Tiểu thuyết "Thời xa vắng" của Lê Lựu, ra đời năm 1986, được xem là bước ngoặt lớn của nền văn học Việt Nam.
Nhà văn Lê Lựu qua đời ở tuổi 80 sau nhiều năm chống chọi bệnh tật, để lại tiếc thương trong lòng bạn bè văn đàn và các thế hệ độc giả. Nhiều người nhắc đến tiểu thuyết Thời xa vắng - tác phẩm nổi tiếng sự nghiệp của ông.
Ông Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận định: "Thời xa vắng là bước ngoặt lớn của nền văn học nước nhà. Tác phẩm truyền tải thông điệp con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ, chứ không phải sống bằng những giá trị của người khác".
Tiểu thuyết ra đời năm 1986, xoay quanh cuộc đời của Giang Minh Sài - anh nông dân học giỏi, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, Sài chịu nhiều áp lực, buộc phải làm theo những điều mà gia đình cho là tốt nhất. Khi mới 12 tuổi, Sài bị bố mẹ ép cưới Tuyết - cô gái hơn mình ba tuổi. Anh sống ngột ngạt, như một con rối vì không có tình cảm với vợ. Mọi thứ thay đổi khi Sài gặp Hương - cô gái anh yêu thực sự. Sài bỏ vào miền Nam theo tiếng gọi của tình yêu.
Khi hòa bình, Sài ly hôn Tuyết và kết hôn với Châu - một người yêu khác. Tuy nhiên, bi kịch xảy ra khi anh phát hiện con gái Giang Minh Thùy không phải là con đẻ, mà là cốt nhục của Châu và tình cũ. Cuối cùng, anh chọn trở về quê hương.
Thời xa vắng là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Lê Lựu, mở đầu cho văn học thời kỳ Đổi mới, theo giới chuyên môn. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định sau năm 1945, văn chương không có nhiều chuyển biến, chủ yếu xoay quanh đề tài về chiến tranh, lý tưởng cách mạng. Các tác phẩm thường xây dựng hình ảnh tập thể, một nhân vật chung chung, không có tên gọi, hình hài, số phận. Đến năm 1986, bắt đầu công cuộc đổi mới, với Giang Minh Sài trong Thời xa vắng, Lê Lựu thành công trong việc viết về thân phận con người cụ thể, đi sâu vào nội tâm của họ.
Nhà văn đặt nhân vật trong bối cảnh chiến tranh, thời kỳ bao cấp, những quan niệm cũ, hủ tục... khiến họ không được sống là chính mình, cuộc đời đầy rẫy bi kịch. Khi nhận ra cuộc hôn nhân với Châu là sai lầm, Giang Minh Sài nói: "Nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có, đến bây giờ mới biết mình như thế nào thì lại...".
Ông Phạm Xuân Nguyên nói: "Giang Minh Sài từ tên nhân vật, được xem như một tính từ nói về thân phận con người một thời, không được làm chủ số phận, không được sống thật với chính mình. Đó là chiều sâu của tác phẩm, là sự xuất sắc của Lê Lựu".
Nhà văn Uông Triều cho rằng tác phẩm có giá trị văn học và lịch sử quan trọng, tựa gạch nối để các nhà văn Việt Nam có bước chuyển mình kể cả về nhận thức và cách viết. Tiêu biểu như bộ ba tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1991: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng).
Nhà văn Bích Ngân cho biết khi ra mắt, Thời xa vắng tạo ra một "tiếng sét trên cánh đồng chữ nghĩa vốn khá cằn khô và báo hiệu một thời tiết khác cho mùa màng văn chương". Tiểu thuyết gây tiếng vang lớn, vượt quá sức hình dung của Lê Lựu. Xét về nghệ thuật, tác phẩm có lối viết cũ, diễn biến câu chuyện chậm, phần một và hai không liền mạch. Cốt truyện không ly kỳ, không có nhân vật phản diện. Tuy nhiên, khi đọc, độc giả sẽ bị cuốn hút như "đánh bùa ngải" và thấy phảng phất chút ít bóng dáng của mình trong nhân vật Sài.
Phạm Xuân Nguyên cho biết khi cùng bạn bè văn chương bàn về "Tác phẩm có sức ảnh hưởng, đột phá", họ đều chọn Thời xa vắng. Câu chuyện, bối cảnh trong sách tưởng như ở một thời đã xa, nhưng đến nay vẫn còn hiện hữu. Uông Triều cũng xét tác phẩm vào danh sách "10 cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của thế kỷ 20".
Nhiều bạn văn cho rằng tiểu thuyết viết từ chính cuộc đời ông. Những người quen biết Lê Lựu đều thấy bóng dáng ông in đậm trên trang sách. Thi thoảng, có người nhầm ông với Sài, gọi ông là "anh cu Sài". Bích Ngân từng có thời gian học với nhà văn tại Trường Viết văn Nguyễn Du. Bà kể được ông chia sẻ về thân phận của nhân vật, cũng là thân phận của chính ông, một người nông dân hiền lành, cầm súng ra chiến trường, chưa kịp sống, chưa kịp yêu thương lại phải đối mặt với chiến tranh, cái chết.
"Ông viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời", Phạm Xuân Nguyên nói.
Từ khi ra mắt đến nay, tiểu thuyết được tái bản nhiều lần, từng đoạt giải A Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990. Năm 2021, Thời xa vắng được tái bản lần nữa. Đại diện Sbook - đơn vị phát hành - cho biết tác phẩm nằm trong top sách văn học Việt Nam bán chạy nhất. Tiểu thuyết cũng được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 2003, do Hồ Quang Minh đạo diễn. Phim được công chúng yêu mến, đoạt giải Cánh Diều Bạc (không có Cánh Diều Vàng) của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005.
Uông Triều nhận xét: "Dù đã ra mắt mấy chục năm rồi, Thời xa vắng vẫn còn nguyên giá trị về văn học, lịch sử và sự hấp dẫn với công chúng. Tác phẩm sẽ còn tiếp nối đến nhiều thế hệ".