Trong cuộc sống, sách, thư viện và tri thức đóng vai trò quan trọng. Đấy là con đường giúp ta tới thành công và là công cụ để xây đắp nên những nền văn minh thế giới.
Trong xã hội loài người từ xưa đến nay, nền văn hoá nào cũng có những công cụ và phương tiện vật chất đặc trưng cho thời đại của mình để xã hội, cộng đồng sinh tồn và phát triển.
Trong số các công cụ và phương tiện vật chất ấy, sách là một sản phẩm diệu kỳ. Sách là phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, cả ý nghĩ và kinh nghiệm từ thế hệ này cho thế hệ khác.
Nó không những có thể hợp nhất không gian mà còn hợp nhất được cả thời gian: có thể mở một cuốn sách ra để biết được điều người khác đã nói, đã làm cách ta hàng vạn dặm, hay biết được cuộc sống và sinh hoạt của những người đã sống cách ta nhiều thế kỷ trước đây.
Thậm chí, bằng sự diệu kỳ của chữ viết có quy định phát âm, chúng ta có thể bắt chước chính xác những âm tiết con người phát ra như họ nói ngày xưa. Nói gọn lại, trong tiến trình văn minh của nhân loại, sách luôn luôn đóng vai trò là nguồn kiến thức, tri thức, là phương tiện và là một công cụ để sáng tạo và nhận thức thế giới.
Ngược dòng thời gian của lịch sử, từ khi chữ viết ra đời thì sách cũng dần dần xuất hiện. Tuy nhiên ban đầu, những cuốn sách cổ xưa của loài người được làm từ đất nung, vỏ cây, da muông thú, thẻ ngà, thẻ tre… Mãi đến khi loài người phát minh ra giấy, thì sách dần dần mới được viết rồi in trên giấy. Và từ đó, nó đã trải qua hàng ngàn năm phát triển để có được những cuốn sách đẹp đẽ như ngày nay.
Như vậy là để lưu giữ và chuyển tải thông tin, tri thức từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này cho thế hệ khác, để nhiều người được biết đến, được xem và được đọc chúng- như một công cụ quan trọng của con người, người ta đã dùng đến sách.
Và rồi để có nơi lưu giữ, truyền bá những cuốn sách ấy cho muôn đời sau, loài người đã sử dụng các thư viện. Như một nhu cầu tất yếu của lịch sử xã hội loài người, các thư viện ra đời ban đầu (cách đây hàng mấy ngàn năm) thường quy mô rất nhỏ, và chứa ít sách vở, tài liệu.
Đó là những tủ sách – thư viện (tư gia) của các vua, chúa, tầng lớp quan lại, quý tộc, tăng lữ, học giả, trí thức… trong xã hội; rồi dần dần, cùng với nhu cầu của đông đảo nhân dân trong xã hội, cùng với thời gian, các thư viện lớn hơn, chứa nhiều sách vở và tài liệu hơn được ra đời, phục vụ cho số đông độc giả.
Có lẽ sẽ là một câu chuyện dài khi đề cập đến sự hình thành và phát triển của thư viện trên thế giới (cũng như ở Việt Nam), thậm chí đã có nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc và có cả hàng trăm, hàng ngàn luận án tiến sĩ nghiên cứu về thư viện (như một ngành khoa học trong xã hội).
Song ở nội dung bài viết này, chỉ xin được đề cập tới một lát cắt nhỏ có liên quan đến những vấn đề nêu trên: Đó là những suy nghĩ & cảm nhận về sách, thư viện và tri thức: Con đường giúp ta tới thành công; đồng thời cũng là công cụ quan trọng để loài người xây đắp nên những nền văn minh trên thế giới.
Quả thật, chúng ta thật khó mà phủ nhận vai trò to lớn của sách báo, thư viện và tri thức trong xã hội loài người (kể cả với mỗi quốc gia, dân tộc), cũng như trong đời sống của mỗi con người trên hành tinh.
Có thể nói một cách hình ảnh thế này: Sách và thông tin-tri thức luôn đồng hành với chúng ta từ nhỏ đến lớn; từ trẻ tới già; từ khi ta biết đọc, biết viết đến khi ta từ giã cõi đời… Bởi lẽ sách cung cấp cho ta nhiều tri thức, hiểu biết (mà tri thức như là biển rộng mênh mông, sự hiểu biết của con người chỉ là hữu hạn).
Thêm vào đó, nhu cầu hiểu biết, nắm bắt thông tin, tri thức thông qua sách vở – thư viện của con người/để phục vụ đời sống con người luôn là nhu cầu tự thân của con người trong quá trình sống, quá trình vận động của lịch sử xã hội loài người, để kiếm tìm chân lý, để con người lao động, sản xuất làm ra của cải vật chất cho xã hội (trong đó có nuôi sống bản thân con người).
Xin đơn cử một ví dụ nhỏ như sau để chúng ta dễ hình dung: Muốn tính toán một cách đơn giản, người ta phải học làm tính, làm toán (để giúp ích cho cuộc sống, cho việc buôn bán, làm ăn, kinh doanh lỗ lãi…); muốn giao tiếp tốt trong gia đình – nhà trường – xã hội (thậm chí cả quốc gia – quốc tế), người ta phải học cách ứng xử, giao tiếp, ngoại giao sao cho tốt nhất, phù hợp và hiệu quả nhất; muốn thành công trong công việc, trong sự nghiệp, người ta phải đi học lấy một/hoặc 2 nghề nào đó; rồi sau đó qua cọ sát, làm việc, cống hiến, qua tích lũy kinh nghiệm bản thân (cộng với cả yếu tố may mắn), người đó mới có thể dần thành công.
Còn nếu muốn đi vào nghiên cứu khoa học; người ta nhất thiết phải có tư duy khoa học, tư duy nghiên cứu, thích phản biện, ưa khám phá và sáng tạo. Nói như vậy để thấy rằng: Làm việc gì cũng cần có hiểu biết và tri thức. Và sách vở, thư viện là những yếu tố quan trọng không thể thiếu trong suốt hành trang của đời người.
Trong xã hội và lịch sử nhân loại, từ xưa đến nay, đã có nhiều tấm gương sáng, nhiều đại biểu ưu tú, nhiều học giả, nhà khoa học, danh nhân thành đạt/nổi tiếng trên thế giới (ở nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, quân sự, ngoại giao ….) biết cách vươn lên để có nhiều đóng góp to lớn cho nhân quần, cho xã hội.
Trong số đó có nhiều người bên cạnh trí thông minh, nghị lực phi thường, sự cần cù lao động sáng tạo; còn có phần không nhỏ mà họ đã tích lũy được, áp dụng thành công được vào công việc vào sự nghiệp, là do thông qua việc học/đọc trong sách vở/ tìm kiếm tri thức, tìm kiếm chân lý.
Công việc âm thầm ấy tưởng như không mang lại nhiều ý nghĩa, song lại hàm chứa sự tích lũy kiến thức, tri thức, thông tin một cách bền bỉ, quý giá; để đến một lúc nào đó kiến thức – tri thức ấy lóe sáng, giúp cho tài năng được hoàn thiện và phát triển.
Xin được nêu ra vài ví dụ để minh họa cho luận điểm này. Chúng ta biết rằng các nhà kinh điển của Học thuyết Mác-Lênin trong suốt cả cuộc đời của mình, dù phải bôn ba nhiều nước trên thế giới, dù hoạt động bí mật hay công khai, song dù ở đâu, khi nào, họ cũng luôn muốn có tủ sách bên cạnh để đọc, nghiên cứu và tra cứu tư liệu, phục vụ cho công việc – nhất là các sách và tài liệu về: Triết học, lịch sử, văn hóa, văn học, ngôn ngữ học và về phong trào cộng sản và công nhân thế giới….
Được biết rằng, ngoài những sách của thư viện mình, khi cần thiết tra cứu, C.Mác, Ph.Ăngghen; V.I.Lê-nin còn thường hay đến các thư viện công cộng để đọc và tra cứu tài liệu, phục vụ cho công việc. Bản thân V.I.Lênin khi bị Sa hoàng Nga bắt đi đày ở làng Suxenxcôie (Vùng Sibêri hẻo lánh, xa xôi); do được nhân dân ở đó giúp sức, Người vẫn tạo dựng được thư viện với 2.500 cuốn sách để đọc và nghiên cứu.
Thật khó mà thống kê hết những cuốn sách, tờ báo, tư liệu mà C.Mác; Ph. Ăngghen và V.I.Lê-nin đã đọc trong cuộc đời công tác cách mạng của mình, chỉ cần nhớ rằng các toàn tập của C.Mác và Ph.Ănghgen (tổng cộng 50 tập); của V I Lênin (tổng cộng 54 tập), mỗi tập dày mấy trăm trang (các tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Việt từ nhiều thập kỷ nay), đủ thấy sức làm việc bền bỉ, sự nghiên cứu nghiêm túc, & công phu; nhất là việc đọc/tham chiếu tài liệu của những “bộ óc” thiên tài và vĩ đại biết nhường nào?
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc ta trong toàn bộ cuộc đời cách mạng của mình, bên cạnh những năm tháng hoạt động sôi nổi, đầy ý nghĩa đấu tranh cho độc lập dân tộc Việt Nam, cho hòa bình và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế (trong đó có 30 năm bôn ba ở nước ngoài) cũng dành nhiều thời gian cho việc học và tự học, đọc và nghiên cứu sách báo, tư liệu (để làm giàu thêm kiến thức, kinh nghiệm, làm phong phú thêm về lý luận và thực tiễn trong cuộc đời cách mạng của mình).
Mặc dầu Người vẫn luôn tự coi mình là nhà hoạt động cách mạng, nhà yêu nước, không phải là nhà lý luận như các bậc tiền bối: C. Mác, Ph.Ăngghen; V.I.Lê-Nin; song cho đến hôm nay, những tác phẩm kinh điển của Người (gồm 15 tập, mỗi tập dày hàng trăm trang) về những quan điểm, lý luận, bài viết, bài nói… của Người trong suốt gần 60 năm hoạt động cách mạng (nếu tính từ năm 1911, Người ra đi tìm đường cứu nước, đến năm 1969, Người ra đi vào cõi vĩnh hằng); đủ thấy Bác Hồ của chúng ta đã phải đọc bao nhiêu sách báo, tra cứu biết bao tư liệu (nhất là những năm tháng bôn ba hoạt động ở nước ngoài); để có được “Di sản – Tư tưởng Hồ Chí Minh” vĩ đại như hôm nay, mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam vẫn đang “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; để càng thêm trân quý những giá trị và tấm gương vĩ đại của một con người.
Có thể kể ra thêm một ví dụ minh họa: Nhà thơ lớn nước Nga A.X.Puskin (1799-1837), có kể lại rằng: Thủa nhỏ, ông thường thích đọc sách và lục lọi hàng giờ trong thư viện gia đình (gia đình ông là một gia đình quý tộc Nga, sống ở thủ đô Mátxcơva) với nhiều tác phẩm văn thơ của nước Nga và các nước châu Âu thời đó; đồng thời ông cũng thích dự nghe nhiều buổi đàm đạo văn chương, thơ phú của các bậc cha – anh trong các diễn đàn tại trang trại của gia đình.
Và A.X.Puskin cũng khẳng định rằng, những bài thơ nổi tiếng của ông và nhất là trường ca lớn như: Ebghenhi Onhegin của ông được làm sau này, có một phần nhờ những năm tháng ấu thơ ông ham đọc sách truyện và thơ ca trong thư viện gia đình mình.
Những cảm xúc tuyệt vời ấy đã ăn sâu vào ký ức, cộng với tài năng thiên bẩm và sự lao động kiên trì, bền bỉ, sáng tạo để nhân loại có được một nhà thơ vĩ đại của dân tộc Nga – “mặt trời của thi ca” Nga A.X.Puskin.
Chúng ta có thể kể ra đây nhiều câu chuyện chân thực, cảm động, khách quan của nhiều danh nhân nổi tiếng, thậm chí là công dân bình thường ở Việt Nam cũng như trên thế giới (ở nhiều lĩnh vực khác nhau), mà cuộc đời của họ, thành công của họ đã có sự hỗ trợ, giúp đỡ của sách – thư viện – tri thức – như những “túi khôn” của nhân loại trên mỗi chặng đường đời: lao động – sáng tạo – cống hiến cho xã hội, cho đất nước, cho cộng đồng.
Sẽ là không đầy đủ, nếu trong bài viết này chúng ta không đề cập đến vai trò của thư viện, sách và tri thức đối với việc sáng tạo các nền văn minh thế giới.
Đúng vậy, từ cổ chí kim, từ xa xưa đến nay, loài người đã biết chắt lọc tri thức, những tinh hoa và kiến thức cần thiết để tạo dựng nên những tuyệt tác, những công trình xây dựng, những đền đài, miếu mạo, nhà thờ, nhà chùa, các công trình kiến trúc mang tính biểu trưng, biểu tượng cho đương đại và cho các thế hệ sau.
Có thể khẳng định rằng, các nền văn minh nhân loại (bao hàm cả về vật chất và tinh thần) được hình thành từ xa xưa đến nay đều do con người xây đắp, tạo dựng, hình thành không chỉ bằng sức lực, tài năng, trí tuệ của biết bao người, mà phần lớn trong số đó có sự đóng góp của tri thức (như một năng lượng vô hình thông qua kinh nghiệm, sách vở nhiều thế hệ).
Để đến hôm nay, thế kỉ 21 này, loài người chúng ta còn biết được nhiều nền văn minh thế giới ở khắp các châu lục vừa vĩ đại, vừa lớn lao, như: 7 kì quan thế giới cổ đại và nhiều công trình kì vĩ ở trên hành tinh; cũng như những nền văn minh vĩ đại ở: Hi Lạp – La Mã cổ đại, Ai Cập cổ đại, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh; để đến hôm nay chúng ta vẫn ngưỡng mộ và vô cùng khâm phục (không chỉ bởi giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị khảo cổ to lớn, mà còn bởi 1 lẽ: làm thế nào mà ở thời điểm ấy, con người đã biết cách tạo dựng nên những nền văn minh như những kỳ quan thế giới?).
Chẳng hạn ở Việt Nam, có các Tháp Chàm ở Ninh Thuận ra đời cách đây hơn 7 thế kỉ, việc xây dựng những tòa tháp ấy đến bây giờ vẫn còn là bí quyết cho giới kiến trúc và xây dựng thế giới (bởi sự độc đáo của chất liệu xây dựng nên chúng, đó là gạch Chăm).
Gạch Chăm cũng làm từ đất sét như mọi loại đất khác, nhưng nó bí ẩn đến mức chúng ta không biết người nghệ sĩ Chăm xưa đã khắc tạc trực tiếp lên gạch sống hay gạch chín? Và các nghệ nhân đã dùng chất liệu gì để gắn hàng triệu viên gạch mỏng ấy với nhau, mà không bị vỡ).
Nhiều công trình và nền văn minh thế giới cho đến hôm nay chúng ta vẫn chưa hiểu hết bí quyết xây dựng những công trình đó (nếu biết rằng cách nay hơn 2000 năm, loài người chưa có máy móc, công cụ hiện đại để nâng/cẩu những viên đá nặng hàng chục tấn lên công trình…).
Rõ ràng chỉ có tri thức và hiểu biết, tài năng và trí tuệ của các công trình sư mới tạo ra những nền văn minh thế giới có ý nghĩa cho chúng ta hôm nay.
Sẽ là thiếu sót nếu không kể ra đây một câu chuyện quá khứ liên quan đến chủ đề bài viết này, đó là câu chuyện liên quan đến Thư viện Alexandria ở Ai Cập cổ đại.
Truyện kể rằng: Khoảng năm 290 TCN, pharaoh Ptolemy I cho xây “Museion”, trong đó có một viện đại học, một viện hàn lâm và thư viện Alexandria, với khoảng 400.000 cuộn (scroll) sách vào lúc bắt đầu hoạt động.
Người ta thường ghi rằng thư viện chỉ thực sự hoạt động dưới thời vua kế tiếp là Ptolemy II Philadelphus (285-246 TrCN). Vị vua này đã định chỉ tiêu 500.000 cuộn sách cho Thư viện.
Các ông vua Hy Lạp cai trị Ai Cập sau Alexander đều có thái độ nghiêm túc đối với học vấn và tri thức. Hàng thế kỷ họ ủng hộ công cuộc nghiên cứu và duy trì trong thư viện một môi trường làm việc dành cho các bộ óc xuất sắc nhất thời đại.
Thư viện bao gồm 10 gian phòng nghiên cứu lớn, mỗi gian dành cho một môn riêng biệt; ngoài ra còn có các đài phun nước và hàng cột; vườn thực vật; vườn thú; các phòng học phẫu thuật; một đài quan sát thiên văn; và một phòng ăn rất rộng để khi rỗi rãi, các nhà thông thái có thể tiến hành tranh luận gay gắt về các ý tưởng.
Trọng tâm của thư viện là sưu tập sách. Những nhà tổ chức đã rà quét mọi nền văn hóa và ngôn ngữ của thế giới thời đó. Họ cử các phái viên ra nước ngoài mua sách cho thư viện.
Các tầu buôn cập bến cảng ở Alexandria liền bị cảnh binh khám xét – không phải tìm hàng buôn lậu mà tìm sách. Các cuộn sách (làm bằng papyrus) được mượn, được sao chép (bằng tay) rồi trả lại cho chủ của chúng. Khó ước lượng được con số chính xác, nhưng có lẽ thư viện chứa tới nửa triệu tập sách, mỗi tập là một cuộn giấy cói papyrus chép tay.
Điều gì đã xảy đến với tất cả số sách ấy khi thư viện này đã bị hỏa hoạn vào năm 48 TCN. Tiếc thay, nền văn minh cổ điển do loài người sáng tạo nên-Thư viện Alexandria đã mất.
Chỉ có một phần rất nhỏ các cuốn sách thoát “chết”, cùng những mảnh rời rạc đáng thương. Những mảnh, những mẩu tan nát ấy mới thu hút chúng ta một cách trêu ngươi làm sao! Chẳng hạn, chúng ta biết rằng, trên giá sách thư viện từng có một tác phẩm của nhà thiên văn học Aristarchus ở Samos, người đã quả quyết rằng trái đất là một trong các hành tinh, trái đất cũng quay quanh mặt trời giống như những hành tinh kia, còn các ngôi sao thì ở rất xa.
Mỗi kết luận trên đều hoàn toàn đúng, nhưng chúng ta phải đợi gần 2.000 năm để phát hiện lại những điều ấy. Cảm giác mất mát của chúng ta đối với công trình của Aristarchus phải nhân lên 2.000 lần thì mới có thể đánh giá được mức độ vĩ đại của thành tựu mà nền văn minh cổ đại đã đạt được và thảm họa của sự phá hủy kia.
Ngày nay chúng ta đã vượt xa nền khoa học của thế giới cổ đại. Nhưng vẫn còn những chỗ trống không gì bù đắp được trong kiến thức lịch sử, thiên văn, vũ trụ của chúng ta.
Hãy hình dung những bí ẩn ấy có thể được giải quyết một cách dễ dàng, nếu chúng ta có thể mượn, đọc sách của thư viện Alexandria cổ đại kia? Chúng ta biết rằng có một cuốn lịch sử thế giới gồm 3 tập mà giờ đây đã thất lạc, do một tu sĩ Babylon tên là Berossus viết ra.
Tập đầu tiên đề cập đến giai đoạn từ Sáng thế đến nạn Hồng thủy, một khoảng thời gian mà tác giả ước lương là 432.000 năm, dài gấp khoảng trăm lần niên biểu trong Kinh Cựu ước. Và ta tự hỏi trong cuốn sách ấy có nội dung gì?
Thay cho lời kết, có thể khẳng định rằng, thông tin và tri thức, sách vở và thư viện đã xuất hiện cùng với loài người từ ngàn, hàng vạn năm trước. Khi con người biết tư duy, biết lao động để tạo ra của cải vật chất và hình thành nên nhà nước đầu tiên trên thế giới: Xã hội nguyên thủy; thì thông tin, tri thức đã xuất hiện để giúp con người cải tạo thiên nhiên, cải tạo xã hội, đồng thời thông, tin tri thức thông qua thư viện, sách vở được truyền qua các đời sau.
Việc đọc sách, tìm hiểu tri thức như 1 nhu cầu bản năng của loài người, để thỏa mãn nhu cầu thông tin tri thức, hiểu biết, khám phá thế giới; đồng thời phục vụ cho lao động, sản xuất, xây đắp những giá trị văn hóa – lịch sử có tính cộng đồng, đó là những nền văn minh thế giới.
Đó không chỉ là mục đích, mục tiêu vươn tới của loài người trên trái đất này; đó còn là thành quả vĩ đại của con người trong hành trình tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, xã hội. Đó cũng là quy luật sống và vận động của lịch sử, của xã hội loài người trong tiến trình phát triển.
Ngày nay trong thế giới đương đại, cùng với sự xuất hiện của công nghệ thông tin, máy tính điện tử, điện thoại di động, có nhiều người cho rằng văn hóa đọc đang bị lấn át bởi văn hóa nghe nhìn.
Bằng chứng là có nhiều thư viện đang thiếu vắng độc giả, lượng sách báo xuất bản bằng giấy đang thu hẹp về số lượng. Hằng ngày lớp trẻ đang chuyển sang sử dụng nhiều hơn những điện thoại thông minh, máy vi tính để đọc và tra cứu thông tin qua mạng.
Đó là những sự thật hiển nhiên, mặc dù thông tin và tri thức qua sách báo và thư viện vẫn tồn tại, vẫn là một kênh quan trọng giúp bạn đọc khám phá thế giới, tuy nhiên thông tin, tri thức qua mạng cũng đang là kênh quan trọng để cung cấp tri thức cho mỗi người dân trong xã hội.
Thú thực là người làm về thư viện, phục vụ văn hóa đọc ở Việt Nam đã hơn 30 năm, đôi lúc tôi cũng chạnh lòng khi thấy nhiều người ở Việt Nam ít có thói quen đọc sách báo, lại càng hiếm khi mua sách, thậm chí nhiều người còn thích khoe “tủ rượu”, “tủ giày”, mà trong nhà không có lấy một tủ sách hoặc giá sách.
Thậm chí có người cả năm không đọc hết một cuốn sách (vì lí do bận công việc và nhiều lí do khác nữa!). Cho nên tôi rất tâm đắc với câu nói của nhà chính trị – nhà hùng biện La Mã nổi tiếng Marcus Tulius Cicero (106-43 TCN) về vai trò của sách đối với đời sống con người: “Ngôi nhà không có sách như thân thể không có linh hồn”.
Người viết bài này đã có những năm tháng học tập ở Liên Xô cũ (những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, thế kỷ XX); khi đó tôi rất ngưỡng mộ người dân Nga, họ tranh thủ từng giờ để đọc sách báo trên tàu điện ngầm, trên xe buýt, ở công viên, nơi công cộng v.v…
Đôi lúc vào mạng máy tính, xem tin tức hiện nay, tôi cũng vô cùng khâm phục các dân tộc: Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Do thái… hiện nay họ vẫn có thói quen đọc sách trong lúc rảnh rỗi ở nhà ga, trên tàu điện ngầm, sân bay trong lúc chờ đợi (thay vì đọc tin tức trên điện thoại di động, trên Iphone, Ipad, trên máy vi tính như nhiều người Việt Nam).
Tôi cũng hi vọng và tin tưởng rằng: Người dân Việt Nam mình vốn là một dân tộc thông minh, cần cù, chịu khó, yêu lao động & ham hiểu biết; chúng ta sẽ thay đổi cách nghĩ, cách tư duy, đặc biệt là cách tiếp cận văn hóa đọc, nhất là xây dựng và phát triển thói quen đọc sách báo, bằng cả 2 cách (trên giấy và trên mạng Internet)-nhất là cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Điều này chúng ta không chỉ tự hào truyền thống yêu nước, về một nền văn hiến Việt Nam, văn hóa Việt Nam qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước; mà còn cần hơn những tri thức, hiểu biết, để xây dựng đất nước ta trong kỉ nguyên số, Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đep hơn”, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Ths. Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam
Nguồn: Kienthuc.net, đăng ngày 27/4/2021