Tác giả là một tay máy khá quen thuộc trên nhiều diễn đàn ảnh trong nước, được biết đến với nick-name Hà Thành (HaThanh). Với Huế, anh không chỉ là một nhà nhiếp ảnh đơn thuần, mà còn có con mắt của một người khảo cứu kiến trúc và lịch sử.
Điều đó cũng dễ hiểu bởi nghề nghiệp chính của anh là kiến trúc sư và là phóng viên. Có lẽ đó là một thế mạnh riêng của tác giả trong mảng nội dung về kiến trúc di sản và đô thị. Nếu như ở nhiều cuốn sách về Huế khác, các tác giả chủ yếu khai thác đề tài các công trình di tích, di sản của triều Nguyễn; thì ở cuốn sách này, tác giả đã mở rộng biên độ với những công trình mới, với đô thị mới ở bờ nam sông Hương, đối lập với Kinh Thành cổ xưa phía bắc, mà theo tác giả: “Bờ nam và bờ bắc sông Hương mang sự khác biệt, nhưng vẫn hài hòa, bổ sung cho nhau để tạo nên nét đặc trưng rất Huế”.
Lãng du xứ Huế là một chuyến đi có chủ đích, bắt đầu từ sông Hương – dòng sông tạo nên gương mặt của đất Huế, rồi tới Kinh Thành cổ kính – trọng địa của kinh đô, cùng các vùng phụ cận ở bờ bắc sông Hương, rồi qua bờ nam, đi ra các ngả đường ngoại ô... Cách sắp xếp khá đơn giản nhưng hiệu quả để người ta dễ hình dung ra một xứ Huế từ Bắc tới Nam, từ xưa tới nay, từ sự tĩnh lặng của công trình tới tiếng động của âm thanh cuộc sống... Ở đó còn có những câu chuyện lịch sử hàng trăm năm và cả những câu chuyện đời.
Xem Lãng du xứ Huế, bạn đọc có thể nhận thấy sự ngẫu hứng, lãng mạn của một lãng tử, nhưng cũng lại rất cẩn thận chỉn chu của một người làm khoa học. Những khuôn hình không phải đẹp kiểu long lanh như ảnh nghệ thuật - mà gần với lối ảnh ghi chép – tư liệu, nhưng không vì thế mà thiếu hấp dẫn. Chính tác giả cũng thừa nhận điều đó trong “Lời cuối sách”. Bạn cũng dễ thấy một sự mê đắm của anh trong đề tài – nội dung về những kiến trúc di sản; và cùng với đó là sự trăn trở, nuối tiếc trước những điêu tàn mất mát trong quá khứ, hay sự đổi mới làm phai nhạt đi những hồn xưa.