1. Cuốn theo chiều gió (1939) – Đạt giải thưởng Pulitzer
Cuốn theo chiều gió (Nguyên văn: Gone with the wind), xuất bản lần đầu năm 1936, là một cuốn tiểu thuyết tình cảm của Margaret Mitchell, người đã giành giải Pulitzer với tác phẩm này năm 1937. Câu chuyện được đặt bối cảnh tại Georgia và Atlanta, miền Nam Hoa Kỳ trong suốt thời kì nội chiến và thời tái thiết. Tác phẩm xoay quanh Scarlett O’Hara, một cô gái miền Nam đầy sức mạnh, phải tìm mọi cách để sống sót qua chiến tranh và vượt lên cuộc sống khó khăn trong thời hậu chiến. Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim năm 1937.
Cuốn theo chiều gió được nhiều lần được đưa lên màn ảnh nhưng nổi tiếng nhất là bộ phim cùng tên năm 1939 với sự tham gia của Clark Gable và Vivien Leigh.
Tác phẩm cũng được chuyển thể thành vở nhạc kịch Scarlett, công diễn năm 1972 và vở nhạc kịch Cuốn theo chiều gió, công diễn năm 2008.
Đạo diễn Nhật Takarazuka Revue cũng soạn một vở nhạc kịch cùng tên phỏng theo bộ tiểu thuyết, công diễn lần đầu năm 1977.
2. Lolita (1955)
Lolita (1955) là một tiểu thuyết của Vladimir Vladimirovich Nabokov. Tiểu thuyết được viết bằng tiếng Anh và được xuất bản vào năm 1955 ở Paris, sau đó được chính tác giả dịch ra tiếng Nga và được xuất bản vào năm 1967 ở New York. Tiểu thuyết nổi tiếng cả ở phong cách mới lạ lẫn nội dung gây ra các tranh cãi do nhân vật chính của tiểu thuyết tên Humbert Humbert, một người khá lớn tuổi luôn mang trong mình sự ám ảnh về tình dục với một cô gái 12 tuổi tên Dolores Haze.
Nội dung:
Humbert, nhân vật ngôi số một “tôi”, là giáo sư ngành văn chương ở Paris, trạc 35 tuổi và đẹp trai. Tuy sống cùng với vợ nhưng Humbert không hề có hứng thú tình dục với vợ mà luôn thầm tơ tưởng đến những cô gái 12, 13 tuổi để mong tìm lại thiên đường đã mất khi người yêu thời nhỏ của mình là Annabel đã chết vì bệnh hiểm nghèo. Ông ta không hề thấy buồn khi vợ mình bỏ theo một người đàn ông khác, thậm chí còn ngạc nhiên khi vợ mình lại có sức hấp dẫn tới kẻ khác. Sau đó vài năm ông được mời sang Mĩ giảng dạy văn học trong một trường đại học ở New England.
Bà chủ nhà trọ chỗ Humbert ở là Charlotte Haze yêu ông ta nhưng ông ta chẳng hề thấy hứng thú gì nơi người đàn bà góa phụ này, ngược lại Humbert lại yêu cô con gái tên là Dolores Haze (mà ông ta gọi là Lolita) mới 12 tuổi của bà ta. Humbert chấp nhận lấy bà chủ nhà để được gần gũi với Lolita. Hàng ngày ông ghi vào nhật ký những cảm xúc dạt dào với đứa con riêng của vợ đang tuổi dậy thì. Rồi có ngày vợ ông lục tủ và phát hiện ra bí mật khủng khiếp trong tâm hồn của chồng được ghi trong cuốn nhật ký. Trong trạng thái hoang mang tột độ, bà vợ bị xe cán chết trên đường ra bưu điện gửi thư cho con gái đang ở trại hè.
An táng vợ xong, Humbert đến chỗ Lolita sinh hoạt trại hè để đưa cô đi hết thành phố này đến thành phố khác, những tối tại các nhà nghỉ nơi ông và Lo dừng chân, đó là thiên đường, mà theo ông, là một thiên đường có bầu trời rực lửa của địa ngục, nhưng là một thiên đường đúng nghĩa. Hành trình với những dục cảm tội lỗi ấy đi đến hồi kết khi Lo phải vào viện vì bị nhiễm virus, và sau đó biến mất mà không để lại cho Humbert một lời nào. Nhiều năm tìm kiếm trong vô vọng, Humbert nhận được thư của Lo nói rằng cô đã kết hôn và đang mang thai. Humbert vội vã lao xe đến địa chỉ người gửi thư. Lo giờ đã thay đổi, không còn tươi tắn rực rỡ như trước, nhưng Humbert không quan tâm tới điều đó và vẫn một mực yêu cô. Lo thuật lại những gì đã xảy ra sau đêm ở bệnh viện. Humbert vô cùng xúc động và ngỏ ý muốn Lo chạy trốn cùng ông. Nhưng Lo từ chối. Humbert để lại số tiền $4000 cho Lo rồi bước ra khỏi cửa chính. Ông tìm tới nhà Quilty, người đã dụ dỗ Lo, và giết gã, trong cuộc truy đuổi cuối cùng, ông tạt xe rẽ xuống một cánh đồng nhỏ, nơi những đàn bò sữa đang gặm cỏ, nhìn về xa xăm, “Lo không chỉ vắng bóng bên cạnh tôi, mà cả giọng của em cũng thiếu mất trong bản hòa âm kia” – Humbert hướng tia nhìn về phía trường học đằng xa.
Humbert chết do nghẽn động mạch vành trong tù ngày 16 tháng 11 năm 1952. Lolita chết trong khi sinh con vào giáng sinh năm 1952.
Với tư cách là một hồ sơ bệnh án, “Lolita” chắc sẽ trở thành một tư liệu kinh điển trong giới y học tâm thần. Với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật, nó siêu việt trên khía cạnh chuộc tội của nó; và đối với chúng tôi, điều còn quan trọng hơn cả ý nghĩa khoa học và giá trị văn học, là tác động đạo lý mà cuốn sách sẽ tạo nên đối với độc giả nghiêm túc; vì trong nghiên cứu cá nhân xót xa này, ẩn chứa một bài học phổ quát; đứa trẻ ngang ngạnh, người mẹ ích kỉ, gã quỷ ám hổn hển, không phải chỉ là những nhân vật sống động trong một câu chuyện duy nhất; họ cảnh báo ta về các khuynh hướng nguy hiểm; họ chỉ ra những cái xấu đầy cường lực.“Lolita” khiến tất cả chúng ta – những người làm cha mẹ, những nhà hoạt động xã hội, những nhà giáo dục – phải dốc sức, với tinh thần cảnh giác cao hơn nữa và sáng suốt hơn nữa, vào nhiệm vụ nuôi dạy một thế hệ tốt hơn trong một thế giới an toàn hơn.” | ” | |
— Widworth, Mas. – 5 tháng 8 năm 1955 |
3. Giết con chim nhại (1962) – Giải Pulitzer
Giết con chim nhại (nguyên tác tiếng Anh: To Kill a Mockingbird) là cuốn tiểu thuyết của Harper Lee; đây là cuốn tiểu thuyết rất được yêu chuộng, thuộc loại bán chạy nhất thế giới với hơn 10 triệu bản. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1960 và đã giành được giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1961. Nội dung tiểu thuyết dựa vào cuộc đời của nhiều bạn bè và họ hàng tác giả, nhưng tên nhân vật đã được thay đổi. Tác giả cho biết hình mẫu nhân vật Jean Louise “Scout” Finch, người dẫn truyện, được xây dựng dựa vào chính bản thân mình.
Cuốn tiểu thuyết kể về câu chuyện của hai đứa trẻ ở lứa tuổi mới lớn, Jean Louise “Scout” Finch và Jeremy Atticus “Jem” Finch, sinh trưởng ở thị trấn nhỏ Maycomb, Alabama, nằm sâu trong miền nam nước Mỹ trong thập niên 1930. Chuyện xảy ra trong vòng 3 năm, được kể lại bởi người em. Trong truyện, cha của hai đứa trẻ, luật sư Atticus Finch được chỉ định để bào chữa một người da đen tên là Tom Robinson, bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng tên là Mayella Ewell.
Sau khi tặng quà Giáng sinh cho hai anh em Jem và Scout là mấy khẩu súng hơi, ông Atticus dặn lũ trẻ là mặc dù chúng có thể “bắn bao nhiêu chim giẻ cùi xanh tùy thích”, chúng phải nhớ “giết hại chim nhại là tội ác”. Sau này cô Maudie Atkinson, hàng xóm của lũ trẻ, giải thích đó là vì chim nhại không bao giờ làm điều gì có hại, nó mang lại niềm vui bằng tiếng hót của chúng: “nó chẳng làm điều gì khác ngoài việc hót cho chúng ta nghe từ tận đáy tim của nó”. Con chim nhại (mockingbird) được dùng lặp đi lặp lại như một hình tượng của nạn nhân và sự trong trắng trong suốt tác phẩm. Nó là biểu tượng của sự trong trắng và cái đẹp chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và lòng hận thù.
4. Loạt phim về James Bond
Loạt tác phẩm James Bond xoay quanh một nhân vật mật vụ người Anh hư cấu, được sáng tạo bởi nhà văn Ian Fleming vào năm 1953. Fleming đã khắc họa Bond trong 12 cuốn tiểu thuyết và 2 tuyển tập truyện ngắn. Sau khi ông qua đời vào năm 1964, đã có tám tác giả tiếp tục viết tiếp các tác phẩm tiểu thuyết hoặc tiểu thuyết chuyển thể về James Bond, bao gồm: Kingsley Amis, Christopher Wood, John Gardner, Raymond Benson, Sebastian Faulks, Jeffery Deaver, William Boyd và Anthony Horowitz. Forever and a Day của Anthony Horowitz, xuất bản vào tháng 5 năm 2018, là cuốn tiểu thuyết James Bond mới nhất. Ngoài ra, có thể kể đến loạt truyện viết về Bond thời trẻ của Charlie Higson hay Kate Westbrook với bộ ba tiểu thuyết dựa trên cuốn nhật ký của Moneypenny, một nhân vật từng xuất hiện trong loạt truyện.
Nhân vật James Bond còn được biết tới với mã tên 007, được chuyển thể rộng rãi thành các tác phẩm truyền hình, phát thanh, truyện tranh, trò chơi điện tử và phim ảnh. Loạt phim về James Bond hiện đang là loạt phim liên tục dài nhất mọi thời đại và thu về tổng doanh thu 7.04 tỉ đô la Mỹ, trở thành loạt phim có doanh thu cao thứ sáu lịch sử. Nó được khởi đầu vào năm 1962 bằng phần phim Dr. No với ngôi sao Sean Connery trong vai Bond. Tính tới năm 2020, loạt phim do Eon Productions sản xuất đã có 24 phần. Spectre (2015) là bộ phim James Bond gần nhất, có sự tham gia diễn xuất của Daniel Craig với lần thứ tư anh thủ vai mật vụ Bond trong loạt phim của Eon. Ngoài ra, còn có hai tác phẩm độc lập: Casino Royale (một phiên bản giễu nhại ra mắt năm 1967, với sự tham gia của David Niven) và Never Say Never Again (bản làm lại bộ phim do Eon sản xuất trước đó của Thunderball, ra mắt năm 1965, cả hai bản đều có sự tham gia của Connery). Năm 2015, với trị giá ước tính 19.9 tỷ đô la Mỹ, James Bond trở thành một trong những thương hiệu truyền thông có doanh thu cao nhất từ trước tới nay.
Các bộ phim về Bond nổi tiếng bởi một số điểm đặc trưng, như phần nhạc đệm với các bài hát chủ đề đã nhiều lần được đề cử Oscar và chiến thắng hai lần. Vài yếu tố xuyên suốt quan trọng khác bao gồm những chiếc xe hơi của Bond, các khẩu súng của anh và những thiết bị mà anh được Q Branch cung cấp. Mỗi phần phim cũng chú ý khắc họa mối quan hệ của Bond với nhiều phụ nữ khác nhau, đôi khi được gọi là các “Bond girl“.
5. Bác sỹ Zhivago (1965)
Bác sĩ Zhivago (tiếng Nga: Доктор Живаго, từ Живаго có nghĩa đen là “cuộc sống”) là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga–Xô viết Boris Leonidovich Pasternak (1890–1960).
Nhân vật chính của truyện là Yuri Zhivago, một bác sĩ y học và nhà thơ. Truyện kể cuộc đời của bác sĩ Zhivago qua những éo le tình ái của ông cùng hai phụ nữ trong bối cảnh chung quanh cuộc cách mạng Nga năm 1917.
Truyện này được dựng thành phim năm 1965, do David Lean đạo diễn, tài tử chính là Omar Sharif và Julie Christie.
Tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago được Pasternak viết xong năm 1956, nhưng do nội dung không thích hợp với đời sống văn học, chính trị Liên Xô lúc bấy giờ, nên đã bị Viện Văn học Moskva và Hội Nhà văn Liên Xô kịch liệt phản đối, các nhà xuất bản ở Liên Xô từ chối xuất bản, còn bản thân Pasternak bị Hội Nhà văn Liên Xô kịch liệt lên án, đả kích.
Dù không được xuất bản trong nước và bị lên án dữ dội, nhưng tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago vẫn tìm được đường đến với độc giả các nước phương Tây. Năm 1957, bản thảo truyện được in thành sách tiếng Nga tại Ý. Năm sau có ấn bản tiếng Ý và tiếng Anh. Pasternak nhờ đó mà được đề nghị nhận giải Nobel văn chương năm 1958, nhưng chính quyền Xô viết bấy giờ ép ông phải từ chối nhận giải thưởng này. Mãi đến 1988, tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago mới được cho in và xuất bản tại Nga.
Cho đến tận ngày nay, Bác sĩ Zhivago vẫn được xem là cuốn tiểu thuyết gây sóng gió bậc nhất, là tác phẩm văn học điển hình nhất của cuộc chiến tư tưởng giữa hai siêu cường thời Chiến tranh lạnh.
Nội dung
Khởi đầu truyện là phần giới thiệu Yuri Andreievich Zhivago lúc 10 tuổi đi đám tang của mẹ. Sau đó Yuri học y khoa, bắt đầu làm thơ, rồi cưới vợ tên là Tonya. Truyện sau đó giới thiệu Larisa Fyodorovna (Lara) ở tuổi dậy thì, sống với bà mẹ góa phụ khi bà này làm công cho chủ hãng may tên Komarovsky. Komarovsky dụ dỗ và hiếp dâm Lara. Trong cơn tủi nhục cuồng nộ, nàng lấy súng bắn Komarovsky tại một buổi tiệc giáng sinh nhưng không may lại bắn trúng một người khác. Nàng sau đó kết hôn người tình đầu của mình là Pavel Pavlovich (Pasha).
Kế đến truyện dẫn vào thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Yuri tòng quân với tư cách bác sĩ quân y. Pasha rời vợ và con gái (Tanya) theo quân đội và bị mất tích. Lara tình nguyện làm y tá với hy vọng tìm kiếm tông tích chồng. Khi Yuri vào thăm vợ khi nàng sanh đứa con trai đầu lòng thì gặp cô y tá Lara. Hai người có ý thầm yêu nhau nhưng không dám tỏ lời. Vào lúc này phong trào cách mạng bắt đầu nổi dậy tại Petersburg.
Chiến tranh bùng nổ khắp nơi, Yuri và Lara được bổ nhiệm công tác chung tại một nhà thương ở tỉnh nhỏ xa xôi. Yuri bị thôi thúc bởi những cảm tình cho Lara. Chàng tâm sự với Tonya và Tonya nghi ngờ rằng Yuri cùng Lara đã ngoại tình. Mùa đông đến, đời sống trở nên chật vật vì thiếu thức ăn và dịch lỵ lan tràn. Sau cuộc chiến, Yuri trở về chức vị bác sĩ cũ tại nhà thương ở Moskva. Vì cá tính lãng mạn chàng thường bị các đồng nghiệp bolshevik bài bác là thiếu logic và tinh thần cách mạng. Giữa các cuộc xung đột chống chủ nghĩa Marx nổ ra, Yuri cùng gia đình dời về Urals. Trên xe lửa của chuyến đi này, Yuri nhận thức được nỗi khổ của nông dân và tù binh, những nạn nhân của cuộc chiến cách mạng. Chàng yêu chuộng tự do và bình quyền, nhưng bất mãn với những hành động hay ý kiến quá cứng rắn và thiếu tình người của những người theo cách mạng.
Tại Urals, Yuri cùng gia đình khai đất làm ruộng. Chàng trở lại sở nguyện làm thơ. Tại thư viện làng, chàng gặp lại Lara. Hai người ngoại tình và cùng sống cuộc đời vụng trộm yêu đương tột đỉnh. Lara lúc bấy giờ biết Pasha còn sống và hiện là một tay trùm Đỏ khét tiếng với tên mới Strelnikov. Yuri muốn trở vế với vợ để thú tội ngoại tình nhưng không may bị một nhóm quân cách mạng bắt cóc và phải phục vụ như bác sĩ của nhóm này. Sau vài năm, Yuri trốn thoát và trở lại với Lara. Để tránh không bị điềm chỉ, cặp tình nhân bỏ trốn sang một nông trại khi xưa gia đình Yuri từng canh tác. Yuri tiếp tục làm thơ – bày tỏ tâm sự của chàng về những thăng trầm của đời sống, những lo sợ và lòng can đảm trong chiến tranh và hơn hết là tình yêu dành cho Lara. Trong khi đó có tin vợ Yuri là Tonya và con gái chàng bị trục xuất khỏi Nga. Chẳng bao lâu sau đó, Komarovsky, kẻ đã từng hãm hiếp Lara khi xưa, xuất hiện. Hắn hăm dọa rằng quân cách mạng đang truy lùng Yuri và Lara và sẽ giết cả hai nếu bắt được. Hắn hứa giúp đưa Yuri và Lara trốn ra nước ngoài. Yuri đắn đo một hồi lâu và kết cuộc vì vấn đề an toàn cho Lara, chàng quyết định để Lara ra đi một mình. Yuri ở lại Nga và bắt đầu say sưa uống rượu giải sầu.
Strelnikov, chồng của Lara lúc bấy giờ đang chạy trốn vì bị chính phủ cách mạng truy lùng. Y tìm ra Yuri và sau khi biết chuyện Lara ngoại tình, bèn tự sát.
Yuri trở lại Moskva và sinh sống cùng một phụ nữ tên Marina và kiếm sống bằng cách viết sách. Em của chàng tìm cho chàng một chức vụ bác sĩ nhưng trên đường đi làm, chàng bị đứng tim mà chết. Lara, từ Irkutsk lên Moskva và tình cờ đi tới nhà liệm thấy xác Yuri còn nằm đó. Sau đó vài ngày, nàng mất tích, có người cho rằng nàng bị bắt đi trại tập trung cải tạo.
6. Love story (1970)
Love Story là cuốn tiểu thuyết lãng mạn của nhà văn người Mỹ Erich Segal. Câu chuyện ban đầu là từ một kịch bản phim mà Segal viết và ngay lập tức nhận được sự tán thành của hãng phim Paramount Pictures. Paramount đã đề nghị Segal sửa lại câu chuyện thành dạng tiểu thuyết để duyệt trước nội dung phim. Cuốn tiểu thuyết ra mắt đúng ngày Lễ tình nhân, 14 tháng 2 năm 1970.
Từng phần của truyện ban đầu được đăng trên tạp chí The Ladies’ Home Journal. Love Story trở thành tác phẩm bán chạy nhất trong năm 1970 tại Mỹ và được dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Cuốn sách xếp thứ nhất suốt 41 tuần trong Danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times. Phần tiếp theo của tiểu thuyết có tên Oliver’s Story xuất bản năm 1977. Cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên ra mắt ngày 16 tháng 12 năm 1970. Điện ảnh Bollywood Ấn Độ cũng đã chuyển thể thành bộ phim có tựa đề Ankhiyon Ke Jharokhon Se
Nội dung
Love Story là chuyện tình lãng mạn, khôi hài nhưng bi thương. Chuyện kể về hai sinh viên đại học yêu nhau vượt qua những sự bất hạnh mà họ gặp phải trong cuộc đời: Oliver Barrett IV, sinh viên Harvard, người thừa kế gia sản của dòng họ Barrett và Jennifer Cavilleri, cô con gái lanh lợi của một người thợ làm bánh ở đảo Rhode Island. Oliver (Ollie) được dự định sẽ đảm nhiệm đế chế kinh doanh của cha mình trong khi Jennifer (Jenny) đang theo học ngành âm nhạc tại Radcliffe College dự tính sang Paris du học. Dù đến từ hai thế giới khác biệt song Oliver và Jenny ngay lập tức thu hút lẫn nhau và tình yêu của họ ngày một sâu sắc.
Khi tốt nghiệp đại học, hai người quyết định kết hôn, chống lại những mong ước của cha Oliver, ông ngay lập tức cắt đứt mọi quan hệ với con trai mình. Không có tiền hỗ trợ, cặp đôi phải vật lộn để trả chi phí theo học Trường Luật Harvard cho Oliver bằng việc phải làm giáo viên tại trường tư.
Với kết quả tốt nghiệp đứng thứ 3 trong lớp, Oliver nhận được vài lời mời làm việc và đảm nhận một vị trí tại một hãng luật khá lớn tại New York. Jenny hứa sẽ cũng đi với Oliver đến bất cứ nơi nào ở bờ Đông nước Mỹ. Cả hai chuyển tới thành phố New York City, hạnh phúc vì giờ đây có nhiều thời gian ở bên nhau so với việc phải đi học và đi làm. Với thu nhập mới của Oliver, cặp đôi 24 tuổi quyết định sẽ sinh con. Sau khi Jenny mãi không thể có thai, họ tìm đến chuyên gia y tế để làm các xét nghiệm nhiều lần và được thông báo rằng Jenny đã mắc bệnh bạch cầu và không sống được bao lâu nữa.
Theo lời của bác sĩ, Oliver cố gắng sống như bình thường mà không nói cho Jenny biết về tình trạng của cô. Nhưng Jenny vẫn phát hiện ra sự thật sau khi trực tiếp gặp bác sĩ để hỏi về bệnh tình của mình. Cuộc sống chỉ tính bằng từng ngày, Jenny bắt đầu một đợt điều trị tốn kém và Oliver không còn đủ khả năng chi trả viện phí. Không còn cách nào nên anh đành tìm đến sự hỗ trợ tiền bạc của cha mình mà không nói cho cha biết sự thật.
Trên giường bệnh, Jenny đã bàn bạc với cha cô về việc tổ chức tang lễ và hỏi ý kiến Oliver. Cô khuyên anh đừng tự trách cứ mình và hãy ôm cô thật chặt trước khi chết. Cha Oliver khi biết bệnh tình của Jenny và việc con trai mượn tiền để lo cho cô thì đã ngay lập tức đặt vé bay đến New York. Khi ông tới được bệnh viên thì Jenny đã qua đời. Ông Barrett đã xin lỗi con trai và đáp lại điều mà Jenny từng nói với anh: “Tình yêu nghĩa là không phải nói lời hối tiếc…” và quỵ ngã trong vòng tay ông.
7. Bố già (1972)
Bố già (tiếng Anh: The Godfather) là tên một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn người Mỹ gốc Ý Mario Puzo được xuất bản lần đầu vào năm 1969 bởi nhà xuất bản G. P. Putnam’s Sons. Tác phẩm là câu chuyện về một gia đình mafia gốc Sicilia tại Mỹ được tạo lập và lãnh đạo bởi một nhân vật được gọi là “Bố già” (Godfather) Don Vito Corleone. Các sự kiện chính của tiểu thuyết xảy ra từ năm 1945 đến 1955 ngoài ra cũng đề cập đến thời thơ ấu và giai đoạn thanh niên của Vito Corleone vào đầu thế kỉ 20.
Năm 1972, tiểu thuyết Bố già được chuyển thể thành bộ phim cùng tên của đạo diễn Francis Ford Coppola với Marlon Brando thủ vai Don Vito Corleone và Al Pacino vào vai Michael Corleone. Bộ phim lập tức thành công vang dội với doanh thu 134 triệu USD, đoạt ba giải Oscar, bốn giải Quả cầu vàng (Golden Globe) và được coi là một trong những bộ phim xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh. Bộ phim được tiếp tục bởi Bố già phần II, một thành công nữa của sự hợp tác giữa Puzo và Coppola với 6 giải Oscar. Bố già phần III của Coppola và Puzo được sản xuất năm 1990 và hoàn tất bộ ba (trilogy) của Mario Puzzo. Khác với hai bộ phim trước, Bố già phần III không những chẳng đoạt được giải Oscar nào mà diễn viên Sofia Coppola trong phim còn được trao giải Golden Raspberry cho Nữ diễn viên phụ tồi nhất trong năm.
Hãng sản xuất trò chơi Electronic Arts đã cho phát hành trò chơi điện tử dựa theo tiểu thuyết Bố già vào ngày 21 tháng 3 năm 2006.
8. Bay trên tổ chim cúc cu (1975)
Bay qua tổ chim cúc cu (tiếng Anh: One Flew Over the Cuckoo’s Nest) là một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Miloš Forman được sản xuất năm 1975 dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Ken Kesey. Bộ phim là câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa khao khát tự do và nỗi sợ hãi của các bệnh nhân tại một trại điều dưỡng tâm thần. Đây là bộ phim thứ hai sau It Happened One Night (1934) giành được cả năm giải Oscar chính (Big Five, gồm Phim, Đạo diễn, Kịch bản, Vai nam chính và Vai nữ chính).
Nội dung
Randle Patrick McMurphy (Jack Nicholson), tội phạm đang bị tạm giữ tại một trại cải tạo, được chuyển tới trung tâm điều dưỡng tâm thần, thực chất là một bệnh viện tâm thần, vì người ta cho rằng anh có những biểu hiện tâm lý không bình thường. Người phụ trách trung tâm điều dưỡng là Y tá Ratched (Louise Fletcher), một phụ nữ có vẻ ngoài dịu dàng nhưng luôn ngầm dùng kỷ luật sắt để quản lý các bệnh nhân tâm thần. Ban đầu khi vào trại McMurphy tưởng rằng anh sẽ được sống an nhàn trong “trại điều dưỡng” để chờ ngày hết hạn tù, nhưng anh sớm nhận ra quyền lực tuyệt đối của Y tá Ratched có thể sẽ giữ anh lại cái “nhà tù” này mãi mãi, McMurphy bắt đầu tìm mọi cách để chiến thắng sự giám sát của Y tá Ratched.
Trong thời gian ở trại, McMurphy bắt đầu kết bạn với một nhóm bệnh nhân tâm thần loại nhẹ. Họ gồm Billy Bibbit (Brad Dourif), một chàng thanh niên yếu đuối và sợ hãi trước những câu nói ác hiểm của Y tá Ratched, anh phải vào trại vì từng tự tử không thành; “Tù trưởng” (“Chief”) Bromden (Will Sampson), một người da đỏ cao lớn nhưng luôn tỏ ra là một người câm điếc. McMurphy tìm thấy ở Bibbit một người em trai mà anh cần giúp để trở nên mạnh mẽ hơn, yêu đời hơn, còn ở Bromden là một người bạn có cùng ước muốn thoát ra khỏi trại tâm thần.
Đêm ngày 10 tháng 12 năm 1963, McMurphy lọt được vào phòng y tá, anh gọi điện cho bạn gái, Candy, đề nghị cô mang rượu đến thăm anh. Các bệnh nhân bắt đầu uống say và chuẩn bị kế hoạch trốn thoát còn Billy biểu lộ cảm tình với bạn gái của McMurphy. Chứng kiến việc đó, McMurphy đã đề nghị Candy ngủ với Bibbit. Sáng hôm sau khi Y tá Ratched chứng kiến toàn bộ sự việc bà lập tức cho các nhân viên lập lại trật tự và trừng phạt Bibbit bằng cách xoáy sâu vào các điểm yếu tâm lý của anh. Không chịu nổi sự tàn nhẫn của Y tá Ratched, Bibbit tự sát, McMurphy chứng kiến cảnh đó đã nổi cơn giận và cố gắng bóp cổ Ratched nhưng nhanh chóng bị các nhân viên của trại điều dưỡng khống chế và đưa đi “trừng phạt”. Anh trở về vào ban đêm sau khi trải qua một ca mổ thùy não, khiến anh rơi vào trạng thái sống thực vật. Không muốn bỏ lại người bạn đã tàn phế về mặt tư duy, Bromden dùng gối đè chết McMurphy và trốn thoát bằng cách vác bộ vòi phun bằng đá cực nặng trong phòng trị liệu đập vỡ cửa sổ. Chính McMurphy đã thử vác bộ vòi phun này trước đó (nhưng không thành công) vì anh tin rằng nó sẽ giúp anh trốn khỏi trại tâm thần và nếu không thành công đi nữa thì ít ra anh đã làm thử. Bộ phim kết thúc với hình ảnh mờ dần vào bóng đêm của Bromden.
9. Sự im lặng của bầy cừu (1991)
Sự im lặng của bầy cừu (tựa tiếng Anh: The Silence of the Lambs) là một bộ phim kinh dị Mỹ được sản xuất vào năm 1991 do Jonathan Demme đạo diễn với sự tham gia của các ngôi sao điện ảnh Jodie Foster, Anthony Hopkins, Scott Glenn, Anthony Heald và Ted Levine. Bộ phim được xây dựng dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Thomas Harris. Nhân vật gây ấn tượng nhất trong phim là bác sĩ Hannibal Lecter do Anthony Hopkins thủ vai. Trong phim, Clarice Starling, một nữ học viên của trường huấn luyện đặc vụ FBI, đã phải đến xin lời khuyên của Lecter để bắt kẻ giết người hàng loạt có biệt danh là “Buffalo Bill”.
Sự im lặng của bầy cừu đã đoạt đủ 5 giải Oscar quan trọng nhất (Big Five) gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Đây là bộ phim thứ ba và gần đây nhất sau It Happened One Night (1934) và Bay trên tổ chim cúc cu (1975) có được vinh dự này.
Nội dung
Sinh viên tập sự FBI Clarice Starling (Jodie Foster) được nhận lệnh đến phỏng vấn kẻ ăn thịt người Hannibal Lecter (Anthony Hopkins), bị giam giữ trong xà lim riêng ở Bệnh viện tâm thần Maryland. Phía FBI hi vọng khả năng siêu phàm của Lecter có thể giúp cung cấp thông tin về tâm lý tên sát nhân giết người hàng loạt được mệnh danh là Buffalo Bill (Ted Levine) khi nạn nhân bị hắn bắt cóc là con gái bà Nghị sĩ. Bị thu hút bởi Clarice, Lecter đòi hỏi thông tin về đời tư của cô để đổi lấy những thông tin quan trọng về vụ án, và giữa hai người bắt đầu xuất hiện một mối liên hệ kỳ lạ.
Dần dần Clarice bộc lộ bản thân mình trước Lecter, cô là một người đang cố gắng thoát ra bóng tối của sự sợ hãi vì những ký ức thuở nhỏ của cô. Khi cô sống với nhà chú dì, nửa đêm cô thường nghe thấy tiếng cừu non kêu thảm thiết, một lần tỉnh dậy, cô chứng kiến cảnh họ giết những con cừu non ấy. Cô mở cửa chuồng mong giải thoát cho chúng, nhưng họ phát hiện, cô bỏ chạy chỉ kịp bế theo một con cừu nhưng rồi nó cũng chết. Những tiếng kêu sợ hãi đã ám ảnh cô suốt từ đó đến giờ. Với mong muốn thoát khỏi ám ảnh đó, Clarice đã rất cố gắng trong vụ giải cứu con gái bà Nghị sĩ. Cô sợ rằng nếu không thành công thì suốt đời sẽ phải chung sống với những ám ảnh, những tiếng kêu thảm thiết của bầy cừu.
Cuối cùng, qua các màn đấu trí, tên sát nhân Buffalo Bill – tức Jame Gumb, kẻ chuyên thiết kế y phục phụ nữ bằng da người sống, bị giết, còn con gái bà Nghị sĩ đã được giải thoát.
Về phần Hannibal Lecter, bằng trí óc siêu phàm và thủ đoạn tàn bạo, hắn đã giết chết hai viên cảnh sát xấu số, một người bị mổ bụng treo lên, với da mặt của viên cảnh sát còn lại đắp lên mặt mình để giả làm chính viên cảnh sát bị thương đó (Trung sĩ Pembry), Hannibal Lecter trốn thoát khỏi nơi giam cầm và trở thành mối nguy hiểm cho xã hội. Phim kết thúc bằng cuộc gọi của Hannibal Lecter cho Clarice Starling để hỏi cô ấy trong giấc mơ cô còn có nghe thấy tiếng cừu kêu nữa hay không.
10. Bản danh sách của Schindler (1993)
Bản danh sách của Schindler (tựa tiếng Anh: Schindler’s List) là phim điện ảnh chính kịch cổ trang sử thi của Hoa Kỳ sản xuất và phát hành năm 1993 do Steven Spielberg làm đạo diễn kiêm đồng sản xuất và Steven Zaillian viết kịch bản. Phim dựa theo cuốn tiểu thuyết Schindler’s Ark của Thomas Keneally, một tiểu thuyết gia người Úc. Bộ phim dựa trên cuộc đời của Oskar Schindler, một doanh nhân người Đức đã cứu sống hơn một 1000 người Do Thái gốc Ba Lan tị nạn trong thời kỳ phát xít Đức tàn sát người Do Thái bằng cách bắt họ vào làm trong các nhà máy mà thực chất là các trại tập trung giết người do ông điều hành. Phim có sự tham gia của Liam Neeson trong vai Schindler, Ralph Fiennes trong vai sĩ quan Schutzstaffel (SS) Amon Goeth, và Ben Kingsley trong vai kế toán người Do Thái của Schindler Itzhak Stern.
Ý tưởng sản xuất một bộ phim nói về Schindlerjuden (những người Do Thái của Schindler) được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1963. Poldek Pfefferberg, một trong số những người Schindlerjuden, xác định rằng sứ mệnh của cuộc đời mình là phải kể lại câu chuyện của Schindler cho hậu thế. Spielberg tỏ ra hứng thú với kịch bản này sau khi nhà điều hành Sid Sheinberg gửi cho ông một bản nhận xét cuốn sách Schindler’s Ark. Universal Studios mua bản quyền chuyển thể điện ảnh của cuốn tiểu thuyết, tuy nhiên Spielberg, ban đầu còn lo ngại ông chưa đủ tự tin để làm một bộ phim về thời kỳ tàn sát người Do Thái, tìm cách đẩy dự án sang cho một số đạo diễn khác trước khi quyết định tự tay đạo diễn bộ phim này.
Quá trình quay phim chính diễn ra tại Kraków, Ba Lan trong vòng 72 ngày. Spielberg quay bộ phim dưới định dạng đen trắng và coi đó là một bộ phim tài liệu. Nhà quay phim Janusz Kamiński muốn mang lại cho tác phẩm điện ảnh này một cảm giác vượt thời gian. John Williams soạn nhạc cho bộ phim, và nghệ sĩ vĩ cầm Itzhak Perlman biểu diễn bản nhạc chủ đề của bộ phim.
Bản danh sách của Schindler ra mắt vào ngày 30 tháng 11 năm 1993 tại Washington, D.C. và được phát hành rộng rãi trên toàn nước Mỹ vào ngày 15 tháng 12 năm 1993. Thường được coi là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại từng được sản xuất, phim cũng thu được thành công thương mại, mang về 321,2 triệu USD trên toàn cầu so với 22 triệu USD kinh phí. Phim giành được bảy giải Oscar (trong tổng số mười hai đề cử), trong đó có giải Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và Nhạc phim hay nhất, cùng nhiều giải thưởng khác (trong đó có bảy giải BAFTA và ba giải Quả cầu vàng). Năm 2007, Viện phim Mỹ xếp bộ phim này đứng thứ 8 trong danh sách 100 phim Mỹ hay nhất mọi thời đại. Thư viện Quốc hội Mỹ đã lựa chọn bộ phim này để bảo tồn tại Viện lưu trữ phim Quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2004.
11. Nhà tù Shawshank (1994)
The Shawshank Redemption là một bộ phim tâm lý của Hoa Kỳ phát hành vào ngày 22 tháng 9 năm 1994, do Frank Darabont viết kịch bản và đạo, dựa trên tiểu thuyết của Stephen King, Rita Hayworth and Shawshank Redemption. Các diễn viên chính trong phim là Tim Robbins trong vai Andy Dufresne và Morgan Freeman trong vai Ellis Boyd “Red” Redding.
Bộ phim khắc họa nhân vật Andy sống gần hai thập kỷ trong Nhà tù Shawshank cấp tiểu bang, một nhà tù hư cấu tại Maine, và tình bạn của anh với Red, một người bạn tù. Bộ phim này là một thí dụ điển hình cho khoảng cách tiềm ẩn giữa thành công bước đầu tại các rạp chiếu phim và sự nổi tiếng rực rỡ. Mặc dù bị thờ ơ khi chiếu rạp và không thu đủ lợi nhuận để bù đắp chi phí làm phim, The Shawshank Redemption lại nhận được những lời nhận xét tích cực từ những nhà bình luận và sau đó nổi tiếng qua truyền hình cáp, video gia đình, và DVD. Bộ phim này tiếp tục được hoan nghênh bởi những nhà bình luận và khán giả, kể cả sau 14 năm từ khi được phát hành đầu tiên, và thường được xếp vào hạng một trong những phim vĩ đại nhất mọi thời đại.
Nội dung
Vào năm 1947, phó giám đốc ngân hàng trẻ tên Andy Dufresne (Tim Robbins) bị khép vào tội giết vợ và người tình của cô ta dựa trên những chứng cứ gián tiếp không rõ ràng, và bị tuyên hai bản án chung thân tại Nhà tù Shawshank nổi tiếng ở Maine. Trong tù, ông bạn tù Ellis Boyd “Red” Redding (Morgan Freeman) bị từ chối ân xá sau khi đã thụ án được hai mươi năm trong bản án chung thân của ông. Cuối ngày hôm đó, ông chứng kiến các tù nhân mới được đưa vào nhà tù, và Andy là một trong số họ, bọn họ cá cược ai sẽ khóc đầu tiên, và Red đã đặt vào Andy. Sau khi gặp người quản lý kỷ luật Cai ngục Samuel Norton và trưởng gác ngục Đội trưởng Byron Hadley, những tù nhân mới được tẩy rận và đưa vào phòng giam. Một trong các tù nhân kêu khóc vào đêm đó, và Đội trưởng Hadley đã đánh người đó trọng thương và sau đó anh ta chết do không được cấp cứu kịp thời.
Andy nhanh chóng làm quen với nhóm bạn của Red, và đặc biệt là Red, người nổi tiếng vì buôn lậu một cách thông minh ra vào nhà tù. Sau một tháng điều chỉnh với cuộc đời mới, Andy tiếp xúc với Red và đặt hàng ông một cái búa khoan đá, để theo đuổi sở thích sưu tầm đá của anh. Andy khởi đầu bằng công việc tại khu giặt ủi của nhà tù, nơi anh bị quấy rối và bị một nhóm tù nhân đồng tính tàn ác có tên “The Sisters” (Các chị em) tìm cách hiếp dâm. Anh chịu đựng những lần bị bắt nạt trong gần hai năm nhưng không bao giờ than vãn một lời. Một hôm, trong khi đang bôi nhựa đường lên mái nhà của nhà máy chế tạo bảng số xe hơi của Shawshank, Andy nghe được Đội trưởng Hadley đang bàn về số tiền thuế cho số di sản mà Hadley sắp được nhận. Mặc dù xém bị ném xuống từ mái nhà, kiến thức của anh về các vấn đề tài chính khiến Hadley cảm thấy có lợi. Để được thù lao là 3 chai bia cho mỗi “bạn làm việc” của anh, Andy đã bày cho Hadley cách lách thuế.
Trong một cảnh phim, Andy muốn Red lấy ảnh Rita Hayworth về phòng giam của anh. Khi anh rời khỏi rạp chiếu phim, anh bị Nhóm các chị em tấn công và bị đánh “tới suýt chết”, và phải nằm một tháng trong bệnh xá nhà tù để hồi phục. Đội trưởng Hadley, để trả thù, đã đánh đập dã man người cầm đầu nhóm, Bogs, khiến tù nhân này bị liệt vĩnh viễn. Andy không còn bị Nhóm các chị em hành hạ, và nhóm tù nhân đồn rằng Andy được những cai ngục bảo vệ vì đã giúp đỡ cho Đội trưởng Hadley. Khi Andy quay về từ bệnh xá, anh thấy một món quà mừng của Red: một áp phích Rita Hayworth lớn, miễn phí.
Lời đồn đại về việc giúp đỡ Đội trưởng Hadley của Andy lan rộng, và anh được chỉ định làm trợ lý cho tù nhân lớn tuổi Brooks Hatlen đang trông nom thư viện nhà tù (dấu hiệu cho sự đối xử ưu đãi đầu tiên) và viết thư cho Thượng viện bang Maine để xin tiền ủng hộ phát triển thư viện. Khi những cai ngục khác bắt đầu đến nhờ anh trợ giúp về tài chính, Andy tạo dựng văn phòng tạm để cung cấp dịch vụ thuế và tài chính và “nhóm khách hàng” của anh ngày càng tăng lên đến hầu như toàn bộ nhân viên nhà tù, cai ngục từ các nhà tù khác, và thậm chí cả Giám đốc Nhà tù Norton.
Sau khi Andy đã trải qua gần mười năm tại Shawshank, anh và Red trong một buổi làm phát hiện ra Brooks đang kề dao vào cổ Heywood một cách quẫn trí. Sau khi Andy thuyết phục được Brooks thả Heywood, Red yêu cầu Heywood giải thích tại sao Brooks lại có hành động như vậy. Heywood kể với Red và các bạn trong nhóm rằng anh ta chỉ đến để ‘chào tạm biệt’ Brooks. Lệnh ân xá cho Brooks đã được chấp thuận, sau khi ông phải ngồi tù từ năm 1905. Giờ đây ông đã quá quen thuộc với cuộc sống trong tù đến mức ông sợ hãi khi phải tới thế giới thật. Bên ngoài nhà tù, Brooks chỉ nhận thấy sự cô đơn, cách biệt, và công việc đóng gói hàng hóa tẻ nhạt. Tuy là một người được kính nể trong tù, theo lời Red nói, ông chỉ là “một ông già hết thời với đôi tay thấp khớp” ở thế giới bên ngoài. Ngoài ra, ông không được xã hội cảm thông và bị quấy nhiễu bởi người giám sát chẳng ưa gì ông, người mà có lúc ông đã định giết đi để được quay lại nhà tù. Cuối cùng ông viết một lá thư cho các bạn ở Shawshank trước khi khắc dòng chữ “Brooks was here” (Brooks đã ở đây) trên xà nhà rồi treo cổ tự tử trong căn phòng mà chính quyền bố trí cho ông sau khi ra tù.
Cai ngục Samuel Norton khai thác tài năng của Andy và nghĩ ra một dự án bắt các tù nhân làm việc cho các dự án xây dựng của địa phương. Bằng cách này, ông bóc lột sức lao động miễn phí của tù nhân để làm lợi cho cá nhân mình, và Andy đứng phía sau giúp ông rửa tiền, giấu các ngân khoản cho Norton bằng cách tạo ra một danh tính giả có tên “Randal Stevens”. Để giữ cho Andy hài lòng, Norton cho mở rộng thư viện nhà tù, và Andy được trao cơ hội giúp đỡ những bạn tù học được bằng phổ thông. Ông cũng cho phép Andy giữ một số hàng lậu công khai trong xà lim của anh, trong đó có đá mài, màn đá, và nhiều loại áp phích khác nhau (trong đó có tấm hình Marilyn Monroe rất lớn, thay cho hình Rita Hayworth trước đó).
Vào năm 1965, một tù nhân trẻ tuổi có tên Tommy Williams vào nhà tù Shawshank vì tội Trộm cắp. Andy tỏ ra thích anh chàng này, và dạy Tommy để anh có được tấm bằng “xoá mù”. Sau khi nỗ lực hoàn thành bài thi (và sau này đậu), Tommy nghe được vụ án của Andy từ Red, và lộ ra thông tin bất ngờ: Elmo Blatch, một trong những bạn tù của anh, đã mô tả việc giết hai người trùng hợp với sự mô tả về vợ của Andy và người tình của cô ta cùng với chuyện anh chồng “nhân viên nhà băng khéo léo” bị đổ tội ra sao. Andy hy vọng rằng anh sẽ có thể kháng án với sự giúp đỡ của Tommy, và anh tìm gặp Norton để xin lời khuyên và sự hỗ trợ. Khi Norton nghe được câu chuyện, ông cố gắng thuyết phục anh rằng Tommy chỉ đồng cảm với hoàn cảnh của anh và bịa ra câu chuyện để làm cho anh vui. Andy cam đoan với Cai ngục rằng anh sẽ không bao giờ tiết lộ sự mục nát tại nhà tù. Sợ thông tin lộ ra nếu Andy được trả tự do, Norton giam anh trong phòng giam biệt lập trong 1 tháng và lệnh cho Hadley giết chết Tommy sau cuộc nói chuyện mà người đàn ông trẻ tuổi này nói rằng anh ta sẵn sàng làm chứng cho Andy. Sau khi ngụy trang việc giết Tommy bằng một vụ trốn trại, Norton tuyên bố với Andy rằng anh sẽ vẫn nhận được sự bảo hộ từ lính gác chỉ khi nào anh biết giữ im lặng và tiếp tục giúp Norton biển thủ ngân quỹ. Nếu anh không làm như vậy, Norton sẽ ‘quăng anh cho đám người đồng giới’, và phá hủy tất cả những Andy dày công tạo dựng sau chừng ấy năm, kể cả thư viện. Rồi ông ta bắt anh chịu thêm một tháng giam biệt lập nữa.
Sau khi trải qua hai tháng giam biệt lập, Andy được trả về buồng giam, trong tình trạng của một kẻ nhụt chí, đầu hàng số phận. Khi ở ngoài sân, anh nhờ Red một việc lạ lùng, bảo với ông rằng nếu ông được phóng thích ông phải đi đến một địa điểm cụ thể trong một đồng cỏ gần Buxton, Maine để tìm một thứ đã được chôn tại đó. Bạn bè của Andy lo rằng có thể anh sẽ tự tử như Brooks, vì anh còn vừa yêu cầu một đoạn dây thừng dài. Tuy nhiên, sáng hôm sau, người ta không thấy Andy trong xà lim, mà chỉ còn tấm áp phích của Raquel Welch, thay cho bức hình Marilyn Monroe, nhìn chằm chặp vào Cai ngục. Trong tâm trạng tức giận vì Andy bỗng nhiên biến mất, Cai ngục ném hòn đá trên bệ cửa sổ của Andy vào tấm áp phích, nó lọt qua, và rơi vào một đường hầm. Viên cai ngục xé tấm ảnh và nhìn thấy một cái lỗ có kích thước vừa đủ để người đàn ông trung bình chui qua. Cai ngục Norton điên tiết và bắt tất cả nhân viên dưới quyền ông phải tìm ra cho tên vượt ngục, nhưng chỉ tìm thấy mớ áo quần tù, một miếng xà phòng và một chiếc búa đẽo đá.
Trong đoạn phim hồi tưởng, nó cho thấy khi Andy cố khắc tên của anh lên bức tường ở đầu phim, một mảng tường rớt ra, và hơn 19 năm trời tại Shawshank, Andy đã bỏ ra hàng giờ để đục bức tường. Để che giấu hành động này, anh lén rải gạch đá anh đã đào buổi tối ra sân ngoài khi đi dạo. Anh hoàn thành vụ vượt ngục sau khi bò một đoạn 500 yard qua ống đổ nước thải. Sau khi thoát, Andy dùng danh tính giả của Randall Stevens mà anh tạo ra trước đây với mục đích che giấu hành vi biển thủ của viên cai ngục, một nhân vật giả có đầy đủ giấy khai sinh, bằng lái, số An sinh Xã hội. Mặc bộ đồ và đôi giày sạch sẽ của Norton, Andy rút toàn bộ số tiền mà anh đã gửi qua nhiều năm (trên 370.000 USD theo lời của Red) cho Norton, xem như đó là “phí phục vụ” cho những đối xử bất công và công việc của anh trong tù. Anh cũng gửi bằng chứng về hành vi phạm tội đến một tờ báo địa phương, kể về sự thối nát và tội ác của viên cai ngục và các lính canh. Sáng hôm bài báo được đăng, cảnh sát và viên chưởng lý địa phương ập đến nhà tù. Byron Hadley bị bắt, được kể là “khóc thút thít như một bé gái” khi bị dẫn đi, còn Norton thì tự sát bằng súng trong văn phòng trước khi nhà chức trách vào được, mà theo lời dẫn của Red là Red cho rằng điều cuối cùng băng qua đầu của Norton “không phải viên đạn, mà là làm thế quái nào mà Andy Dufresne có thể qua mặt được ông”.
Ngay sau đó, vào năm 1967, cuối cùng thì Red cũng được phóng thích theo dạng ân xá sau khi đã bị giam suốt 40 năm tại nhà tù Shawshank. Sau khi cố gắng làm quen với cuộc sống bên ngoài nhà tù (ông cũng được trao cho công việc và nơi ở y hệt như Brooks đã từng trải qua những năm trước đây), ông nghĩ đến việc làm một điều gì đó để hủy sự ân xá và quay về lại Shawshank, nhưng ông nhớ lại lời hứa với Andy ngay trước khi Andy trốn thoát. Một ngày nọ, Red đi đến cánh đồng tại Buxton mà Andy đã kể cho ông nghe. Dưới một tảng đá nham thạch nổi bật, ông tìm thấy một hộp kim loại nhỏ trong đó có tiền và chỉ dẫn từ Andy. Ông đi bằng xe buýt (điều này vi phạm luật ân xá, nhưng ông cho rằng chẳng ai gây phiền toái cho lão già như ông nữa) đến Fort Hancock, Texas (nơi Andy đi qua Mexico) và cuối cùng hội ngộ cùng Andy tại Zihuatanejo trên bờ Thái Bình Dương của México.
12. Chúa tể những chiếc nhẫn (2001-2003)
Chúa tể những chiếc nhẫn (tiếng Anh: The Lord of the Rings) là một thiên tiểu thuyết kiệt xuất của nhà văn J. R. R. Tolkien, một nhà ngữ văn,giáo sư,nhà ngôn ngữ học,triết gia người Anh. Ông dạy tiếng Anglo-Saxon và tiếng Anh ở Đại học Oxford cho đến khi ông về hưu năm 1959. Ông đã dành phần lớn đời mình cho công việc nghiên cứu về lịch sử của các thần thoại Bắc Âu, như thần thoại Anh và thần thoại Phần Lan.Chúa tể của những chiếc nhẫn Với 150 triệu bản được bán ra, quyển sách trở thành tiểu thuyết bán chạy thứ hai của mọi thời đại sau cuốn Chuyện hai thành phố.
The Lord of the Rings thực sự là tập hợp quy mô những hiểu biết về một thế giới tưởng tượng có tên là Middle Earth (hay vùng Trung Địa) với nhiều giống loài khác nhau như The Man (người thường), Hobbit (bán nhân), Dwarf (người lùn râu dài), Elf (tiên tộc), , Ent (mộc tinh), Goblin (yêu tinh), Orc (người orc), Uruk-hai (giống orc mới), Warg (ma sói), Great Eagle (đại bàng lớn)…
The Lord of the Rings được chia ra làm 3 phần (lưu ý nó vẫn là một câu chuyện, các phần liên kết chặt với nhau), phần nhiều tại vì thiếu giấy sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng toàn cốt truyện xảy ra trong 4 quyển, bắt đầu với The Hobbit – xuất bản năm 1937, kể lại những chuyến phiêu lưu mạo hiểm của một Hobbit có tên là Bilbo Baggins.
Cũng trong năm đó, theo yêu cầu từ phía nhà xuất bản của mình, Stanley Unwin, Tolkien bắt tay vào việc sáng tác một bộ The Hobbit mới. Ba phần của Chúa tể những chiếc nhẫn được xuất bản trong thời gian từ 1954 đến 1955, được chia ra làm 6 quyển, xoay quanh những năm tháng vĩ đại của Trung Địa trong cuộc chiến chống lại chúa tể bóng tối Sauron của các dân tộc tự do tại Trung Địa.
- The Fellowship of the Ring, hay Đoàn hộ nhẫn (29 tháng 7 năm 1954)
- The Two Towers, hay Hai tòa tháp (11 tháng 11 năm 1954)
- The Return of the King, hay Nhà vua trở về (20 tháng 10 năm 1955)
Tại Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học liên kết với Nhã Nam đã phát hành trọn bộ Chúa tể những chiếc nhẫn với ba tập do Nguyễn Thị Thu Yến và Đặng Trần Việt biên dịch.
13. Harry Porter
Harry Potter là tên của series tiểu thuyết huyền bí gồm tám phần của nữ nhà văn Anh Quốc J. K. Rowling. Bộ truyện viết về những cuộc phiêu lưu phù thủy của cậu bé Harry Potter cùng hai người bạn thân là Ronald Weasley và Hermione Granger, lấy bối cảnh tại Trường Phù thủy và Pháp sư Hogwarts nước Anh. Những cuộc phiêu lưu tập trung vào cuộc chiến của Harry Potter trong việc chống lại tên Chúa tể hắc ám Voldemort – người có tham vọng muốn trở nên bất tử, thống trị thế giới phù thủy, nô dịch hóa những người phi pháp thuật và tiêu diệt những ai cản đường hắn, đặc biệt là Harry Potter.
Bộ truyện kết hợp nhiều thể loại, bao gồm cả giả tưởng và giai đoạn tuổi mới lớn (với các yếu tố huyền bí, kinh dị, phiêu lưu và lãng mạn), nhiều ý nghĩa về văn hóa và tư liệu tham khảo. Cũng theo tác giả J. K. Rowling, chủ đề chính xuyên suốt là Cái chết.
Harry Potter là một điển hình về các tác phẩm văn học giá trị nhưng phải gánh chịu sự hắt hủi của các nhà xuất bản trong hành trình đến với độc giả. Tập 1 của Harry Potter đã không nhận được sự chấp thuận nào từ 12 nhà xuất bản, trong đó có cả những đơn vị lớn như Penguin và Harper Collin. Tập truyện Harry Potter đầu tiên chỉ được chấp nhận bởi Bloomsbury, một nhà xuất bản nhỏ ở Anh nhưng cũng là may mắn nhờ con gái 8 tuổi của giám đốc nhà xuất bản được cho đọc mấy chương đầu của bản thảo. J. K. Rowling nhận được hợp đồng xuất bản đầu tiên với số lượng in không quá 1000 bản, kèm theo đó là một lời khuyên từ biên tập viên Barry Cunnighamm rằng: “Bà nên tìm một công việc ổn định, bởi vì bà có rất ít cơ hội kiếm sống bằng việc viết sách cho thiếu nhi.” Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, tác phẩm này đã nhận được hoan nghênh nhiệt liệt.
Ngay từ khi xuất bản phần một (Harry Potter and the Philosopher’s Stone – ấn bản Anh; Harry Potter and the Sorcerer’s Stone – ấn bản Mỹ; Harry Potter và Hòn đá Phù thủy – bản dịch tiếng Việt) vào ngày 30 tháng 6 năm 1997, bộ truyện ngày càng nổi tiếng trên toàn thế giới, được giới phê bình hoan nghênh và rất thành công về mặt thương mại. Bộ truyện cũng nhận được một số lời chỉ trích, bao gồm cả việc lo ngại về vẻ đen tối ngày càng tăng. Đến tháng 2 năm 2018, cả bảy quyển đã bán được hơn 500 triệu bản, trở thành bộ sách bán chạy nhất trong lịch sử và được dịch sang 67 ngôn ngữ. Phần bảy, và cũng là phần cuối cùng, Harry Potter and the Deathly Hallows (Harry Potter và Bảo bối Tử thần) xuất bản vào ngày 21 tháng 7 năm 2007. Hơn 11 triệu quyển đã được bán trong 24 giờ đầu tiên.
Nhờ vào sự thành công của bộ truyện, J. K. Rowling đã trở thành nhà văn giàu nhất trong lịch sử văn học. Những bản in bằng tiếng Anh được phát hành bởi nhà xuất bản Bloomsbury ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Scholastic Press ở Mỹ, Allen & Unwin ở Úc và Raincoast Books ở Canada. Tại Việt Nam, bộ truyện này được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản từ bản dịch của dịch giả Lý Lan.
Cả bộ truyện 7 quyển, với quyển thứ 7 được chia thành 2 phần, dựng thành 8 bộ trong loạt phim cùng tên bởi hãng Warner Bros. Pictures, trở thành loạt phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, kéo theo thương hiệu Harry Potter có giá trị hơn 15 tỉ USD.
14. Mật mã Da Vinci
Mật mã Da Vinci (tiếng Anh: The Da Vinci Code) là một tiểu thuyết của nhà văn người Mỹ Dan Brown được xuất bản năm 2003 bởi nhà xuất bản Doubleday Fiction. Đây là một trong số các quyển sách bán chạy nhất thế giới với trên 40 triệu quyển được bán ra (tính đến tháng 3 năm 2006), và đã được dịch ra 44 ngôn ngữ.
Tổng hợp các thể loại hư cấu trinh thám, giật gân và âm mưu, quyển sách là một trong bốn tiểu thuyết liên quan tới nhân vật Robert Langdon, cùng với Thiên thần và Ác quỷ (Angels and Demons), Biểu tượng thất truyền (The Lost Symbol, trước đây được biết đến với tên The Solomon Key) và Hỏa ngục (Inferno).
Cốt truyện của tiểu thuyết kể về âm mưu của Giáo hội Công giáo nhằm che giấu sự thật về Chúa Giê-su. Truyện ám chỉ rằng Tòa thánh Roma biết rõ âm mưu này từ hai ngàn năm qua, nhưng vẫn giấu kín để giữ vững quyền lực của mình. Sau khi vừa xuất bản, cuốn tiểu thuyết đã khơi dậy mạnh mẽ sự tò mò khắp thế giới đi tìm hiểu sự thật về Sự tích Chén Thánh, và vai trò của Mary Magdalene trong lịch sử Giáo hội Công giáo.
Mật mã Da Vinci nhận được nhiều phê bình sâu sắc. Những người ủng hộ cho rằng quyển tiểu thuyết rất sáng tạo, đầy kịch tính và làm cho người xem phải suy nghĩ. Người chỉ trích thì cho rằng quyển sách không chính xác và viết rất kém, những chỉ trích còn lên án các ẩn ý xấu của Dan Brown về Giáo hội Công giáo.
Tiểu tuyết của Dan Brown rất thành công khi được xuất bản năm 2003, cạnh tranh với cả bộ sách nổi tiếng Harry Potter. Có nhiều bài phê bình tán thành trong tờ The New York Times, Tạp chí People, và tờ The Washington Post. Nhiều người khen nó là một sách hay và làm cho người đọc phải suy nghĩ. Nó cũng làm nhiều người quan tâm lại về lịch sử Giáo hội Công giáo. Cùng với những quan tâm về giáo hội, Mật mã Da Vinci cũng sinh ra nhiều “sách nhái” (Publishers Weekly gọi những sách này là “knockoff”), tức là các tiểu thuyết rất giống với The Da Vinci Code, thí dụ The Last Templar của Raymond Khoury và The Templar Legacy của Steve Berry.
Mật mã Da Vinci hiện đang là sách ưa thích của nhiều sinh viên nhất trên danh bạ điện tử Facebook.
15. P.S.I love you (2007)
“PS I Love You – Sức Mạnh Tình Yêu” là tác phẩm đầu tay của nữ nhà văn Cecelia Ahern. Là một tác giả trẻ tuổi nhưng từ những tác phẩm đầu tiên, độc giả đã có thể thấy được tài năng và văn phong tuyệt vời của cô.
Holly và Gerry làm bạn với nhau từ khi còn là những cô cậu thiếu niên tràn đầy sức sống của tuổi trẻ. Trên cùng một con đường, từ tình bạn, mối quan hệ của họ đã chuyển thành tình yêu. Nhưng rồi một ngày, Gerry đã bất ngờ ra đi để lại Holly với sự tuyệt vọng và đau đớn. Và rồi, vào ngày sinh nhật thứ 30 của cô, Gerry đã gửi gắm những bức thư của mình đến cô. Mỗi ngày là một lá thư được mở ra cũng là động lực cuộc sống của Holly. Cô bước vào thế giới đó bằng sự đau khổ, chán nản và đi ra bằng những niềm tin và sự can đảm. Giữa cô và anh, đó không chỉ là tình yêu bất diệt, đó còn là sự gắn kết, tri kỉ của nhau.
Bằng tính nhân văn đầy ý nghĩa, tác phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Ngôn ngữ nhẹ nhàng cùng phong cách kể chuyện tự nhiên, sâu lắng đã khiến cho tác phẩm càng thêm hấp dẫn và thu hút bạn đọc.
16. The Reader (2008)
Người Đọc đã từng gây rúng động, không phải bằng câu chữ, cũng không phải bằng cách kể chuyện hay giọng văn lôi cuốn… Thế giới biết đến Người Đọc nhiều hơn qua những thước phim mà nhờ đó Kate Winslet đã giành cho mình giải Oscar danh giá.
Thực ra độc giả không dễ bị cuốn hút từ những dòng đầu tiên.
Câu chữ của Bernhard Schlink bắt đầu từ một cậu bé ốm yếu, bệnh tật và cuộc gặp vô tình của cậu với Hanna. Người Đọc là một cuốn sách mỏng nhưng lại kể một câu chuyện dài. Cả cuốn sách dày đặc những đoạn miêu tả và trần thuật, có thoại, nhưng rất ít. Chính vì thế, câu chuyện của Người Đọc hiện ra khô khan mà vô cùng chủ quan từ cái tôi của người kể chuyện. Michael chỉ là một cậu bé từ khi câu chuyện bắt đầu cho đến khi kết thúc. Cậu gặp Hanna rồi sa vào những cuốn hút của cảm xúc, của rung động đầu đời, của bí ẩn mới lạ và rồi kết thúc nó khi tuổi trưởng thành còn chưa đến.
Nhiều người đã đọc Người Đọc trách cứ Hanna và đặt ra những giả thiết, nhưng chung quy, nếu Hanna có đủ can đảm nhìn vào sự thật rằng bà là một kẻ mù chữ ngu dốt, thì cuộc đời bà sẽ khác đi nhiều. Hanna sẽ không mù quáng chấp hành nhiệm vụ bất kể nó đúng hay sai, Hanna cũng sẽ không phải gánh lấy tội trạng mà bà tham gia chỉ vì chức trách. Hanna sẽ không tuyệt vọng đến nỗi khiếp sợ cuộc sống và biến nhà tù thành cõi bình yên.
Bernhard Schlink đã kể, thông qua Michael, bằng giọng văn lạnh lùng đến đáng sợ như thể cả Người Đọc là một tập ký sự pháp đình. Nhưng đằng sau những đoạn văn trần thuật dài lê thê mô tả một cuộc đời bế tắc ấy là những day dứt, phân vân của một kẻ dù biết sự thật nhưng vẫn hèn nhát – như Hanna, không dám đứng lên để nói ra với cả thế giới. Người Đọc miêu tả và đồng cảm sâu sắc với những thái độ làm người – cho dù hèn nhát hay can đảm, ngu dốt hay thông minh, vô trách nhiệm hay tận tâm. Và bất kể bạn yêu ghét nhân vật nào trong Người Đọc thì vẫn sẽ nhận ra mình cần nâng niu những giá trị nhân bản trong cuộc sống vốn xáo trộn và đầy vết thương do quá khứ để lại này.
17. Series tiểu thuyết “Chạng Vạng”
The Twilight Saga là bộ phim viễn tưởng gồm 5 tập dựa trên bộ truyện Chạng vạng. Ba diễn viên chính của phim là Kristen Stewart, Robert Pattinson và Taylor Lautner. Bộ phim đã thu được một doanh thu khổng lồ: trên 2 tỉ đô la toàn thế giới. Tập đầu tiên, Chạng vạng công chiếu vào ngày 21 tháng 11 năm 2008. Tập thứ hai, Trăng non công chiếu ngày 20 tháng 11 năm 2009. Tập thứ ba, Nhật thực công chiếu ngày 30 tháng 6 năm 2010. Riêng tập thứ 4 Hừng đông đã được công chiếu 2 phần, phần 1 có có một số cảnh không phù hợp cho những người dưới 16 tuổi.
Chạng vạng được công chiếu vào năm 2008, đạo diễn bởi Catherine Hardwicke và được viết bởi Melissa Rosenberg. Nội dung tập này tập trung vào mối quan hệ giữa một cô gái Bella Swan và ma cà rồng Edward Cullen. Những khó khăn khi Bella tiếp xúc, hoà nhập với gia đình nhà Cullen và những mối nguy hiểm rình rập khi có người yêu là ma cà rồng. Ngay sau khi phát hành, phim đã thu về 35,7 triệu đô-la Mỹ. Đến nay, phim đã thu về 408,9 triệu đô-la Mỹ toàn thế giới.
Trăng non là tập thứ hai của The Twilight Saga, được đạo diễn bởi Chris Weitz. Trong tập này Bella có một người bạn mới, là người sói Jacob Black. Jacob và bộ tộc người sói đã bảo vệ Bella khỏi Victoria, một ma cà rồng tìm cách trả thù Edward cho cái chết của bạn mình bằng cách giết Bella. Và Edward vì lo cho sự an toàn của Bella đã quyết định chia tay với Bella và bỏ đi thật xa… Bella vì quá đau buồn nên luôn tìm cách huỷ hoại bản thân để hi vọng Edward sẽ quay về…trong một lần nhảy xuống vực, Bella suýt chết, may mắn được Jacob cứu sống… Còn Edward cho rằng Bella đã chết nên quyết định tự tử ở Volturi, Italia. Nhưng Alice(em gái Edward) đã phát hiện, cùng với Bella, họ đã nhanh chóng lên đường sang Italy tìm Edward. Bằng tình yêu mãnh liệt dành cho Edward… Bella đã nhanh chóng một mình tìm ra được Edward trước khi anh quyết định kết thúc cuộc sống của mình. Phim khởi chiếu ngày 20 tháng 11 năm 2009. Doanh thu của phim là 142.839.137 đô-la Mỹ chỉ sau một tuần, với doanh thu này phim đứng thứ 5 về doanh thu sau 1 tuần.
Nhật thực là tập phim thứ ba, đạo diễn bởi David Slade. Nội dung phim về việc Bella muốn kết hôn với Edward. Trong khi đó Victoria càng đến gần hơn. Jacob và các người sói khác phải ngăn không cho Victoria cùng 1 nhóm ma cà rồng mới sinh tấn công Bella. Bộ phim khởi chiếu ngày 30 tháng 6 năm 2010.
The Twilight Saga: Hừng đông – Phần 1 được đạo diễn bởi Bill Condon, ngoài ra nhà văn Stephenie Meyer cũng đồng sản xuất bộ phim cùng với Karen Rosenfelt và Wyck Godfrey, với phần kịch bản được viết bởi Melissa Rosenberg. Nội dung của cuốn tiểu thuyết được chia thành hai bộ phim điện ảnh, phần đầu được phát hành vào ngày 18 tháng 11 năm 2011. Công việc quay phim cho Hừng đông bắt đầu vào tháng 11 năm 2010. Hừng đông – Phần 1 kể về việc Bella và Edward tổ chức đám cưới và nhanh chóng sau đó Bella đã có thai.
The Twilight Saga: Hừng đông – Phần 2 được đạo diễn bởi Bill Condon, ngoài ra nhà văn Stephenie Meyer cũng đồng sản xuất bộ phim cùng với Karen Rosenfelt và Wyck Godfrey, với phần kịch bản được viết bởi Melissa Rosenberg. Nội dung của cuốn tiểu thuyết được chia thành hai bộ phim điện ảnh, phần đầu được phát hành vào ngày 18 tháng 11 năm 2011, phần sau được phát hành vào ngày tháng 11 năm 2012. Hừng đông – Phần 2 chứng kiến sự đỉnh cao trong mối quan hệ giữa Bella và Edward.
18. Sherlock Holmes
Sherlock Holmes (/ˈʃɜːrlɒk
Xuất hiện lần đầu trong tác phẩm Cuộc điều tra màu đỏ năm 1887, nhân vật này dần trở nên nổi tiếng với loạt truyện ngắn đầu tiên trên The Strand Magazine, bắt đầu bằng “Vụ tai tiếng xứ Bohemia” năm 1891. Kể từ đó, những câu chuyện mới lần lượt ra đời cho đến năm 1927. Tổng cộng đã có 4 tiểu thuyết và 56 truyện ngắn được xuất bản. Các câu chuyện hầu hết lấy bối cảnh vào giữa những năm 1880 và 1914, chỉ trừ một số diễn ra ở thời đại Victoria hoặc Edward. Chúng đa phần được thuật lại qua lời của bác sĩ John H. Watson, một cây viết tiểu sử và là người bạn thân của Holmes. Watson thường song hành cùng Holmes trong các cuộc điều tra và cũng thường chia sẻ với Holmes căn nhà số 221B, phố Baker, Luân Đôn, nơi khởi nguồn của nhiều chuyến phiêu lưu.
Mặc dù không phải là nhân vật thám tử hư cấu đầu tiên, Sherlock Holmes vẫn được xem là nhân vật nổi tiếng nhất. Đến những năm 1990, đã có hơn 25.000 tác phẩm chuyển thể sân khấu, phim, chương trình truyền hình và ấn phẩm có tên vị thám tử này. Sách kỷ lục Guinness liệt kê Holmes là nhân vật văn học được khắc họa nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh và truyền hình. Sự phổ biến và danh tiếng của Holmes khiến nhiều người tưởng rằng anh là một nhân vật có thật chứ không phải hư cấu. Đây cũng là tiền đề cho sự thành lập của nhiều nhóm văn học hay hội mộ điệu. Những độc giả say mê các câu chuyện về Holmes chính là những người tạo ra thông lệ hiện đại cho khái niệm cộng đồng người hâm mộ. Holmes với những chuyến hành trình của anh đã có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến nền văn học bí ẩn cũng như văn hóa đại chúng nói chung, khi những tác phẩm gốc của Conan Doyle hay hàng ngàn câu chuyện được viết bởi các tác giả khác, được chuyển thể thành kịch sân khấu, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, trò chơi điện tử cùng nhiều loại hình truyền thông khác, trong suốt hơn một trăm năm.
19. Ăn, Cầu nguyện, Yêu (2012)
Ăn, cầu nguyện, yêu” là một quyển hồi kí kể lại một năm hành trình tìm lại cân bằng, tự do và hạnh phúc của chính tác giả, Elizabeth Gilbert, sau khi cuộc hôn nhân đổ vỡ. Độc giả sẽ được theo dấu chân cô qua 3 vùng đất với những nền văn hóa và trải nghiệm khác nhau: ăn (Ý), cầu nguyện (Ấn Độ) và yêu (Bali, Indonesia).
Sau 6 năm kết hôn, Liz (tên thân mật của tác giả) nhận ra bản thân không phù hợp với đời sống hôn nhân, cô cảm thấy mất tự do trong chính ngôi nhà của mình nên cô đã quyết định ly dị. Sau đó là bi kịch của cô với David, người tình trẻ đẹp của cô, càng khiến tình trạng của cô thêm tệ hại: cô tự ti, cô cảm thấy bản thân thật thất bại khi luôn làm rối tung mọi mối quan hệ của mình. Thế nên cô quyết định từ bỏ tất cả và bắt đầu hành trình tìm lại cân bằng và hạnh phúc.
-4 tháng ở Ý, cô theo học tiếng Ý, cô kết bạn với những con người Ý nhiệt thành và sảng khoái, cô thưởng thức những món ăn tuyệt hảo nơi đây, để lạc thú trong vị giác giúp cô thoát khỏi sự dằn vặt và buồn đau của mình.
-Tiếp đó là 4 tháng trong một Ashram ở Ấn Độ, tại đây cô học cách kiểm soát tâm trí bằng thiền định, học cách tìm về tĩnh lặng ở trái tim. Đây cũng là nơi cô chấp nhận và buông bỏ những cảm xúc tiêu cực và tìm lại được bình yên trong cuộc sống. Mình thật sự thích nhân vật “Richard từ Texas” ở chương này.
-Và cuối cùng là một Bali hiền hoà, tác giả vừa khéo léo đưa vào những thông tin thú vị về văn hoá Bali, vừa tóm lược về lịch sử đẫm máu ở nơi đây, một nơi được mệnh danh là “Đảo của các Thần”, một nơi chứa đầy cái đẹp, sự cân bằng và lòng sùng tín. Bali là nơi Liz thực hành lại những gì mình đã học ở Ý và Ấn Độ, gặp gỡ bạn bè và cuối cùng là tìm thấy tình yêu và một lần nữa, dũng cảm đón nhận tình yêu.
“Đôi khi, việc tình yêu làm ta mất cân bằng lại là một phần của sự tìm lại cân bằng trong cuộc sống.” – Elizabeth Gilbert
Tác phẩm nổi tiếng nhờ vào sự tái hiện chân thật những diễn biến trong tâm trí và cảm xúc của tác giả, bởi như Elizabeth Gilbert từng chia sẻ: những gì cô cố gắng làm với cuốn sách đó là hiểu được những bối rối cảm xúc của chính mình. Vô tình chính điều đó đã tạo ra sợi dây liên kết với những người phụ nữ khác trên khắp thế giới và trở nên hữu ích với họ. Mặc dù mình không cảm được hoàn toàn sự chân thật này (và đôi lúc nó khiến mình hơi không thoải mái, đặc biệt là những trải nghiệm tâm linh trong tâm trí của cô ở chương Ấn Độ) nhưng mình đánh giá cao tinh thần quyển sách mang lại, đó là đề cao quyền con người – quyền được lựa chọn, đặc biệt là phụ nữ, như tác giả đã dũng cảm rời bỏ cuộc hôn nhân không như ý và đi tìm lại cân bằng thay vì cam chịu như nhiều người phụ nữ khác bởi những thứ gọi là truyền thống và quy ước, thời gian đầu chắc chắn sẽ rất khó khăn, nhưng rồi mọi chuyện nhất định sẽ qua.
20. Alice ở xứ sở thần tiên
Cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ Sở Thần Tiên (tiếng Anh: Alice’s Adventures in Wonderland) là cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi của tác giả người Anh Charles Lutwidge Dodgson dưới bút danh Lewis Carroll viết năm 1865. Câu chuyện kể về cô bé Alice chui qua một hang thỏ rồi lạc vào thế giới thần tiên có những sinh vật kì lạ.
Cuốn sách thường được biết đến ở Việt Nam nhan đề Alice ở Xứ Sở Thần Tiên, Alice lạc vào Xứ Sở Diệu Kỳ hoặc Alice ở Xứ Sở Diệu Kỳ, nhan đề phổ biến trên các sân khấu, phim ảnh và truyền hình nhiều năm qua. Một số bản in cả nhan đề Cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ Sở Thần Tiên và tập tiếp theo Đi qua tấm gương.
Nội dung
Nghe chị đọc truyện, Alice cảm thấy thật mệt mỏi. Mới nhắm mắt lại, cô bé đã thấy một chú thỏ trắng hối hả chạy ngang qua vừa nhìn vào đồng hồ bỏ túi vừa lầm bầm một mình. Alice nghĩ bụng, thật là kì lạ – một chú thỏ nói chuyện với chiếc đồng hồ bỏ túi! Thế là cô bé chạy theo sau thỏ trắng vào trong cái hang thỏ bên dưới một gốc cây to. Và cô bé rơi xuống, dường như rơi xuống tận tâm Trái Đất vậy. Nhưng khi Alice rớt bịch xuống, Thỏ Trắng cũng vừa biến mất sau một cánh cửa nhỏ xíu dẫn ra một vườn hoa tuyệt đẹp nhưng cô không thể nào chui lọt được. Alice uống nước trong cái chai “Uống tôi đi” trên bàn và người cô bé thu lại nhỏ xíu. Nhưng giờ cô lại quá nhỏ để với được cái chìa khoá trên bàn. Cô ăn cái bánh “Ăn tôi đi” và thầm nghĩ nếu nó làm cô nhỏ hơn, cô sẽ chui qua được cánh cửa, còn nếu ngược lại thì cô sẽ với được cái chìa khoá.
Miếng bánh làm Alice cao đến nỗi đầu cô cụng phải trần nhà. Không biết phải làm thế nào, cô bật khóc. Nước mắt cô chảy thành suối. Thỏ trắng chạy tới, thấy cô hoảng quá, làm rớt lại đôi găng tay cùng cái quạt. Cô bé nhặt lên và quạt quạt thử và nhận ra mình đã trở lại như cũ. Alice bơi trong suối nước mắt và gặp một chú chuột cũng đang bơi. Dòng nước bắt đầu đầy thú vật và chim chóc bị lũ quét. Chúng phải bơi để sống sót. Khi nước đã rút đi, chú Thỏ Trắng quay trở lại ra lệnh cho Alice lấy cho chú đôi găng tay và chiếc quạt. Trong phòng, cô bé tìm thấy một cái chai và uống. Ngay lập tức cô lớn như thổi, căn phòng dường như không thể chứa nổi. Ai đó ném một nắm sỏi vào phòng, mấy viên sỏi biến luôn thành những chiếc kẹo rất ngon mắt. Alice ăn luôn và người bé dần thành tí hon.
Kế đến, Alice gặp một bác sâu bướm huênh hoang. Bác bảo rằng nếu cô bé muốn thay đổi vóc dáng cho thật to lớn thì hãy ăn cây nấm mà bác đang ngồi đây. Alice thử nếm một bên thân nấm và vọt cao hơn cả những ngọn cây khiến cho chim chóc hoảng sợ. Nhưng khi cô bé cắn bên kia một cái, ngay lập tức cô bé trở lại vóc dáng bình thường.
“Giờ thì mình sẽ đi đường nào đây?”, Alice tự hỏi. Mấy tấm biển chỉ đường chỉ loạn xạ các hướng nên chẳng giúp cô bé được gì cả.”Nếu muốn tìm Thỏ Trắng, hãy đi hỏi lão bán mũ điên” một con mèo lúc nào cũng nhăn nhở cười toét miệng trên một thân cây nói vọng xuống. “Ông ta sống ở dưới đó đó.” Alice tìm thấy người bán mũ điên và thỏ rừng đang dùng tiệc cùng bà quận chúa, còn có một con mèo có nụ cười nham nhở rất dễ sợ. Cô cũng tham dự một lúc. Đó là bữa tiệc nhàm chán nhất mà Alice đã tham dự. Cô đến một cánh cửa trên cây, bước vào và thấy mình trở lại con đường mình đã đi lúc đầu. Cô mở cửa, ăn nấm, và có thể vào khu vườn đẹp đẽ ngát hương.
Trong vườn, Alice thấy ba người làm vườn đang sơn màu đỏ lên bông hồng bạch vì hoàng hậu không thích hoa hồng bạch. Một bộ bài gồm vua, hoàng hậu và có cả Thỏ Trắng đi vào vườn. Alice thấy bà Hoàng hậu Q cơ bạo chúa và ông Hoàng K cơ. Trò croquet bắt đầu, với cầu là những con nhím sống và các lính hầu cúi khom lưng làm lưới, còn vợt là những con hồng hạc. Alice gặp lại chú mèo cười nhăn nhở, nhưng chỉ có đầu mà không có thân. Bà Hoàng Q cơ ra lệnh chặt đầu chú mèo dù đó là tất cả của nó. Alice gợi ý đi tìm bà quận chúa và Hoàng hậu ra lệnh bắt bà ta.
Alice chạy đi tìm cái vợt của mình là con hạc nhưng không thấy. Khi quay lại thì trong cung điện đang diễn ra một phiên toà. Tên quan hầu J cơ bị đem ra xét xử vì ăn cắp bánh của Hoàng hậu. Nhân chứng là 12 con vật, kể cả con thằn lằn Bill. Quan toà là ông Hoàng K cơ. Rất nhiều nhân chứng bị gọi ra, nhưng bọn khai lung tung. Alice trong lúc chứng kiến phiên toà điên rồ, vô tình nhấm nháp miếng nấm còn lại, bỗng người cô cao lên, đầu đụng phải mái điện. Bất ngờ lúc đó, nhà vua cho gọi Alice làm nhân chứng dù Alice không hề liên quan.
Theo luật cô bé quá cao để làm nhân chứng nên vua ra lệnh cho cô đi khỏi ngay lập tức. Alice cự nự rằng chỉ đi sau khi nghe tuyên án. Vua và hoàng hậu thi nhau phán những điều lố bịch, khiến Alice rất khinh bỉ. Hoàng hậu thét lũ quân hầu chặt đầu cô ngay lập tức, nhưng Alice kháng cự, gọi họ chỉ là một cỗ bài nhảm nhí, tức thì cả triều đình biến thành một bộ bài lao thẳng vào mặt Alice. Cô bé chợt tỉnh giấc, thấy chị đang ngồi bên cạnh. Thì ra, cuộc phiêu lưu kì lạ vừa qua chỉ là một giấc mơ đẹp.
21. Cuộc đời của Pi (2012)
Cuộc đời của Pi (tiếng Anh: Life of Pi) là một tiểu thuyết của nhà văn người Canada Yann Martel, được xuất bản năm 2001 bởi nhà xuất bản Knopf Canada. Năm 2002, cuốn sách giúp tác giả giành được giải Man Booker. Năm 2003, văn bản tiếng Anh, Life of Pi, được chọn cho giải Canada Reads và văn bản tiếng Pháp, L’Histoire de Pi, được chọn cho giải Le combat des livres; cả hai giải là của CBC Radio.
Tác phẩm kể về cậu bé Piscine Molitor Patel, sau đó, cậu tự gọi mình là Pi. Pi là con trai của một chủ vườn thú tại vùng Pondicherry của Ấn Độ. Cậu say mê tôn giáo và cùng một lúc theo cả đạo Hindu, đạo Hồi và đạo Thiên Chúa. Để tránh những biến cố chính trị, gia đình cậu chuyển toàn bộ vườn thú tới Canada trên một con tàu của Nhật Bản có tên là Tsimtsum. Con tàu đã gặp một cơn bão lớn và chìm, còn Pi lạc mất gia đình mình, cậu sống sót trên chiếc thuyền cứu hộ cùng một con hổ Bengal có tên Richard Parker, một con linh cẩu, một con đười ươi và một con ngựa vằn. Cuối cùng, chỉ còn lại con hổ và cậu lênh đênh trên biển. Sử dụng những hiểu biết về nuôi dưỡng thú hoang, Pi đã duy trì sự sống của cả cậu và Richard Parker cho tới khi cả hai dạt lên một bờ biển. Câu chuyện bắt đầu khi tác giả gặp Pi, lúc này đã ở tuổi trung niên có vợ và hai con, tại Winnipeg – Canada và bắt đầu ghi chép lại chuyện đời của anh.
22. Anna Kareinina (2012)
Anna Karenina (tiếng Nga: Анна Каренина) là một tiểu thuyết của nhà văn Nga Lev Nikolayevich Tolstoy, được đăng tải nhiều kỳ trên tờ báo Ruskii Vestnik (tiếng Nga: Русский Вестник, “Người đưa tin”) từ năm 1873 đến năm 1877 trước khi xuất bản thành ấn phẩm hoàn chỉnh.
Anna Karenina được xem như là một đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực. Nhân vật chính trong truyện Anna Karenina được Tolstoy sáng tác dựa vào Maria Aleksandrovna Hartung, người con gái lớn của đại thi hào Aleksandr Sergeyevich Pushkin. Sau khi gặp cô ở một bữa ăn tối, ông bắt đầu đọc truyện viết dở dang của Puskin: Những người khách họp mặt trong biệt thự, Tolstoy nảy ra ý định viết Anna Karenina.
Theo một cuộc thăm dò gần đây, dựa trên ý kiến của 125 nhà văn nổi tiếng đương thời, tiểu thuyết Anna Karenina là tác phẩm có số phiếu bầu cao nhất trong danh sách 10 tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại.
Nội dung
Gia đình người anh rể của Anna có sự bất hòa và Anna – vợ của một quan chức cao cấp của triều đình ở Sankt-Peterburg, đã đi tàu đến Moskva để giúp anh trai và chị dâu hòa giải. Nàng đi cùng toa với bá tước phu nhân Vroskaya. Đến Moskva, anh trai của Anna đón ở ga và con trai của bá tước phu nhân là Alexei Vronsky cũng ra đón mẹ. Lúc này, mọi người chưa kịp xuống tàu thì xảy một tai nạn khủng khiếp: một người công nhân bị tàu cán chết. Sự kiện này làm mọi người hết sức kinh hoàng.
Cùng thời gian này, Levin, một điền chủ hầu như quanh năm chỉ sống ở nông thôn, cũng đến Moskva với mục đích cầu hôn với cô con gái út của gia đình Cherbatsky là Kitty – người mà đã để ý và có tình cảm từ lâu. Kitty mới 18 tuổi vừa bắt đầu gia nhập cuộc sống giao tế của giới thượng lưu và được nhiều người để mắt đến trong đó có Vronsky. Chàng là người tuấn tú, giàu có, quý phái và có tương lai xán lạn ở triều đình và trong quân đội. Nên mặc dù Kitty cảm thấy mình quý mến và tin cậy Levin, song tâm hồn của cô gái trẻ này lại hướng về Vronsky nhiều hơn, nên nàng đã từ chối lời cầu hôn của Levin.
Anna nhanh chóng giải quyết mối mâu thuẫn cho vợ chồng người anh. Vẻ xinh đẹp và khả ái của Anna đã hấp dẫn mọi người xung quanh kể cả Kitty (em gái của Dolly – chị dâu của Anna). Trong buổi khiêu vũ tổ chức tại nhà người quen ít lâu sau, cả Kitty và Anna đều đến. Kitty hạnh phúc và mong chờ được nhảy cùng Vronsky, nhưng khi nàng thấy vẻ mặt của Vronsky khi nhảy cùng Anna, nàng bất ngờ nhận ra rằng Vronsky đã say mê Anna, điều đó khiến Kitty vô cùng đau khổ.
Anna đón nhận tình cảm của Vronsky và xao xuyến vì tình cảm đó nên nàng cảm thấy có lỗi. Nàng đã vội vã rời Moskva nhưng trên chuyến tàu trở về Sankt-Peterburg. Vronsky đã đi theo “để có mặt nơi nào nàng có”.
Chồng của Anna là Alexei Karenin, lớn hơn nàng nhiều tuổi, là một con người có tâm hồn khô khan, cằn cỗi, khuôn sáo và có lối sống tẻ nhạt. Anna lấy Karenin là do sự sắp đặt của người cô ham tiền và ham địa vị. Vì vậy, sau bao năm chung sống với chồng, nàng không hề có tình yêu với một con người như thế nên nàng đã dồn mọi tình cảm cho đứa con trai. Sự xuất hiện của Vronsky cùng với tình cảm nồng nhiệt của chàng đã đánh thức những khát khao yêu đương trong Anna. Ban đầu nàng cố gắng đấu tranh, song cuối cùng nàng không kháng cự nổi và đã lao vào cuộc tình với Vrosky. Cuộc tình vụng trộm đó không giấu được lâu nhưng thật bất ngờ chồng Anna biết nhưng không ghen tuông mà còn lo lắng cho danh dự và tiếng tăm của ông ta lẫn Anna. Nàng có thai với Vronsky và suýt chết trong khi sinh nở. Karenin đã cao thượng tha thứ cho nàng, chăm sóc nàng cùng đứa bé gái mới sinh khiến Anna cảm động ăn năn và Vronsky thì thấy nhục nhã định tự tử nhưng không chết. Tuy nhiên, sự cao thượng của Karenin chỉ tách Anna ra khỏi Vronsky trong thời gian ngắn mà không dập tắt nổi ngọn lửa tình yêu giữa hai người. Nó tạm lắng xuống rồi lại bùng lên rừng rực, mạnh mẽ. Họ không thể sống thiếu nhau, Anna quyết định bỏ nhà, chia tay với đứa con trai mà nàng yêu quý, để cùng Vronsky và đứa con gái nhỏ ra nước ngoài.
Levin sau khi bị Kitty từ chối “lời cầu hôn” liền rời Moskva quay trở về với nông thôn. Chàng trở lại với công việc quản lý điền trang và tìm thấy sự an ủi trong công việc, trong sự hòa nhập với thiên nhiên và cuộc sống của những người lao động. Chàng biết được việc của Kitty (sau khi bị Vronsky từ chối nàng đã rất đau khổ và bệnh nặng) phải ra nước ngoài dưỡng bệnh. Một lần tình cờ sau buổi làm việc ngoài đồng, trên đường về Levin nhìn thấy cỗ xe ngựa chở Kitty chạy qua (nàng đang trên đường từ nước ngoài trở về). Chàng chợt nhận ra rằng tình cảm của mình dành cho nàng vẫn còn nguyên vẹn, bèn quyết định đi Moskva để cầu hôn lần nữa. Lần này, chàng đã thành công. Họ nhanh chóng chuẩn bị đám cưới và sau đám cưới, Levin đưa ngay vợ về nông thôn. Kitty lập tức thích ứng với vai trò người vợ của mình khiến cho Levin nhiều bất ngờ và ngạc nhiên. Giữa hai vợ chồng cũng xảy những cuộc cãi cọ, hiểu lầm nho nhỏ, song cuộc sống của gia đình họ rất hạnh phúc.
Trong khi đó hạnh phúc của Anna và Vronsky thật không dễ dàng, nó phải đổi bằng những hy sinh: Vronsky phải từ bỏ con đường danh vọng, Anna phải rời xa đứa con trai (mà nàng rất yêu quý và luôn nhớ thương con – nỗi nhớ ấy luôn ám ảnh và dằn vặt nàng) và chịu những lời chê trách gièm pha. Họ cũng không thể sống mãi ở nước ngoài nên một thời gian sau họ trở về Nga. Vronsky dù yêu Anna, song cũng đã mệt mỏi vì cuộc sống không chính thức của hai người, trong khi đó Anna vẫn không giải quyết được việc ly hôn với chồng vì vướng bận chuyện con trai. Karenin không cho nàng nhận con nếu ly hôn, bởi vậy nàng không thể hợp thức hóa cuộc sống lứa đôi với Vronsky. Những khó khăn đó cộng với sức ép của dư luận, của những người quen thuộc xung quanh làm cho quan hệ tình cảm giữa hai người càng lúc càng trở nên căng thẳng: Vronsky bực bội, mệt mỏi, còn Anna thì đau khổ ghen tuông, nghi ngờ về tình yêu của chàng dành cho mình. Sau một lần xích mích, Vronsky bỏ về nhà mẹ. Anna đau khổ với những ý nghĩ bi quan, tuyệt vọng vì nghĩ Vronsky đã hết yêu mình. Nàng định đi tìm chàng, nhưng lúc đến nhà ga, Anna chợt nhớ đến cái chết của người công nhân xe lửa và nàng đã quyết định bắt Vronsky phải hối hận nên đã giải thoát cho mình bằng cách lao đầu vào xe lửa.
Sau khi Anna chết, Vronsky vô cùng đau khổ. Chàng xin gia nhập vào quân đội tình nguyện giúp người Serbia trong cuộc chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Levin và Kitty vẫn tiếp tục cuộc sống gia đình hạnh phúc ở nông thôn và sinh được một cậu con trai.
23. Trên đường (2012)
Trên đường (tiếng Pháp: Sur la route, tiếng Anh: On the Road), là bộ phim của điện ảnh Brazil, Pháp, Anh, Mỹ hợp tác, do Walter Salles đạo diễn, dựa theo tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Jack Kerouac), tham gia cạnh tranh giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2012. Phim bắt đầu quay vào ngày 04 Tháng Tám 2010, ở Montreal, Canada, với một ngân sách 25.000.000 USD.
Cuộc phiêu lưu xuyên Mỹ của Sal Paradise và Dean Moriarty dựa trên những chuyến đi có thật của Jack Kerouac và Neal Cassady, hai trong số những gương mặt quan trọng nhất của Beat Generation. Đó thực chất là hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự trải nghiệm đích thực. Được viết bằng sự pha trộn giữa cái nhìn buồn bã ngây thơ với sự phóng túng cuồng nhiệt, giữa tình yêu sâu sắc của Kerouac với nước Mỹ, lòng trắc ẩn của ông với con người và cảm thức về ngôn ngữ, coi nó như nhạc jazz.
Trên đường là một điển hình cho cách nhìn Mỹ về tự do và hy vọng, đặc biệt trong bối cảnh “Giấc mơ Mỹ” bắt đầu tan vỡ. Với Trên đường, Jack Kerouac đã bắt đầu phát triển một cách viết mà ông gọi là “Văn xuôi bột phát” (Spontaneuos Prose) với đặc điểm gồm rất nhiều các câu dài, kết cấu hình thức phóng khoáng, được viết ra ngay khi ý tưởng ập đến trong đầu, mang tính cá nhân rất cao.
Bất chấp những tranh cãi dữ dội từ khi mới ra đời, Trên đường là bằng chứng sống động nhất cho một giai đoạn trong lịch sử nước Mỹ, một phong trào trí thức. Cuốn sách được công nhận như một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi của nền văn học Mỹ và thế giới.
24. Sói già phố Wall (2013)
Sói Già Phố Wall (The Wolf of Wall Street) là một bộ phim thuộc thể loại tiểu sử hài kịch. Kịch bản được viết bởi Terence Winter và phim được chuyển thể từ cuốn hồi ký cùng tên bởi Jordan Belfort kể lại dưới danh nghĩa của nhân vật Belfort nói về sự nghiệp của mình – một nhà môi giới chứng khoán tại Thành phố New York và làm thế nào mà công ty của ông Stratton Oakmont tham gia vào tham nhũng tràn lan và gian lận trên Phố Wall mà cuối cùng dẫn đến sự thất bại của ông. Bộ phim đánh dấu sự hợp tác thứ năm của đạo diễn với Leonardo DiCaprio (trước đó là Gangs of New York (2002), The Aviator (2004), The Departed (2006), và Shutter Island (2010), cũng như là lần hợp tác thứ hai của ông (?) trong mùa đông sau bộ phim truyền hình Boardwalk Empire (2010–14)).
Sói Già Phố Wall công chiếu tại thành phố New York vào ngày 17 tháng 12 năm 2013, và được phát hành tại các rạp vào ngày 25 tháng 12 năm 2013, tại Hoa Kỳ, được sản xuất bởi Paramount Pictures. Bộ phim là sản phẩm đầu tiên được phát hành hoàn toàn thông qua phân phối kỹ thuật số. Bộ phim là một thành công lớn cả về nghệ thuật lẫn thương mai, thu về hơn 392 triệu đô trên toàn thế giới trong thời gian chạy kịch bản gốc của nó để trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất của đạo diễn Scorsese cho đến nay và là một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2013. Phim đã được khỏi chiếu tại các rạp ở Việt Nam vào ngày 11 tháng 1, 2014.
Nội dung
Vào năm 1987, Jordan Belfort (Leonardo DiCaprio) được tuyển dụng vào làm một môi giới chứng khoán Phố Wall ở L.F. Rothschild dưới quyền của Mark Hanna (Matthew McConaughey), người nhanh chóng lôi kéo ông đến văn hóa môi giới chứng khoán, cũng như đầu tư lợi nhuận. Jordan sớm thấy sự nghiệp của mình chấm dứt sau thứ Hai đen tối. Ông có một công việc tại một công ty môi giới phòng nồi hơi trên Long Island tập trung vào cổ phiếu penny. Nhờ phong cách nói chuyện tích cực của mình và hoa hồng cao, Jordan đã kiếm đuọc một lượng tài sản nhỏ.
Jordan kết bạn với hàng xóm của mình Donnie Azoff (Jonah Hill), và hai người họ thành lập công ty của riêng mình. Họ tuyển dụng một số bạn bè của Jordan, những người được Jordan đào tạo nghệ thuật “bán khó”. Phương pháp kiếm tiền cơ bản của công ty là lừa đảo bơm và bãi. Để che đậy điều này, Jordan đặt cho công ty cái tên đáng kính “Stratton Oakmont“. Sau một lần Exposé trên Forbes, hàng trăm nhà tài chính trẻ đầy tham vọng tìm đến công ty của ông.
Khi Jordan trở nên thành công rực rỡ, ông đã vướng vào một lối sống suy đồi với gái mại dâm và Quaaludes. Ông có quan hệ với một phụ nữ tên là Naomi LaPaglia (Margot Robbie). Bị vợ mình Teresa phát hiện ra, họ ly dị và ông kết hôn Naomi, họ sớm có một đứa con gái, Skylar. Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Hoa Kỳ và FBI đã bắt đầu điều tra Stratton Oakmont.
Jordan kiếm bất hợp pháp 22 triệu đô trong ba giờ sau khi đảm bảo IPO của Steve Madden. Điều này dưa ông và công ty của ông vào tầm nhấm của FBI, chủ yếu là đại lý Patrick Denham (Kyle Chandler). Để giấu tiền bất hợp pháp của mình, Jordan đã mở ra một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ tạii ngân hàng tham nhũng Jean – Jacques Saurel (Jean Dujardin) dưới tên cô của Naomi là Emma (Joanna Lumley), người là công dân Anh do đó ngoài tầm với của chính quyền Mỹ. Ông lọi dụng vợ và người thân của bạn mình Brad Bodnick (Jon Bernthal), người có hộ chiếu châu Âu, để buôn lậu tiền mặt vào Thụy Sĩ.
Donnie vướng vào một cuộc đánh nhau nơi công cộng với Brad, và trong khi Donnie trốn thoát, Brad bị bắt giữ. Jordan cũng biết được từ thám tử tư của mình rằng FBI đang nghe lén điện thoại của ông. Lo lắng cho con trai của mình, cha Jordan của đề nghị ông rời Stratton Oakmont và kín tiếng trong khi luật sư của Jordan thương lượng một thỏa thuận để giữ anh ta khỏi vào tù. Jordan, tuy nhiên, không muốn rời công ty, đã tuyên bố ở giữa bài phát biểu chia tay của mình.
Jordan, Donnie và vợ của họ đang ở trên một chuyến đi du thuyền tới Italia khi họ biết rằng dì Emma đã qua đời vì một cơn đau tim. Bất chấp sự phản đối của người vợ đau buồn của mình và đội trưởng du thuyền của mình, Jordan quyết định đi thuyền đến Monaco để họ có thể lái xe đến Thụy Sĩ mà không nhận được hộ chiếu của họ đóng dấu tại biên giới và giải quyết các tài khoản ngân hàng, nhưng một cơn bão dữ dội capsizes du thuyền của họ. Sau khi giải cứu họ bằng cách bờ biển Ý, chiếc máy bay được gửi để đưa họ đến Geneva bị phá hủy khi một con mòng biển bay vào động cơ. Jordan coi đây là một dấu hiệu từ Thiên Chúa và quyết định tỉnh táo lên.
Hai năm sau đó, FBI bắt giữ Jordan vì Saurel, bị bắt tại Florida trên một khoản phí không liên quan đã thông báo với FBI về các hoạt động tội phạm của Jordan. Kể từ khi các bằng chứng chống lại ông là áp đảo, Jordan đồng ý để thu thập bằng chứng về các đồng nghiệp của mình để đổi lấy khoan hồng.
Chán ngấy với lối sống của Jordan và sau khi bị chồng hiếp dâm, Naomi nói với Jordan cô ly dị anh và giành quyền nuôi con. Sau khi tranh cãi của họ biến bạo lực, Jordan hít cocaine và nỗ lực để bắt cóc con gái của họ Skylar trước khi đâm chiếc xe của mình vào một hàng rào. Naomi và quản gia lôi Skylar từ chiếc xe và rời Jordan.
Sáng hôm sau, Jordan mặc một thiết bị nghe trộm bí mật khi quay lại làm việc. Jordan đưa Donnie một tờ giấy cảnh báo về thiết bị nghe lén và đừng cố chạy tội. Cảm giác thất vọng và bị phản bội, Donnie cho các tờ giấy đó cho FBI. Jordan bị bắt vì vi phạm thỏa thuận hợp tác của ông. FBI ập vào bắt các nhân viên và đóng cửa Stratton Oakmont.
Mặc dù có sự vi phạm này, Jordan vẫn nhận giảm án cho lời khai của ông và bị kết án 36 tháng trong một nhà tù an ninh tại Nevada. Sau năm 2006, Jordan kiếm sống bằng các cuộc hội thảo về kỹ thuật bán hàng.
25. Gatsby vĩ đại (2013)
Gatsby vĩ đại (tiếng Anh: The Great Gatsby) là một tiểu thuyết của nhà văn F. Scott Fitzgerald người Mỹ, được xuất bản lần đầu vào 10 tháng 4 năm 1925.
Nội dung
Câu chuyện được kể qua hồi ức của Nick Carraway về sự việc xảy ra vào mùa xuân năm 1922.
Nick là cựu sinh viên Đại học Yale và từng tham gia trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất, từ vùng Trung Tây chuyển đến, hiện đang làm nghề kinh doanh trái phiếu tại New York. Nick mới chuyển đến thuê một ngôi nhà gỗ tại Long Island thuộc West Egg, cạnh một dinh thự hoành tráng do Jay Gatsby làm chủ. Gatsby là một triệu phú bí ẩn thường xuyên tổ chức các bữa tiệc cho quan khách nhưng bản thân mình lại không tham gia cùng họ.
Một buổi tối nọ, Nick được mời đến ăn tối ở East Egg cùng gia đình người chị họ Daisy và chồng, Tom Buchanan, cũng là người quen biết của Nick thời đại học. Họ giới thiệu Nick với cô Jordan Baker, một golf thủ trẻ thành công, và hai người bắt đầu mối quan hệ hẹn hò. Jordan cũng tiết lộ cho Nick biết Tom có cô nhân tình tên Myrtle Wilson, dù cô này đã có gia đình. Vợ chồng Wilson mở một trạm xăng ở vùng “Thung lũng tro”, khu vực khá hẻo lánh của tầng lớp lao động. Một dịp khác, Nick đến căn hộ riêng của Tom và Myrtle tại New York để tham gia bữa tiệc nhỏ, tại đây đã xảy ra trận cãi cọ liên quan đến Daisy, Tom và Myrtle xung đột và kết cuộc là Tom đấm vỡ mũi Myrtle.
Cũng mùa hè năm đó, Nick nhận được lời mời dự tiệc từ Gatsby, trong bữa tiệc này Gatsby đã thổ lộ với Jordan Baker một bí mật mà sau đó Nick biết được rằng Gatsby đã đem lòng yêu Daisy (Buchanan) từ lần đầu tiên gặp gỡ trong thời kỳ Gatsby đi lính. Tuy nhiên, thuở đó Gatsby chỉ là anh chàng nhà quê tay trắng, không có điều kiện tài chính để lo cho cô. Gatsby đã quyết tâm bằng mọi cách làm giàu hòng lấy được Daisy. Gatsby liên tục tổ chức tiệc tùng với hy vọng sẽ được Daisy chú ý đến nhưng không thành công. Sau đó, Gatsby lên một kế hoạch là nhờ Nick mời Daisy đến nhà Nick dự một bữa tiệc trà nhỏ mà không tiết lộ cho ai biết là Gatsby sẽ có mặt. Đúng như dự tính, Gatsby được tái ngộ với người trong mộng, anh cho Daisy nhìn thấy gia sản đồ sộ của mình, và sau phút bỡ ngỡ ban đầu hai người đã nhanh chóng vun đắp tình cảm.
Nick và Gatsby dần dần trở nên thân thiết hơn, qua đó anh biết được nhiều chuyện đời tư của Gatsby. Vốn tên là James Gatz, xuất thân trong gia đình nông dân, cảnh sống bấp bênh. Lên 17 tuổi, James Gatz đổi tên thành Jay Gatsby và cũng trong thời gian này Gatsby gặp được Dan Cody, người dẫn dắt Gatsby thấy được tiềm năng, định hình tương lai và quyết tâm làm nên sự nghiệp cho chính mình. Từ đó Gatsby mới có được ngày hôm nay.
Một dịp khác, vợ chồng Daisy – Tom đến nhà Gatsby dự tiệc. Tom với bản tính háo sắc, đi tán tỉnh các cô khác, trong khi đó Gatsby và Daisy dắt nhau vào sân nhà Nick để có khoảng thời gian riêng tư bên nhau, Nick giữ vai trò canh cửa cho hai người. Sau đó Nick biết được tâm tư Gatsby, anh ta quyết tâm đoạt lại quá khứ có Daisy vì cả cuộc đời Gatsby đi gầy dựng cơ ngơi, gia sản này cũng vì để có được người đẹp. Đối với Gatsby đó là cả lý tưởng sống.
Cả nhóm đến khách sạn – nhà hàng Plaza ăn và uống rượu thỏa thuê. Tom phát hiện ra mối quan hệ thân thiết quá mức giữa đôi Daisy – Gatsby, anh ta lồng lộn lên và hằn học cho Daisy biết Gatsby giàu lên nhờ buôn lậu và bao phi vụ mờ ám khác, còn Tom thuộc dòng dõi Buchanan là tầng lớp thượng lưu với tài sản dồi dào từ bao đời nay. Anh ta ra lệnh mọi người lái xe về nhà để trước mặt mọi người anh ta sẽ dùng gia sản kếch sù của mình mà giữ lại Daisy.
Trên đường về, Nick, Tom và Jordan (đi chung xe) phát hiện có vụ tai nạn ngay trạm xăng nhà Myrtle Wilson, cả ba người đến xem xét thì phát hiện ra Myrtle đã chết vì xe tông, mà xe đó chính là xe của Gatsby. Về đến East Egg, qua vài câu hỏi, Nick biết được người cầm tay lái tông vào Myrtle chính là Daisy chứ không phải Gatsby nhưng Gatsby vẫn khăng khăng nhận hết lỗi về phía mình. Sau vụ tai nạn, George Wilson, chồng Myrtle, đã gặp Tom chất vấn, sau khi biết được người ngồi trong chiếc xe gây tai nạn là Gatsby thì anh ta tức tốc đến dinh thự nhà Gatsby, bắn chết Gatsby trong bể bơi trong dinh thự, và sau đó tự sát.
Sau thảm họa về cái chết, đám tang của Gatsby chỉ có mình Nick lo liệu. Trong buổi chôn cất chỉ có vỏn vẹn Nick, cha Gatsby, mấy gia nhân và cha nhà thờ. Trước khi trở về Trung Tây, Nick trở lại dinh thự của Gatsby lần cuối và nhìn chằm chằm vào vịnh với thứ ánh sáng xanh phát ra từ cuối bến tàu của Daisy.
26. Thuyết vạn vật (2014)
Bộ phim được đạo diễn James Marsh chuyển thể từ cuốn tự truyện của chính người vợ đầu tiên của Stephen Hawking, Jane Wilde Hawking: “Travelling to Infinity: My life with Stephen” (Chuyến du hành vô hạn: Cuộc đời tôi với Stephen). Có thể nói đây là một cuốn sách đầy tâm huyết của bà trong quãng thời gian chung sống với chồng mình, bởi các nhà làm phim phải mất đến gần 10 năm để thuyết phục bà cho phép dựng câu chuyện thành phim. ‘Theory of everything’ còn hơn cả một câu chuyện tình yêu, nó còn là một tác phẩm phản ánh chân thực và sâu sắc về cuộc đời của Stephen Hawking, những thành tựu mà ông đạt được trong lĩnh vực vật lý cũng như những nỗ lực sống phi thường của ông.
Bối cảnh bộ phim được bắt đầu từ những năm 60 khi Hawking còn là một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết đang ngồi trên ghế nhà trường đại học Cambridge. Lúc này anh đang trong thời gian bảo vệ luận án tiến sĩ thì gặp Jane Wilde, một nữ sinh viên chuyên khoa Văn cùng trường. Hai người đã yêu nhau và cùng trải qua thời gian lãng mạn trong những năm cuối cùng của đời sinh viên mặc cho quan điểm về đức tin và khoa học vô cùng đối lập.
Chỉ không lâu sau, Stephen bị chẩn đoán mắc một căn bệnh quái ác khiến suy giảm thần kinh vận động – căn bệnh khiến bệnh nhân dần mất đi khả năng tự điều khiển cơ bắp mặc dù không ảnh hưởng đến não bộ, và anh được thông báo chỉ còn sống được thêm 2 năm nữa. Biết được tin này, Jane đã vô cùng đau lòng nhưng cô vẫn kiên định một lòng giữ vững tình yêu của mình. Và rồi hai người đã kết hôn và có với nhau ba đứa con.
Thời gian trôi qua, căn bệnh của Stephen ngày một trầm trọng hơn khi anh gần như không thể điều khiển bản thân trong những hoạt động đơn giản nhất, và đây cũng là lúc Jane nhận ra những thử thách mà mình phải đối mặt khi phải lo toan không chỉ cho chồng, con mà còn cho chính bản thân cô.
Tuy nhiên, đó chỉ là những phân đoạn nhỏ của bộ phim, phần còn lại hé mở những tình tiết thú vị, cảm động và giàu kịch tính như những thử thách cho tình yêu gia đình, đôi lứa, và trên hết là thử thách cho lòng dũng cảm của con người. Tác giả kịch bản McCarten đã khắc họa những nỗi đau, sự mâu thuẫn, sức mạnh vươn lên và cả những sai lầm con người hay mắc phải của Stephen và Jane. ‘Theory of everything’ đã cho chúng ta một sự chiêm nghiệm sâu sắc về những cuộc đời nhỏ bé trong cái vũ trụ bao la từ các giả thuyết mà Stephen đưa ra. Ta có thể thấy được đôi khi cuộc đời con người có những điều còn khó lý giải hơn cả những lý thuyết khoa học. Bạn sẽ nhận ra một điều tưởng chừng như mâu thuẫn nhưng hóa ra lại tương đồng đến kì lạ trong phim. Stephen luôn tin rằng Chúa trời không tồn tại, ông cho rằng vạn vật đều không có ranh giới, chỉ có những bí ẩn của vũ trụ mà con người chưa khám phá được hết, cũng như chưa thể tường tận về khả năng của chính bản thân mình. Có người hỏi Stephen rằng nếu ông không tin vào chúa, ông tin vào điều gì? Ông đáp rằng “Nơi nào có sự sống, nơi đó có hi vọng.” Suy cho đến cùng, dù đứng ở lập trường nào, con người chúng ta vẫn luôn tin vào bản thân và hướng đến những điều kì diệu, hay nói cách khác đó là kì tích.
Không nghi ngờ gì với sự thành công của bộ phim với giải Oscar và giải Quả cầu vàng cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2014, ngoài ra bộ phim đã gặt hái được nhiều giải cho các hạng mục khác. Nam diễn viên chính Eddie Redmayne đã lột tả nhân vật chân thực và sống động đến độ khán giả khó có thể nghĩ rằng anh đang diễn. Có thể nói ai đã từng xem bộ phim này cũng bị cuốn đi với một Stephen Hawking thật sự, và tưởng chừng như đang xem một thước phim tư liệu. Trong khi đó, nữ diễn viên Fecility Jones lại chứng tỏ được khả năng thể hiện đa sắc thái qua từng ánh mắt, cử chỉ đơn giản nhất. Đối với bất kì diễn viên nào thì việc đối diện với một vai có thật ngoài đời thực sự là một áp lực và thử thách, nhưng cặp đôi Eddie – Fecility lại vô cùng xuất sắc khiến cho các nhà phê bình nhận xét rằng họ đóng vai trò mấu chốt cho thành công ‘Theory of everything’ hơn là so với kịch bản của bộ phim này.
Nguồn ảnh: https://www.msn.com/ 20/4/2020
SÁCH CŨ GIA ĐÌNH tổng hợp, biên tập từ wikipedia và các nguồn web khác 30-5-2021.