Nguyễn Duy Cần (1907-1998), hiệu Thu Giang, là một học giả, nhà văn, nhà biên khảo và trước tác kỳ cựu vào bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20. Ông làm nghề viết sách, dạy học, lương y, nghiên cứu Đạo học, Kinh Dịch, với các biệt hiệu: Thu Giang, Hoàng Hạc, Bảo Quang Tử… Ông sống cùng thời với các học giả và nhà văn như: Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Hoàng Xuân Việt, Phạm Cao Tùng… Ông nổi bật không chỉ về số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở độ sâu học thuật và sức ảnh hưởng về mặt tư tưởng đến các tầng lớp thanh niên trí thức của ông.
Nguyễn Duy Cần không có bằng cấp cao, ông chỉ tốt nghiệp bằng Thành chung (học hết lớp 9, tương đương tốt nghiệp cấp 2 bây giờ), nhưng nhờ được cha dạy dỗ cùng với công tự học của mình mà ông trở thành giáo sư của những trường đại học danh tiếng thời bấy giờ (trong lời đề của mỗi cuốn sách cụ đều cảm ơn và dành tặng cuốn sách cho người cha của mình, như trong lời đề tựa cuốn “Lão Tử tinh hoa“, cụ viết: “Kính tặng hương hồn thân phụ để nhớ lại những đêm dài mà cha đã giảng cho con nghe về lẽ Đạo”).
Trong các sách của mình, Thu Giang Nguyễn Duy Cần chú ý đến mục đích đào tạo văn hóa và bản lĩnh ứng xử cho các tầng lớp thanh niên hiếu học. Những tác phẩm như “Cái dũng của thánh nhân”, “Thuật xử thế của người xưa”… cũng là một cách để ông có thể hướng dẫn cách giữ sự bình tĩnh phi thường cho từng cá nhân tránh bị ảnh hưởng xô đẩy của mọi luồng tư tưởng hỗn loạn. Mẫu người trong “Cái dũng của thánh nhân” là một con người điềm đạm nhưng có đủ dũng khí và bản lĩnh đối diện với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Quyển sách này đã gây được tiếng vang lớn trên văn đàn.
Với sự am tường và thẩm thấu sâu sắc hệ tư tưởng triết học Đông phương, ông đã đưa vào trong các tác phẩm cách ứng xử khôn ngoan, sự bình tĩnh chuộng phẩm chất hơn chuộng số lượng, luôn lấy cái gốc vững vàng cho mọi công cuộc phát triển của cá nhân và xã hội. Các tác phẩm đào tạo tri thức cho thanh niên được Thu Giang – Nguyễn Duy Cần lần lượt cho ra đời như: Óc sáng suốt, Tôi tự học, Thuật tư tưởng, Thuật xử thế của người xưa, Tinh hoa Đạo học Đông Phương, Một nghệ Thuật Sống…Trong các tác phẩm hầu hết được trình bày đan xen các ứng dụng vào cuộc sống của nền Đạo học Phương Đông, ông chủ trương dùng Nhu thắng Cương, dùng trí hơn dùng sức…
Sinh thời, ông viết khá nhiều sách, chủ yếu là sách biên khảo, nghệ thuật sống (thời đó gọi là sách “Học làm người”) và Đạo học phương Đông. Các tác phẩm của ông được viết ra không phải với mục đích “sống bằng ngòi bút” mà với ông một tác phẩm ra đời nó phải từ một đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nó đang thiếu thốn, nhân sinh đang đợi chờ. Điều đáng tiếc là có nhiều tác phẩm của ông chưa được công bố, bị thất lạc hoặc chưa được hoàn thành. Mặc dù vậy, những tác phẩm đã xuất bản của ông thường được tái bản nhiều lần và luôn được các thế hệ bạn đọc đón nhận.
Theo thống kê chưa đầy đủ, các tác phẩm đã xuất bản của ông bao gồm:
- Duy tâm và duy vật (1935)
- Toàn chân (triết luận) (1936)
- Thanh dạ Văn chung (1939)
- Cổ nhân (1940)
- Thuật tư tưởng (1940)
- Cái dũng của Thánh nhân (1951)
- Óc sáng suốt (1952)
- Thuật tư tưởng (1953)
- Thuật xử thế của người xưa (1954)
- Trang Tử tinh hoa (1956)
- Lão Tử tinh hoa (1963)
- Văn minh Tây phương và Đông phương (1957)
- Tôi tự học (1959)
- Thuật Yêu đương (1961)
- Lão Tử Đạo đức Kinh (1960) (dịch với lời bình và nguyên văn đối chiếu).
- Một nghệ thuật sống (1960)
- Cái cười của Thánh nhân (1970)
- Tinh hoa Đạo học Đông phương (1972)
- Phật học tinh hoa (1965)
- Nhập môn Triết học Đông phương (1971)
- Văn hóa Giáo dục miền Nam Việt Nam (1970)
- Trang Tử Nam hoa kinh (1963) (dịch với lời bình và nguyên văn đối chiếu).
- Dịch học tinh hoa (1973)
- Để trở thành nhà văn (1968)
- Chu Dịch huyền giải (1975)
- Dịch Kinh tường giải (2014)
- Tử vi bí kiếp
- Thiền đạo Tinh Hoa
- Hà Đồ Lạc Thư và Dịch Tượng Luận
- Thuật dưỡng sinh theo Đạo học Đông Phương
- Đông Phương y học bí truyền
SÁCH CŨ GIA ĐÌNH tổng hợp từ wikipedia