Quyển Paris – Saigon – Hanoi. Tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944-1947, xuất bản tại Paris năm 1988, của nhà nghiên cứu sử học Philippe Devillers, do nhà khảo cứu văn học Hoàng Hữu Đản, người có nhiều cống hiến trong việc dịch những tác phẩm từ tiếng Pháp sang tiếng Việt để giới thiệu nền văn học Pháp, đã công phu biên dịch để giúp các nhà nghiên cứu sử học nhìn trở lại, về phía Pháp, những năm trước và sau cách mạng tháng Tám năm 1945, dẫn đến cuộc chiến tranh mà giờ đây ai cũng hối tiếc. Đúng như lời tướng De Gaulle sau này trong bức thư ngày 8/2/1966 viết cho Hồ Chủ tịch có nói: “Giá có một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa người Việt Nam và người Pháp ngay sau chiến tranh thế giới lần thứ hai thì đã có thể tránh được những sự biến tai hại đang giằng xé đất nước Ngài hôm nay”.
Nhưng dù sao cũng phải nhấn mạnh rằng đối với mọi người hôm nay, như tác giả đã viết: “Việt Nam là một trong những tấn bi kịch lớn của thế kỷ XX” và giờ đây “các tài liệu lưu trữ đã chứng minh cuộc chiến tranh Đông Dương… không phải do ngẫu nhiên, mà do tội lỗi, do sự “vụng về” hoặc “tính toán sai” của một vài người mà sự xảo trá hai mặt và cái nhãn quan “cận thị” chưa hề có trong lịch sử nước Pháp. Một cánh nhỏ những quan chức và nhà quân sự cao cấp Pháp đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh giữa nước Việt Nam và nước Pháp và đây thực tế quả nhiên là “một hành động vũ lực đã được mưu tính từ nhiều tháng…”, thất bại đã biến tướng thành một cuộc chiến tranh dai dẳng mà chính những kẻ gây ra đã làm đủ mọi cách để ngăn cản sự chấm dứt”.
Philippe Devillers là một nhà sử học, một chuyên gia của Pháp về lịch sử hiện đại Việt Nam, là người với nhiều chức vụ đã có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với những sự việc trước và sau chiến tranh Pháp – Việt. Ông vừa là một nhà báo, một nhà sử học nên không thể làm ngơ trước những sự kiện lớn lao đang diễn ra trước mắt ông, trước tiên là đối với bọn giả mạo, nói theo lời của nhà văn hóa Peguy, và đặc biệt là những trò giả dối đối với một dân tộc và những người đại diện của nó mà ông rất có cảm tình và kính phục.
Tất nhiên, đối với nhà sử học dấn thân, trước tiên ông đã mạnh dạn đi vào “hậu cung” – phía sau sân khấu chính trị chính thức – để viết và cho xuất bản từ năm 1952 quyển sách đầu tiên về cuộc chiến tranh với tựa đề “Lịch sử Việt Nam 1940-1952”, nhưng tất nhiên những điều kiện lúc bấy giờ chưa cho phép một nhà sử học phân tích rõ ràng trách nhiệm của những người cố tình gây chiến vì lý do mà ông đã giãi bày: “Lúc bấy giờ, không thể nào đi thêm một bước nữa mà không gặp nguy cơ bị nghiến nát một cách vô ích”. Và đến nay thì hoàn cảnh và môi trường đã cho phép để “Tìm ra những người chịu trách nhiệm” về cuộc chiến tranh. Và đúng như tác giả đã viết để phân minh về sự “nhận thức muộn màng về một cuộc chiến tranh” là kết quả của “một công trình kiên trì tìm tòi bất chấp mọi trở ngại, bốn mươi năm sau mới cho phép có được cái nhìn tổng quát về sự kiện, nêu được những manh mối thực và thực hiện được những tiếp cận cần thiết”.