Gỗ đẽo tượng được kéo về dựng tại nghĩa địa của làng, bên cạnh ngôi nhà mồ sắp bỏ mả, trước khi đẽo tượng mồ, người Gia rai có cúng thần nhà rông (yang rôông), thần bến nước (yang ia), xin phép đẽo tượng mồ cho người chết ở trong làng, lễ cúng thường được mổ lợn làm vật hiến sinh. Dụng cụ đẽo tượng hữu hiệu và thông dụng nhất là chiếc rìu (jong), dụng cụ có một đầu lưỡi sắc, một đầu lưỡi tù, cán được tra bằng một thanh gỗ dài. Một loại dụng cụ nữa là cây chà gạc (loại dao đa năng thông dụng của người Gia rai) dùng để sửa lại các chi tiết trên mặt tượng.
Trong thời gian gần đây phong cách tượng nhà mồ thay đổi, kèm theo đó là những biến đổi về kỹ thuật đẽo tượng. Từ phong cách truyền thống chỉ sử dụng mảng khối trên một thân gỗ cố định, không quan tâm đến thể hiện chi tiết tỷ mỉ, chuyển sang xu thế hiện đại thiên về tả thực, gọt đẽo các chi tiết; loại tượng cũng đa dạng hơn trước, mất đi tính mộc mạc nguyên sơ của kiểu tượng truyền thống. Người Gia rai thường đẽo tượng tại khu nghĩa địa, kề ngay sát ngôi nhà mồ chuẩn bị dựng làm lễ bỏ mả. Trong quá trình đẽo tượng người có kinh nghiệm hơn truyền đạt kỹ thuật, kỹ năng và cách thức đẽo tượng cho người ít kinh nghiệm. Họ không hề giữ bí quyết nào trong cách truyền nghề tạc tượng, những bức tượng đẹp phụ thuộc vào “hoa tay” và óc thẩm mỹ của người đẽo tượng. Đẽo tượng thường theo nguyên tắc nhất định, một bức tượng khi hình thành, ngoài việc phản ánh nghệ thuật điêu khắc dân gian, truyền tải những thông tin mang tính chất xã hội của cộng đồng người Gia-rai, về kết cấu phải đảm bảo tính vững chắc của hàng rào nhà mồ. Vì mỗi cột tượng sẽ đóng vai trò là một trong những cột chính trong hàng rào, để giữ hàng rào chắc chắn bao quanh nhà mồ. Do vậy khi đẽo tượng bao giờ người Gia-rai cũng chủ động tạo ra một khe hở rộng giữa hai chân của bức tượng hình người, khe hở giữa chân và đuôi tượng chim, khe hở giữa hai chân trước và hai chân sau của tượng thú bốn chân. Khe hở đó là nơi xuyên một thanh gỗ dài chạy qua, giống như hệ thống mộng giằng để giữ tất các cột tượng với nhau, và giữ các cột phụ chôn sát cột chính liên kết tạo thành hàng rào.
Những bức tượng mồ Gia rai, về mặt nghệ thuật gần với mỹ thuật nguyên thuỷ, có rất nhiều điểm giống với các đặc trưng nghệ thuật từ thời cổ đại của các thị tộc, bộ lạc trên hầu khắp thế giới. Để làm cho bức tượng mồ trở nên ấn tượng, người Gia rai còn sử dụng đến màu sắc để trang điểm. Màu sắc là một trong những yếu tố cơ của nghệ thuật điêu khắc làm nổi rõ hơn khuynh hướng đa dạng trong tạo hình tượng mồ. Trong bảng màu tự nhiên của người Gia rai có đầy đủ các sắc màu: vàng, đen, trắng, đỏ, xanh… các sắc màu này được lấy ngay từ thiên nhiên trong môi tường sống của họ. Từ màu sắc y phục đến màu sắc trên các công trình mang tính chất tôn giáo, người Gia rai thiên về dùng màu đỏ, đây là màu chủ đạo, được sử dụng vẽ hoa văn trên mái nhà mồ, tô điểm cho các hoa văn được đục thủng trên nóc mái… Màu đỏ được tạo ra bằng cách lấy chất bột của một loại đá non (khor) rồi hoà với nhựa của cây po-pẹ để tạo thành thể keo có màu đỏ nhạt, bút vẽ cho tượng là những thanh tre đập dập
Nghệ thuật tượng mồ còn bắt nguồn từ bản thân sự sống động của mỗi bức tượng. Hầu hết các bức tượng đều diễn tả các trạng thái động của con người. Người Gia rai khi tạc tượng đã làm cho cho từng bức tượng trở nên sinh động như có hồn. Khi tham dự lễ bỏ mả của người Gia rai, được chiêm ngưỡng tượng mồ sẽ chúng ta có cảm giác như mình đang có mặt tại chính buôn làng của họ với các hoạt động quen thuộc của con người diễn ra trong lễ hội bỏ mả. Nghệ thuật chính là đem đến sự gần gũi thân thuộc của cuộc sống đời thường vào trong tác phẩm một cách tự nhiên.
Theo quan niệm của người Gia rai và Ba na thì người chết có linh hồn biến thành ma (atâu). Sau khi chết, linh hồn cứ lẩn quất gần nơi chôn, lưu luyến với cuộc sống dương thế, không siêu thoát được. Người thân hàng ngày phải mang cơm nước đến, quét dọn nhà mả, gọi là thời kỳ giữ mả. Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả thì linh hồn mới được siêu thoát, trở về với thế giới bên kia một cách nhẹ nhàng, không còn lưu luyến gì với cuộc sống trước đây, mà người sống cũng yên tâm trở về làm ăn với ý nghĩ hồn ma đã yên nghỉ, không còn lẩn quất và quấy phá dương gian.
Trước lễ bỏ mả vài chục ngày, người Gia rai và Ba na vào rừng chọn cây gỗ tốt để dựng nhà mồ. Nhà mồ được xây dựng tập thể, người già có nhiều kinh nghiệm thì chịu trách nhiệm trang trí mỹ thuật, còn thanh niên trai tráng thì dựng cột và làm những việc nặng nhọc hơn. Khi đo đạc làm nhà mồ, người ta không dùng thước mà dùng những đơn vị cơ thể người như một sải tay, một cánh tay, một bàn tay…. Những ngôi nhà mồ Tây Nguyên là những công trình nhỏ nhưng mang dáng vẻ hoành tráng đồ sộ, mang tầm khái quát cao. Kỹ thuật dựng nhà mồ hoàn toàn thô sơ, chỉ có hệ thống kết nối bằng gá, buộc chứ không có hệ thống kèo, mộng. Vật liệu xây dựng chỉ có gỗ nứa, lá mà không dùng gạch; công cụ xây dựng chỉ có dao, rìu. Chính điều đó tạo cho nhà mồ một dáng vẻ nguyên sơ mộc mạc với nét đẹp tự nhiên nguyên thủy.
Những nghi lễ diễn ra xung quanh không gian nhà mồ đầy linh thiêng cũng là tập hợp những hoạt động văn nghệ dân gian như ca hát, nhảy múa, cồng chiêng, cúng tế, nấu ăn… của người Gia rai và Ba na. Tất cả kết hợp hài hòa, trở thành một pho sử sống vô cùng quý giá trên mảnh đất Tây Nguyên. Đối với đồng bào Tây Nguyên, nhà mồ và tượng mồ được làm ra chỉ để phục vụ Lễ bỏ mả, sau đó những bức tượng đó được bỏ lại nghĩa địa. Qua thời gian cùng nắng mưa, những bức tượng đó sẽ bị hư hỏng, tan biến, trở thành cát bụi hòa lẫn vào đất mẹ. Trong khi đó, do không được bổ sung mới nên tượng Nhà mồ ngày càng vắng bóng tại các nghĩa địa của đồng bào địa phương và theo sự phát triển của kinh tế, xã hội ngày nay một di sản văn hóa độc đáo đang dần mai một.