Dù đã không còn tồn tại từ lâu, nhưng vương quốc cổ Chămpa đã để lại trên dải đất đồng bằng ven biển Miền Trung nước ta nhiều di sản văn hóa đặc sắc, trong đó, giá trị nhất, lớn nhất và phong phú nhất là di sản tượng cổ.
Không phải ngẫu nhiên mà ngoài Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, các pho tượng cổ Chămpa được lưu giữ và trưng bày ở nhiều bảo tàng lớn trong nước và quốc tế, như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Guimet (nước Pháp)... Đặc biệt, trong những năm gần đây, các bảo tàng của 10 tỉnh Miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận đều thu thập, lưu giữ và trưng bày rất nhiều tượng cổ Chămpa mới được phát hiện từ năm 1975 đến nay. Không ít bức tượng cổ Chămpa đã trở thành những bảo vật của quốc gia và của một số bảo tàng trong và ngoài nước. Tất cả những pho tượng cổ đó đã được nhiếu nhà khoa học chọn lọc, giám định, phân loại, xác định niên đại... để xâu thành chuỗi ngọc tượng cổ Chămpa - một trong ba chuỗi ngọc nghệ thuật điêu khắc cổ lớn nhất, tiêu biểu nhất và đặc sắc nhất của khu vực Đông Nam Á.
Ngoài lời nói đầu giới thiệu một cách khái quát vế chuỗi ngọc nghệ thuật điêu khắc Chămpa, cuốn sách có ba phần chính.
Phần thứ nhất: Những pho tượng đã được lưu danh - phân tích và giới thiệu một số pho tượng (tượng phật Đồng Dương, Đài thờ Trà Kiệu, Tượng Durga tháp Bà Nha Trang, Bức phù điêu Mahishamardini tháp Bà Nha Trang, Tượng Sadashiva tháp Pô Rômê...) nổi tiếng, tiêu biểu cho các phong cách đã được biết đến, nhưng vẫn còn gợi lên những vấn đề khiến các nhà chuyên môn phải tranh luận và còn có những ý kiến khác nhau.
Phần thứ hai: Các pho tượng trong các đền miếu (tượng Siva - Gauri miếu Bà, tượng Vishnu Garudasana miếu Bà, tượng Siva Mahayogi chùa Phật Lồi, tượng Visnu chùa Bửu Bơn...) - các pho tượng hiện đang được thờ phụng trong các chùa, miếu của người Việt, nhưng chưa được các nhà khoa học đi sâu tìm hiểu, hoặc chỉ mới được giới thiệu một cách sơ lược.
Phần thứ ba: Các pho tượng mới được phát hiện (phù điêu Surya Trà Liên, phù điêu Umamaheshvara Trà Liên, tượng Siva Mahaguru Phú Hưng, bức phù điêu Mahishamardini Chiên Đàn...) - viết về các pho tượng mới được đưa lên khỏi lòng đất từ năm 1975 đến nay.
Hy vọng Nghệ thuật Chămpa, câu chuyện của những pho tượng cổ phần nào đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của đông đảo bạn đọc vế nền nghệ thuật cổ Chămpa. Xin trân trọng giới thiệu./.