Siddhartha hay Tất Đạt (được biên dịch sang tiếng Việt với tựa đề Câu chuyện dòng sông) là một cuốn tiểu thuyết mang tính cách ngôn của Hermann Hesse kể về hành trình tâm linh của một người Ấn Độ tên là Siddhartha trong thời đại của Tất-đạt-đa Cồ-đàm.
Cuốn sách, tiểu thuyết thứ chín của Hesse, được viết bằng tiếng Đức, trong một ngôn ngữ đơn giản nhưng có vần điệu. Sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1922, sau khi Hesse trải qua một thời gian ở Ấn Độ trong thập niên 1910. Sách được xuất bản ở Mỹ năm 1951 và trở nên có ảnh hưởng lớn vào thập niên 1960.
"Siddhartha" nghĩa là "người đã đạt được những mục đích của mình" hoặc "anh ta là người chiến thắng." Tên của Phật, trước khi xuất gia, là Hoàng tử Siddhartha Gautama (Tất Đạt Đa Cồ Đàm). Nhân vật chính Siddhartha trong cuốn sách không phải là Phật, mà Phật Thích Ca trong cuốn sách này được Hesse gọi là "Gotama" (Cồ Đàm).
Cuốn sách kể lại chuyện xảy ra ở Ấn Độ vào thời cổ đại vào khoảng thời gian của Phật (thế kỷ thứ 6 TCN). Truyện bắt đầu khi Siddhartha, con của một Brahmin, bỏ nhà ra đi để tham gia những nhà tu khổ hạnh cùng với người bạn thân là Govinda. Cả hai đều ra đi để tìm sự khai sáng. Siddhartha đã đi qua một chuỗi các thay đổi và tự nhận thức khi anh cố gắng đạt được mục đích này.