Sách nói đang dần trở thành xu hướng của văn hóa đọc

Mùa dịch ở nhà nhiều, công việc vẫn nhiều, lứa bạn cùng thời U50 với tôi lại thích nghe sách nói – audiobook. Nhiều người đâm ham, tranh thủ nghe vào lúc buổi trưa và trước khi đi ngủ, nhất là khuya thanh vắng, âm thanh cứ rủ rỉ vào tai chẳng khác gì nghe đọc truyện đêm khuya.

Khởi nguồn của loại hình sách nói – audiobook từ rất lâu qua việc xuất bản sách cho những người khiếm thị. Nhưng vào thời công nghệ số, khi nhiều lọai hình văn hóa nghệ thuật được áp dụng công nghệ trên nền tảng số hóa thì sách nói trở thành một cách tiếp cận rồi dần dần trở thành một xu hướng mới trong văn hóa đọc trên thế giới. Ngày nay, khái niệm sách nói ngày càng trở nên quen thuộc, phổ biến, với hơn 200 triệu kết quả trong 0.39 giây trên công cụ tìm kiếm google. Sách nói có thể xem là xu hướng mới của hoạt động xuất bản hiện tại.

Hữu dụng

Dùng máy tính nhiều, lướt web nhiều, “chat chít” nhiều làm hại mắt, thị lực giảm sút trông thấy, thế nên thời nay tỉ lệ người cận thị nhiều vô kể.

Sách nói không khiến bạn phải mất đi phần trăm thị lực nào. Sách giúp cho chúng ta cảm giác thời gian luôn hữu ích khi đang di chuyển hoặc tay chân mải làm việc gì. Sách nói với nhiều loại khác nhau từ phổ biến kiến thức đến sách tâm lý, tiểu thuyết… đủ thứ nên có thể phổ biến tới mọi đối tượng thuộc các giai tầng xã hội khác nhau, tuổi tác khác nhau. Sách nói hiện được định dạng trong các thiết bị lưu trữ cũng khá đa dạng, từ cổ điển như băng cassette, CD, VCD, DVD, USB đến lưu trên smartphone, iPad, hoạt động trên các ứng dụng công nghệ …

Chưa hết, theo sự phát triển công nghệ AI, Voiz FM đã và đang nghiên cứu công cụ để đọc sách với giọng đọc dựa trên ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Việc tiếp cận sách nói cũng không khó bởi dòng sách này được đăng tải rộng rãi, thậm chí cho người dùng miễn phí ở các trang mạng trực tuyến. Kho sách nói Queen Voice, Gác sách, Cafe sách, AudioBookGood, Hẻm Radio, Radio Saigon, Hẻm Audio, Waka Ebook… nằm trong số những kênh, trang mạng trực tuyến đăng tải sách nói có hàng vạn lượt người theo dõi ở Việt Nam…

Nhiều giọng đọc sách nói rất truyền cảm, hấp dẫn nên rất “thấm” vào tai người nghe, thủ thỉ như người bạn tâm tình, tạo sự kết nối thân thiện, tin cậy. Ngoài giọng đọc, sách nói còn có thể chèn hình ảnh, video, tiếng động, âm nhạc, nhiều sách còn được “xử lý” công phu và sinh động, tạo cho cuốn sách một diện mạo mới so với tác phẩm gốc, nhằm làm tăng sự hấp dẫn, lôi cuốn người nghe.

Khuyến khích nhưng phải bảo vệ bản quyền

Được biết, phát triển sách nói đang là chiến lược được nhiều nhà xuất bản và phát hành quan tâm trên thế giới. Theo một tờ báo mạng thì các nhà xuất bản, nền tảng lớn như Audible, Amazon, Penguin Random House hay Simon & Schuster đang liên tiếp mở các studio và tăng tốc sản xuất sách nói. Theo thống kê từ Good E Reader, số lượng sách nói phát hành trong năm 2020 tăng hơn 18% với khoảng 60.303 ấn phẩm.

Theo Good E Reader, một trong các tựa sách nói được tải xuống nhiều nhất thời kỳ đại dịch là “Harry Potter”. Thể loại sách nói được yêu thích nhất vẫn là sách kinh dị/giả tưởng. Tuy nhiên, theo nhiều cuộc khảo sát gần đây, sách nói theo chủ đề văn hóa hay self-help lại bắt đầu được ưa thích. Sách self-hep được gọi là sách tự lực hay sách tự trợ là thể loại được viết ra với mục đích hướng dẫn độc giả cách giải quyết và xử lý các vấn đề của bản thân. Dạng sách này được lấy tên từ tựa sách “Tự lực” (Self-help), cuốn sách bán chạy nhất trong năm 1859 của tác giả Samuel Smiles người Scotland.

Ở Việt Nam hiện nay, sách nói ngày càng đa dạng và đủ thể loại. Gần đây nhiều sách nói về Phật giáo, về các bậc thày tâm linh được nhiều người chú ý như “Thiền”, “Đạo”, “Đức Phật”… của bậc hiền triết Osho (Ấn Độ) hay “Chỉ là một cội cây”, “Chả có ai cả”… của bậc thiền sư Ajahn Chah (Thái Lan) và nhiều tác phẩm của sư ông Thích Nhất Hạnh cũng “lên sóng”, tiêu biểu như “Bốn sự thật” (Tứ diệu đế). Đặc biệt với sách nói Việt Nam hiện nay, một số nhà xuấn bản đã song song phát hành cùng lúc sách in và sách nói. Gần nhất là nhà First News – Trí Việt cho xuất bản bộ “Muôn kiếp nhân sinh” – 2 tập…

VIỆT VĂN
Nguồn: Báo Lao động điện tử 11-6-2021