Con người ta sống không phải vì tiền, nhưng con người cũng không thể sống mà không có tiền. Hàng ngày, con người cặm cụi làm việc để kiếm tiền; rồi lại dùng tiền để phục vụ cho cuộc sống. Cái vòng tưởng như luẩn quẩn ấy cứ bám riết lấy con người cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Nhưng cũng lại chính nhờ cái chu trình ấy mà con người mới có thể phát triển. Do có vai trò to lớn như vậy nên đồng tiền ngoài cuộc đời đã đi vào tác phẩm văn học như là một đề tài hết sức quen thuộc. Nhà văn Mĩ Paul Loup Sulitzer đã sáng tác hẳn một bộ tiểu thuyết gồm hai tập với nhan đề “Tiền” để nói về cái sự được mất của con người trong cái vòng luẩn quẩn sống để kiếm tiền và kiếm tiền để sống ấy.
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết này là Frank Cimballi, một thanh niên 19 tuổi, con của một tỉ phú chỉ biết có ăn chơi. Bỗng một ngày nọ, anh ta rơi vào một hoàn cảnh hết sức bi đát: bố mẹ chết hết, người yêu tự sát, gia tài tiền tỉ bị cưỡng đoạt sạch trơn. Trong tình trạng trắng tay và bơ vơ ấy, anh ta bị đẩy đến đất nước Kenya của châu Phi xa lạ để kiếm sống. Điều kì diệu là chỉ hai năm sau đó, Cimballi đã trở thành một triệu phú trẻ, có biệt thự bên bờ Địa trung hải và cưới được vợ. Bằng những mánh lới của một tay giỏi kiếm tiền, anh ta đã đánh gục nhiều đối thủ trên thương trường. Nhưng rồi đến lượt mình, Cimballi lại bị gục ngã do sập bẫy của những đối thủ khác. Từ đỉnh cao của một triệu phú, anh ta lại trở thành kẻ trắng tay và rớt thẳng xuống vực thẳm.
Câu chuyện nghe qua thì tưởng là đơn giản như vậy nhưng với lối kể chuyện được tạo dựng bởi rất nhiều gay cấn của nhà văn Sulitzer, Tiền đã trở thành một cuốn tiểu thuyết hết sức lôi cuốn người đọc bởi sự hấp dẫn đến từng chi tiết của nó. Tuy nhiên, điều đầu tiên làm cho Tiền hấp dẫn lại là ở cái đề tài rất lạ lùng của nó. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học thế giới có hẳn một bộ tiểu thuyết viết chuyên về đồng tiền và các mánh lới để kiếm tiền thông qua các hoạt động kinh doanh, hay nói nôm na là cách làm giàu bằng mọi thủ pháp kiếm tiền, mà biện pháp chủ yếu là lừa lọc nhau, chà đạp lên nhau để kiếm tiền.
Cái hay của bút pháp Sulitzer trong tiểu thuyết Tiền là mặc dù viết về đồng tiền nhưng ông không hề có một chút triết lí nào từ nó, như nhiều nhà văn khác đã viết; mà để cho tự thân các chi tiết sự kiện dày đặc trong cuốn sách nói lên ý nghĩa nhân sinh của nó.
Ở Việt Nam cũng như ở trên khắp thế giới này, ngay cả trẻ con cũng thuộc câu định nghĩa: Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già…
Cũng với cái mạch tư duy ấy, Sulitzer trong tác phẩm của mình, chỉ nói ngắn gọn: Tiền, niềm vui sướng và cũng là sự bất hạnh của loài người.
Với chàng trai trẻ Cimballi, chỉ vì đồng tiền mà anh đã đã đánh mất cả tuổi thanh xuân của mình. Ngay cả tình yêu cũng chỉ là một phương tiện để kiếm tiền. Và như thế, cuốn sách còn nêu lên một kết luận khác: Khi đồng tiền trở thành mục đích của cuộc sống thì tình cảm không còn chỗ đứng trong đời sống con người.
Ngay ở chương đầu tiên của cuốn sách: Cơn say dữ dội và vui, tác giả đã kể lại một cách sinh động câu chuyện gia đình của nhân vật chính Cimballi: Khi là tỉ phú, tiền đã cho anh ta có tất cả mọi lạc thú ở trên đời này; khi bị phá sản, tiền đã lấy đi tất cả. Và vì thế mà có khi đi suốt cuộc đời mình, mỗi con người ngày ngày vẫn sống, vẫn loay hoay kiếm tiền bằng đủ mọi cách, mà có thể không mấy khi nghĩ đến mục đích cuộc đời của mình là gì, mình sống để làm gì.
Nếu bị rơi vào hoàn cảnh ấy, bạn hãy tìm đọc cuốn sách này để tỉnh trí lại và từ đó tìm cách điều chỉnh cuộc sống của mình.
Trước khi đưa độc giả bước vào những biến cố của các nhân vật, Sulitzer đã viết một cách khái quát:
Tiền! “Make money”
Làm giàu
Vừa là nghệ thuật
Vừa là niềm say mê
Không liên quan đến tiền
Là không ngừng tìm kiếm
Cái không thể đạt tới
Quay cuồng trong vũ khúc trớ trêu
Xa cách và tuyệt vọng
Trước thời gian
Đó là một sự tóm tắt đầy đủ toàn bộ nội dung, ý nghĩa tiểu thuyết Tiền của Sulitzer.
Trước khi viết cuốn sách này với tư cách là một nhà văn, Sulitzer đã là một chuyên gia cỡ lớn, đứng ở vị trí hàng đầu trong hoạt động kinh doanh. Ông có bằng tiến sĩ kinh tế học, từng làm chuyên viên tài chính quốc tế, tư vấn cho nhiều công ty lớn. Nhờ thế mà ông đã biết rất rõ gan ruột của giới kinh doanh, nắm được tối đa những lắt léo, những điều bí mật mà chỉ người trong cuộc mới biết. Điều này làm cho những gì mà Sulitzer đã viết ra có một sức thuyết phục rất lớn và có sức hấp dẫn lạ lùng với bạn đọc khắp thế giới.
Tuy nhiên bạn cũng đừng vì thế mà quên rằng đây là một cuốn tiểu thuyết tâm lí xã hội, một bức tranh toàn cảnh của thời hiện đại được thu nhỏ. Tất cả chỉ để nói lên sự phát triển như vũ bão của xã hội thời hiện đại, của tốc độ dịch chuyển cũng như sức mạnh ma quái của đồng tiền với tất cả lí tưởng, tình yêu, hạnh phúc, và khổ đau của con người.