Văn hóa đọc, nhìn từ một cuộc thi

Thực trạng văn hóa đọc của người Việt Nam hiện nay đáng báo động. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng: Một người Việt Nam đọc một cuốn sách/1 năm. Trong bối cảnh đó, một tờ báo ở Hà Nội tổ chức cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”, đến nay đã bước sang năm thứ mười. Điều mọi người quan tâm nhất là cuộc thi này đã mang lại kết quả khả quan nào trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa đọc? Báo cáo tổng kết cuộc thi lần thứ 8 chỉ rõ: “Thế giới quan các em đã thay đổi, suy nghĩ của các em đã khác sau khi gặp được cuốn sách nói đúng tâm trạng của mình, khơi dậy niềm hứng khởi cuộc sống, kích thích các em bước vững vàng hơn trên con đường hướng tới tương lai”.

Trong “phong trào thi” hiện nay, có thể nói, ít có cuộc thi nào tạo sức lan tỏa, hấp dẫn như cuộc thi “Viết về cuốn sách em yêu thích”. Có thể nói đây là sáng kiến văn hóa, sáng kiến giáo dục, sáng kiến tuyên truyền. Xin dẫn một ví dụ: Nhìn vào danh sách học sinh đoạt giải 2018 cuộc thi “Viết về cuốn sách em yêu thích” chúng ta sẽ thấy vấn đề gì căn cơ của văn hóa đọc. Thật đáng mừng khi các thí sinh đã say mê đọc sách truyền thống lịch sử, văn hóa, văn học dân tộc. Ai đó nói, học sinh ngày nay chỉ thích đọc truyện tranh Nhật Bản, thích hát bài hát tiếng Anh hơn bài hát tiếng Việt là không đúng. Em Lê Phương Hoa (học sinh lớp 10A1, Trường THPT Yên Định I, Thanh Hóa), thí sinh đoạt giải Nhất cuộc thi, đọc tác phẩm Mãi mãi tuổi 20 của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã viết: “Hãy đọc cuốn sách để từ đó ta biết trân trọng hơn cuộc sống ngày hôm nay, sống sao cho xứng đáng với công sức mà cha anh đã đổ xuống, sống để viết tiếp những khúc tráng ca hào hùng của đất nước, của dân tộc”. Trong Báo cáo tổng kết, có một ý được nhiều người quan tâm: “Cuộc thi đã trở thành những kỷ niệm đẹp, thành hành trang để các bạn bước vào cuộc sống tốt đẹp hơn”. Rõ ràng, lứa tuổi học trò là lứa tuổi thiên thần, trong sáng, tươi đẹp, rực rỡ nhất trong một đời người. Như thế, cuộc thi đã vượt ra ngoài khuôn khổ một cuộc thi bình thường vì nó truyền cảm hứng sống tích cực, nó trở thành hành trang tinh thần và vốn liếng văn hóa cho các em vào đời một cách tự tin, vững vàng. Nhờ đọc sách mà các em trở nên thông minh hơn, nhân ái hơn, độ lượng hơn và ứng xử có văn hóa hơn.

Phát biểu với tư cách Trưởng ban Giám khảo (trong cuộc thi lần thứ 8), nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn cách nói đầy sự chia sẻ, động viên các em học sinh tham gia dự thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”. Ông nói rất thật về cảm xúc ban đầu của mình khi đọc những bài đã được sơ tuyển “Liệu có phải của các em viết?”. Nhưng càng đọc ông càng nhận ra đó chính là câu chữ của các em, chứ không phải của ai khác. Không có cái gọi là “cầm tay chỉ việc” như trong hành chính sự vụ. Điều khiến nhà thơ quan tâm và hứng khởi nhất khi tham gia Ban Chung khảo là: “Các em học sinh đã biết chọn sách hay để viết và viết hay về nó”. Bằng kinh nghiệm của bản thân, ông cho rằng điều quan trọng nhất của cuộc thi là “nuôi dưỡng cảm hứng đọc”, từ đó “bồi dưỡng năng khiếu văn chương”, tiến thêm một bước cao hơn nữa là “gìn giữ tài năng văn chương”.

Hà Nội, 5.2021

 Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG

Nguồn: Báo văn hóa điện tử, đăng ngày 21/5/2021