Bạn có thích thú với trải nghiệm được đắm mình trong một cuốn sách cũ? Câu hỏi này theo đúng nghĩa đen.
Nếu ai thích đọc sách và thường xuyên đọc sách, đôi khi có dịp cầm lên một cuốn sách cũ sẽ cảm thấy mùi sách cũ có gì đó khiến ta thấy xao xuyến lạ thường. Hóa ra, đó không phải một cảm xúc mơ hồ khó lý giải.
Thực tế, có lý do khoa học đằng sau hiện tượng này, giúp lý giải tại sao những trang sách cũ luôn có hương vị ngọt ngào đến vậy.
Mùi của những cuốn sách cũ là một dạng hợp chất hữu cơ bay hơi, nó tỏa ra từ những cuốn sách lâu năm, thực tế đây chính là quá trình… phân hủy của sách cùng với thời gian.
Những chuyên gia nghiên cứu của trường Đại học College London (London, Anh) đã thử trích xuất hợp chất hữu cơ này từ một cuốn tiểu thuyết cũ xuất bản hồi năm 1928 mà họ mua tại một hiệu sách cũ.
Những người tham gia thử nghiệm sẽ bị bịt mắt, rồi được yêu cầu ngửi những mùi trích xuất từ sách cũ cùng 7 thứ mùi khác, như mùi sôcôla, mùi cà phê, mùi chợ cá, mùi đồ vải để lâu… Các mùi này đều không được thông tin tới người tham gia thử nghiệm.
Sau đó, những người này được yêu cầu miêu tả lại mùi của những cuốn sách cũ. Không hề biết họ thực ra đang được ngửi những mùi gì, có tới hơn 1/3 trong số 79 người tham gia thử nghiệm miêu tả mùi sách cũ giống mùi sôcôla.
Mùi cà phê chính là sự liên tưởng thứ hai được liên hệ với mùi sách cũ. Nghiên cứu này đã vừa được trình bày trên chuyên san khoa học “Heritage Science”.
Người đứng đầu nghiên cứu – bà Cecilia Bembibre cho biết: “Bạn thường sử dụng những sự liên hệ thân thuộc để miêu tả những mùi mà bạn không thể gọi tên. Và mùi sôcôla hay mùi cà phê đều khá gần gũi với mùi sách cũ. Thực tế, hai mùi này đều có chứa những hợp chất vốn cũng xuất hiện trên những trang giấy cũ”.
Trong một thử nghiệm khác của nghiên cứu, các tình nguyện viên được yêu cầu miêu tả mùi của thư viện nằm trong nhà thờ chính tòa Thánh Paul (London, Anh). Lúc này, mùi của thư viện lâu đời được miêu tả khác với mùi của riêng một cuốn sách cũ. Những người tham gia thử nghiệm miêu tả mùi của thư viện giống như mùi gỗ hay mùi đất, gợi nhớ về thiên nhiên.
Như vậy, mùi sách cũ gợi nhắc tới những thức ẩm thực ngọt ngào, được ưa chuộng; mùi thư viện lâu năm gợi nhắc tới thiên nhiên; tất cả đều là những cảm nhận và trải nghiệm đẹp. Đó là lý do tại sao ngửi mùi sách cũ, ta lại thấy thích thú đến thế.
Trong tâm lý học, cảm nhận khứu giác vốn đã được biết tới như một cách để chạm tới những miền ký ức xa xăm. Vùng não cảm nhận khứu giác rất gần với trung khu ký ức, và vì vậy, chúng ta thường có những ký ức liên hệ với những mùi quen thuộc, đó là những ký ức rất mạnh mẽ trong mỗi chúng ta.
Thường khi ta ngửi thấy một mùi thân quen nào đó, thì đồng thời những ký ức cũng được đánh thức dậy. Giờ thì chúng ta đã có thể hiểu lý do tại sao mình thích được lật giở những trang sách cũ đến thế.
Bởi nó gợi tới mùi sôcôla ngọt ngào, mùi cà phê thơm nồng, những giây phút thảnh thơi đắm chìm trong trang sách, hay những lần được hòa mình vào thiên nhiên, với mùi rừng, mùi đất…
Và khi mùi sách cũ gợi liên tưởng như vậy, thì ta càng hiểu tại sao nếu được đọc một cuốn sách hay bên tách cà phê hay thanh sôcôla, trải nghiệm ấy lại tuyệt vời đến thế. Và sẽ càng tuyệt vời hơn nếu bạn được ngồi trong một căn nhà gỗ bên trong một cảnh rừng, phải không?