheherazade phiên bản hiện đại, phải liên tục viết truyện để giữ mạng sống của mình. Nỗi ám ảnh mà Annie gây ra cho Paul (và cả người đọc) lớn đến mức anh gần như phát điên, coi cô là bất tử và bị ám ảnh một thời gian dài sau đó.
Do truyện chỉ có 2 nhân vật trong suốt hầu hết dung lượng, tác giả đã dành rất nhiều thời gian để xây dựng hình ảnh của họ, khiến họ lưu lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Annie tuy điên khùng thất thường, nhưng lại có cái nhìn khá thú vị về văn chương. Cô đề cao sự logic trong các tác phẩm văn học, ghét cay ghét đắng sự cẩu thả, thiếu logic trong những câu chuyện, và Paul suýt đã phải trả giá cho việc này. Có lẽ đa số fan trinh thám sẽ thấy đồng cảm với Annie. Về phần Paul, anh được mô tả là con người có trí tưởng tượng phong phú, điều làm nên thành công trong sự nghiệp của anh. Điều này được thể hiện khá rõ ở nửa đầu câu chuyện, khi tâm trí của anh vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi những trò tra tấn man rợ của Annie.
Do Paul là nhà văn, một số điểm thú vị về nghề viết cũng được đề cập đến trong cuốn sách như một số từ chuyên ngành, một số kỹ thuật viết, etc. Ta sẽ thấy được sự mâu thuẫn trong nội tâm của Paul, khi anh chán ghét chính Misery, series truyện tình cảm cổ điển đã mang đến cho anh thành công, tiền tài và danh vọng. Anh luôn canh cánh trong lòng ước mơ viết một cái gì đó đậm chất văn chương, không chỉ được độc giả phổ thông yêu thích mà còn cả giới phê bình ghi nhận, và sẽ trường tồn như các tác phẩm kinh điển. Có lẽ, đây cũng là một trong nhưng ước mơ của chính S.King, và rất nhiều tác giả trẻ tuổi khác khi bắt đầu sự nghiệp. Tuy nhiên, biến cố xảy ra đã khiến Paul nhận ra mục đích và ý nghĩa thực sự của việc cầm bút, giúp anh cho ra đời Mystery’s return, tác phẩm anh cho là hay nhất trong series mà trước đó anh đã chán ghét.
Túm lại, Misery không chỉ là một tiểu thuyết kinh dị xuất sắc, có lẽ nó còn là trải nghiệm thực sự của Stephen King trong sự nghiệp cầm bút của mình (Mình chưa đọc On writing, hồi ký của S.King về sự nghiệp của ông, nên cũng chỉ dám phỏng đoán vậy ). Với dung lượng không quá dài, nó không bị sa đà quá vào kể lể như những tác phẩm khác. Đây thực sự là cuốn sách khởi đầu hoàn hảo để bước chân vào thế giới kinh dị mà những tác phẩm của S. King tạo ra. Đánh giá 5!