Thời gian một vài thế kỷ trước sau Công nguyên là giai đoạn bản lề trong diễn biến văn hóa lịch sử ở miền Trung Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Tài liệu khảo cổ học phát hiện những năm gần đây cho thấy có những thay đổi nhanh, đột ngột, những tiếp xúc văn hóa nhiều chiều phức tạp đã xảy ra trên địa bàn này tương ứng với sự hình thành và phát triển của một loạt những chính thể sớm dạng lãnh địa. Đặc biệt là sự biến chuyển từ các dạng xã hội này (và những dạng xã hội với mức độ phức hợp thấp tương đương lãnh địa) sang những hình thức chính thể dạng nhà nước với mức độ phức hợp cao hơn được gọi bằng những tên khác nhau.
Cuốn sách gồm 4 chương:
Chương 1: Nền tảng tự nhiên - xã hội: những vấn đề nghiên cứu: ở chương này tác giả nêu ra không gian địa lý - văn hóa, địa hình, khí hậu, những yếu tố địa - sinh thái tác động đến tính chất văn hóa miền Trung, Quan hệ Sa Huỳnh - Lâm Ấp - Chăm Pa: Kết quả nghiên cứu và vấn đề. Chương 2: Bức khảm văn hóa Sa Huỳnh thời sơ sử: Trong chương này cuốn sách đưa ra 2 vấn đề: Chiều kích không gian và thời gian của văn hóa Sa Huỳnh và những di tích, di vật văn hóa Sa Huỳnh tiêu biểu. Chương 3: Chăm Pa thời kỳ lâm Ấp và sau Lâm Ấp: Ở chương này cuốn sách nêu những trung tâm quân sự chính trị kinh tế ở miền Trung Việt Nam đầu công nguyên và diễn biến, tính chất văn hóa Lâm Ấp - Chăm Pa.
Chương 4: Quá trình hình thành nhà nước sớm Sa Huỳnh - Lâm Ấp - Chăm Pa mười thế kỷ trước và sau công nguyên: Chương này tác giả khái quát về lý thuyết và mô hình chính thể dạng nhà nước, đưa ra một số vấn đề trong nghiên cứu lãnh địa và nhà nước sớm ở Đông Nam Á, mẫu hình cấu trúc chính trị Đông Nam Á, quá trình hình thành nhà nước sớm ở Trung và Nam Trung bộ Việt Nam, và những chuyển biến thời kỳ sơ sử sang thời kỳ đầu của lịch sử.