Đổi tên để “lên đời”
Tại TPHCM, khác với những hiệu sách cũ khá vắng vẻ trên đường Trần Nhân Tôn (quận 10) hay đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), các hội nhóm mua bán sách cũ trên mạng xã hội lại hoạt động sôi nổi, thậm chí cháy hàng khi bài đăng rao bán chưa đầy nửa ngày. Tất nhiên, để những cuốn sách đã ngả màu thời gian, bìa hoen ố và đôi chỗ giấy mực không còn nguyên vẹn này có giá thì cũng phải biết cách gọi tên. Hàng loạt hội nhóm mua bán sách cũ với những cái tên thật kêu như: “Kho sách cổ”, “Sách xưa”, “Tinh hoa cổ học”, “Tàng thư các”, “Sách cổ người xưa”… thu hút từ vài ngàn đến hơn 10.000 tài khoản mạng xã hội tham gia.
Chúng tôi dễ dàng trở thành thành viên “tích cực” và được thành viên quản trị các nhóm này chỉ bí quyết bán sách cũ. Cũng là một bộ 3 cuốn sách về võ thuật, cùng một người rao bán, nhưng giá ở nhóm K. lại rẻ hơn 100.000 đồng so với nhóm T.
“Cả hai nhóm này đều do tôi lập ra, ban đầu chỉ tính thanh lý mớ sách cũ cho trống nhà thôi, nhưng được ủng hộ nhiều nên tôi duy trì nhóm để mua bán sách cũ luôn. Khi nào rao bên này, lâu quá mà không bán được thì mới đẩy qua bên kia và hạ giá xuống một chút. Nhưng bên nào cũng vậy, phải là sách xưa, sách cổ thì mới có giá, chứ sách cũ ít người quan tâm lắm”, B.A. (25 tuổi) kể với chúng tôi.
Chúng tôi ngỏ ý muốn bán khoảng 50 cuốn sách cũ, T.H. (22 tuổi, ngụ quận 1), quản lý một cửa hàng sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) và là quản trị viên một nhóm sách xưa với gần 4.500 thành viên, nói: “Bạn muốn bán thì mang ra đây mình coi, nhưng nói trước, giá không bao nhiêu đâu”.
Chỉ tay về chồng sách vừa mua của khách, H. nói tiếp: “Cả mớ đó cũng chỉ chừng 100.000 đồng thôi, bạn muốn có giá hơn thì vào nhóm của mình rồi đăng từng quyển lên bán, hơi chậm nhưng tới 50 cuốn, nếu bán được hết thì kiếm cũng bộn”.
Thấy chúng tôi chưa biết cách đăng bài, H. chỉ thêm: “Muốn bán có giá thì cứ vào nhóm của tôi, còn không thì lựa nhóm nào đề tên sách xưa, sách cổ mà đăng. Bạn chịu khó lựa theo chủ đề, sách nhìn càng cũ, giấy càng vàng thì càng có giá, cứ ghi là sách cổ thì nhiều người tin sái cổ ngay, nhất là mấy cuốn luận giải cuộc đời, sự nghiệp, tướng mạo này kia là cháy hàng nhanh lắm. Bây giờ, tôi còn hơn 20 đơn hàng mấy cuốn sách tử vi nè, mà chưa có thời gian tìm cho khách nữa”.
Càng huyền bí càng được săn đón
Nhà xuất bản lạ, thậm chí không có tên nhà xuất bản, hoặc có những tên nhà xuất bản không thể tìm thấy thông tin; sách ngả vàng; chữ in chỗ còn chỗ mất và mực thường lem… là đặc điểm chung dễ thấy ở những cuốn sách được rao là “sách xưa”, “sách cổ”.
Trong các hội nhóm “khoác áo” sách xưa, sách cổ, giá cho mỗi quyển không quá cao, có khi chưa đầy 50.000 đồng và những cuốn thuộc hàng có giá trị chỉ khoảng 500.000 đồng trở lại và kèm theo ưu đãi miễn phí giao hàng. Tu luyện bùa thần, Bí quyết bói bài, Phù pháp nhập môn, Tử vi trọn đời, Phù thuật Việt Nam… – những tựa sách này luôn hot trong các hội nhóm mua bán online và thu hút nhiều người mua bởi độ huyền bí từ cái tên đến nội dung.
“Sách như vầy mới là sách cổ, vì mấy nội dung này làm gì có sách mới. Nhất là mấy cuốn tử vi luận giải cả cuộc đời, nhiều người hỏi mua lắm, mấy bạn teen teen còn chuộng mà, đọc sách tự biết vận mệnh của mình luôn, khỏi đi coi bói. Đăng bài cứ ghi là sách cổ, sách xưa, những thông tin huyền bí trong đó kiểu này như dạng bí kíp có một không hai, để cho khách dễ chú ý, thấy ưng là người ta đặt hàng liền, không lăn tăn trả giá luôn”, Vũ Minh Quân (27 tuổi, quản lý nhóm sách xưa V.N.T.T.) kể.
Hơn 3 năm kinh nghiệm mua bán sách cũ online, T.D. (25 tuổi, ngụ quận 8) kể: “Mấy cuốn viết về tử vi, tướng số hay bùa chú này kia mới có người quan tâm, chứ sách văn học hay dạy nấu ăn, cắm hoa có khó gì đâu, ra nhà sách có liền. Còn sách dạy bùa chú đâu phải chỗ nào cũng có, mà nội dung này thì nhiều người tò mò lắm, người trẻ thì hỏi sách bùa yêu, người có tuổi thì hỏi bùa trấn nhà, phòng kẻ gian đủ kiểu hết”.
Những cuốn sách về căn duyên vợ chồng; bí quyết trở thành phụ nữ quyến rũ, hấp dẫn hay sinh con theo ý muốn… cũng là những quyển nằm trong mục bán chạy của T.D.
Tưởng chừng sách cũ chỉ còn là một nốt trầm trong thị trường sách ngày càng hiện đại và những ấn phẩm mê tín dị đoan, bùa chú sẽ chẳng thuyết phục được ai trong thời buổi công nghệ. Nhưng khi khoác áo “sách xưa”, “sách cổ” và trong sự tự do mua bán của mạng xã hội, những kiểu sách “huyền bí” này lại được dịp lên ngôi, thu hút độc giả trẻ… Sách cũ bán chạy kiểu này, có lẽ lo nhiều hơn mừng.
Nguồn: Sài Gòn giải phóng 17/3/2021