Có lẽ, với bất cứ ai thuộc thế hệ 8x, 9x, hình ảnh những bộ sách, truyện tranh, những ki-ốt cho thuê truyện chính là một phần ký ức không thể nào quên. Cùng với sự phát triển của xã hội, hình ảnh đó đang dần được thay thế bằng những smartphone, những ipad, những ebook… Những tưởng sự tiện nghi và hiện đại sẽ xóa sạch những trang truyện xưa. Nhưng không, ngược dòng xu thế, nhiều người chọn lưu giữ những cuốn sách ngả màu thời gian như một người bạn thân thiết, tri âm.
Nằm trên tuyến phố trung tâm của TP. Vinh, cửa hàng sách và cho thuê truyện đơn sơ của vợ chồng chú Trần Nguyên Tích hoàn toàn không ăn nhập gì với sự náo nhiệt, sầm uất xung quanh. Bao nhiêu người đến đặt vấn đề thuê lại tầng 1 của chú với giá cao là bấy nhiêu lần chú từ chối để thảnh thơi sống cùng đam mê.
Năm 1994, từ tình yêu dành cho sách, chú nghỉ công việc giáo viên trong môi trường quân đội, về Vinh mở cửa tiệm này. Nhớ lại những năm tháng đó, chú Tích bồi hồi: “Thời đấy, sách hiếm và đắt lắm, không đủ mua nên tôi thường lân la kết thân với những người bán hàng để mượn đọc. Đến khi làm công việc này rồi thì khỏi cần đọc ké nữa, ngày nào cũng được sống giữa một nhà đầy sách, hạnh phúc vô cùng!”.
Những năm 1995-2005 là thời điểm “hoàng kim” trong sự nghiệp làm sách của chú Tích. Đó là cái thời mà trẻ con đứa nào cũng nhịn ăn sáng để lấy tiền thuê truyện, hộc bàn học nào cũng có dăm ba cuốn truyện tranh, tụi học sinh mải đọc truyện làm mất xe đạp như cơm bữa, mấy cô, cậu thanh niên chuyền tay những cuốn tiểu thuyết, những bộ truyện kinh điển đến cả sờn gáy… Cái thời ấy, cả thành phố Vinh dễ đến 200 cửa hàng cho thuê sách, truyện nhưng cửa hàng của chú Tích lúc nào cũng chật kín những chiếc ghế đẩu tí hon. Trong nhà không đủ chỗ, nhiều người còn phải ngồi trên xe, trên thềm nhà để đọc.
Còn bây giờ, bộ tràng kỷ thênh thang trong cửa hàng của chú thi thoảng lắm mới có người ngồi. Sau nhiều năm gắn bó với nghề, chú dì đã đi ăn cưới không biết bao nhiêu khách hàng và nay lại bán sách, bán truyện cho con của họ. “Văn hóa đọc bây giờ khác xưa. Khách của quán nay ít lắm, chủ yếu là khách cũ, nhưng tôi vẫn quyết tâm giữ cửa tiệm vì đam mê. Tôi luôn ấp ủ mong muốn được cùng các trường xây dựng tủ sách cho học sinh, tôi có thể lấy được sách với giá rẻ nhất, bỏ toàn bộ công sức, vận chuyển mà không nghĩ đến lợi nhuận. Được lan tỏa tình yêu với sách cho các bạn trẻ, ở tuổi tôi, không gì ý nghĩa hơn” – chú Tích trải lòng.
Ra đời cùng thời với cửa hàng của chú Tích, cửa hàng cho thuê truyện của dì Hoàng Thị Đồng vô cùng quen thuộc với những “mọt truyện” khu vực Trường Thi, Bến Thủy. Đã có lúc cửa hàng của dì không có lấy một chỗ trống, trưa hè nào cũng chật kín sinh viên đến đọc và “tránh nóng”. Bây giờ, khách thuê truyện ngày một ít, dì Đồng chỉ nhập các tập mới của bộ “Conan – thám tử lừng danh” và tranh thủ bán thêm kem, cafe để tăng thu nhập. Lâu lâu, một vài khách cũ, khách quen vẫn qua chỗ dì thuê truyện đọc, chỉ 2-3 nghìn là có ngay một cuốn sách để tìm lại tuổi thơ.
Trên những giá sách ốp kín tường, dì Đồng còn lưu giữ được rất nhiều cuốn sách có tuổi đời đến nửa thế kỷ. Không ít người đến hỏi mua nhưng dì không muốn bán. Với dì, những cuốn sách này không chỉ là đam mê mà còn là bao nhiêu kỷ niệm.
Sinh năm 1993, tuổi thơ của Chính gắn liền với những cuốn truyện tranh như Đôrêmon, Bảy viên ngọc rồng, Teppi siêu quậy, Đường dẫn đến khung thành… Khi đã trưởng thành, có thể tự kiếm kiền bằng công việc thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, Chính quay lại với đam mê thuở học trò. Bên những chồng truyện cao ngất, Chính tự hào: “Em bắt đầu sưu tập truyện tranh theo bộ cách đây khoảng 4 năm, từ các tiệm sách và các diễn đàn trao đổi sách online. Đây là một sở thích không quá tốn kém nhưng mất nhiều thời gian để tìm. Những cuốn truyện không chỉ là kỷ niệm tuổi thơ mà còn giúp em thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng”.
Là một trong những thành viên tích cực trên các diễn đàn trao đổi, mua bán sách cũ toàn quốc, anh Nguyễn Doãn Nghĩa (phường Đội Cung, TP. Vinh) đã kết nối được với rất nhiều người có cùng đam mê. Anh chia sẻ: “Hầu hết những người có sở thích sưu tầm sách, truyện cũ đều thuộc thế hệ 8x, 9x. Một số người tìm đến những bộ truyện cũ như một cách lưu giữ kỷ niệm, một số lại muốn mua dành tặng các con. Họ sẵn sàng bỏ một số tiền cao gấp nhiều lần giá bìa để sở hữu bằng được những bộ truyện xuất bản đời đầu. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, hoạt động trao đổi, mua bán này diễn ra rất sôi nổi”.
Mộc mạc và giản đơn, những cuốn sách cũ sờn gáy, những trang truyện tranh ngả màu không chỉ kể lại những kỷ niệm thanh xuân của một thế hệ mà còn lưu giữ nét đẹp văn hóa đọc của một thời xưa cũ…
Bài, kỹ thuật: Diệp Thanh
Nguồn: Báo Nghệ An, đăng ngày 27-3-2021