Trung Quốc vẫn được xem là một trong những quốc gia có bề dày văn hoá lịch sử thuộc tầm bậc nhất trên thế giới. Lịch sử hiện đại Trung Quốc trong thế kỷ XX không có những tác phẩm kinh điển như Tam Quốc Chí hay Sử ký Tư Mã Thiên ghi chép lại mà chỉ được phản ánh trong hàng loạt các tác phẩm miêu tả chân dung các nhân vật từng làm mưa làm gió trên chính trường, cùng với các mối quan hệ chính trị phức tạp trong từng giai đoạn nhất định. 28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc là một trong số những tác phẩm đó, tập hợp 4 câu chuyện nổi tiếng: Cuộc cờ thế kỷ (Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch); Đặng Tiểu Bình ba lần vào ra Trung Nam Hải; Chu Ân Lai khi Người rời khỏi Thánh đàn và 28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc. Quyển sách điểm qua lịch sử Trung Quốc đầy cam go sóng gió sau giai đoạn Thế chiến thứ hai, chủ yếu tập trung về các mối quan hệ giữa Mao Trạch Đông với Tưởng Giới Thạch, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình và Giang Thanh... *** Cách mạng Tân Hợi - 1911 - đã lật đổ chế độ phong kiến hàng ngàn năm ở Trung Quốc, thay bằng một nền Cộng hoà. Tôn Trung Sơn - người đề xướng chủ nghĩa Tam dân (Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc) sớm qua đời để lại lời di chúc “Cách mạng thượng vị thành công, đồng chí nhưng tất nỗ lực (Cách mạng còn chưa thành công, đồng chí vẫn phải nỗ lực). Đảng Cộng sản và Mao Trạch Đông, Đảng Quốc dân và Tưởng Giới Thạch, mỗi bên, mỗi người đều nỗ lực theo một phương hướng riêng của mình, lắm lúc cùng hợp tác, nắm tay nhau trên con đường Bắc phạt, kề vai sát cánh chung chiến hào kháng Nhật, nhưng trên toàn cục là đấu tranh, là nội chiến, bên này tư tưởng Mao Trạch Đông, bên kia chủ nghĩa Tưởng Giới Thạch, chính trường Trung Quốc không lúc nào lặng cơn bão táp. Năm 1949, lịch sử chọn Đảng Cộng sản, lịch sử chọn Mao Trạch Đông, Trung Quốc mới với nền Cộng hoà Nhân dân ra đời, Đảng Quốc dân, Tưởng Giới Thạch vượt biển cố thủ trên đảo Đài Loan và vẫn giữ tên gọi Trung Hoa Dân Quốc.
Ngoài kia, Tưởng chấn hưng kinh tế, biến Đài Loan trở thành “con rồng nhỏ”. Trong này, Mao cải cũ xây mới với 3 ngọn cờ hồng - Đường lối chung, Công xã nhân dân, Đại nhảy vọt - và Cách mạng văn hoá kéo dài hơn 10 năm. Về sau Đặng Tiểu Bình đề xướng cải cách, Mở cửa, nỗ lực chuyển sang một phương hướng mới, giai đoạn mới, thực hiện Bốn hiện đại, xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc và quyết tâm thống nhất đất nước cho dù phải “nhất quốc lưỡng chế”. Chưa có một tác giả nào đủ sức thâu tóm tình hình trên đất nước Trung Hoa non thế kỉ qua để dựng nên những thiên truyện tầm cỡ tỉ như Sử kí Tư Mã Thiên hay Tam Quốc Chí, nhưng hàng loạt pho sách miêu tả các nhân vật, các thời kì, các cơn bão trên chính trường Trung Quốc trước và sau năm 1949 thì đã và đang dồn dập ra đời, lần theo thâm cung, giở trang bí sử, lọt giữa tường hồng... mà lâu nay vẫn tò mò muốn biết, ngõ hầu dĩ cổ vi kim, để có được một bài học nên tránh, nên theo. Trung Quốc đất rộng người đông, văn liệu, sử liệu mênh mông như biển cả, người viết thì sức có hạn, nên chỉ dám chọn vài ba quyển đọc, dịch và viết thành dăm ba bài đăng in đây đó, nay nhờ Nhà xuất bản Mũi Cà Mau tập hợp nên một cuốn sách bao gồm 4 phần: Cuộc cờ thế kỉ, Đặng Tiểu Bình ba lần vào ra Trung Nam Hải, Chu Ân Lai - khi người rời khỏi thánh đàn và Hai mươi tám ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc, giới thiệu đôi điều về các nhân vật phong vân trên chính trường Trung Quốc, những mong gửi đến bạn đọc. Cũng xin được nhận lời chỉ giáo.