Vũ trung tùy bút (chữ Hán: 雨中隨筆, nghĩa là Tùy bút trong mưa) của danh sĩ Phạm Đình Hổ (1768-1839) là một tập truyện bằng chữ Hán, theo thể loại ký nổi tiếng tại Việt Nam.
Vũ trung tùy bút, hiểu theo nghĩa tùy theo ngọn bút viết trong khi mưa, được viết khoảng thời Lê mạt Nguyễn sơ, ghi lại nhiều sự việc xảy ra vào cuối đời Lê và đời Tây Sơn.
Tuy Phạm Đình Hổ gọi tác phẩm của mình là tùy bút, nhưng nó không phải được viết theo lối tùy bút bây giờ, mà với nghĩa nôm na là "muốn viết cái gì thì viết, không cần hệ thống, kết cấu và mạch lạc". Và trong 90 (tính luôn bài Tự thuật) truyện dài ngắn, không được tác giả sắp xếp theo thể loại; theo Dương Quảng Hàm có thể phân ra làm bảy loại sau:
- Tiểu truyện các bậc danh nhân: Phạm Ngũ Lão, Lý Đạo Tái, Truyện vua Lê Lợi, Đoàn Thượng,...
- Ghi chép các cuộc du lãm, những nơi thắng cảnh: Cảnh chùa Sơn Tây, Đền Đế Thích,...
- Ghi chép các việc xảy ra ở cuối đời Lê: Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, Cuộc bình văn trong nhà Giám,...
- Khảo cứu về duyên cách, địa lý: Thay đổi địa danh, Xứ Hải Dương, Xứ Đường An, Tên làng Châu Khê,...
- Khảo về phong tục: Hoa thảo, Cách uống chè, Nón đội, Mẹo lừa, Trộm cắp, Thần trẻ con, Tệ tục, Thần hổ,...
- Khảo về học thuật: Học thuật, Lối chữ viết, Bàn về âm nhạc, Các thể văn,...
- Khảo về lễ nghi: Lễ tế giao, Lễ nhà miếu, Lễ sách phong,...
- Khảo cứu về điển lệ: Khoa cử, Phép thi, Quan chức,...