Có một thư viện như thế ở Hà Nội

VHO- Thời buổi điện thoại thông minh và mạng viễn thông đang dần thay đổi thói quen đọc sách thì ở Hà Nội, có một không gian đọc đang nuôi dưỡng tình yêu với văn hóa đọc theo cách hết sức dung dị.

 Không gian đọc sách của bà Phạm Thị Huyền Dung

Đó là không gian đọc của bà Phạm Thị Huyền Dung (77 tuổi) ở số 55 phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội. Mở cửa hằng ngày, lại miễn phí đọc và mượn sách nên đây đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người.

Góc nhỏ bình yên

Không đèn led quảng cáo, không máy tính tra cứu, cũng chẳng cần thẻ thư viện, tất cả chỉ có mấy giá sách đơn sơ, vài ba bộ bàn ghế nhựa cùng tấm bạt nhỏ mang dòng chữ do chính tay bà Dung viết: “Kính mời nhân dân đọc sách báo miễn phí”. Vậy mà mỗi ngày, quầy sách ấy lại thu hút cả chục lượt người đến đọc, từ người già đến trẻ nhỏ, từ công chức nhà nước đến những người lao động tự do. Ai đến đây cũng đều được bà chào đón.

Ngồi cạnh những giá sách, thỉnh thoảnh lại lấy một quyển ra phủi bụi, nâng niu những đứa con tinh thần, bà Dung kể lại sự ra đời của quầy sách báo. Bà cho biết: Nguyên là giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khi còn đi dạy, bà luôn tâm niệm muốn lưu giữ văn hóa đọc trong đời sống hiện đại. Vì vậy, bà đã tự bỏ tiền túi ra để lập nên một không gian đọc dành cho tất cả mọi người. Thời gian đầu có phần vất vả nhưng rồi những người đến đây đều tỏ ra trân trọng từng trang sách nên bản thân bà Dung không quản khó nhọc để tiếp tục công việc. “Từ một tờ báo được tặng nhân dịp nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng vào năm 2016, tôi đọc một mình thì phí quá trong khi nhiều người lại không có báo để đọc. Hơn nữa lại là chất xám của bao con người mới tạo nên một tờ báo hoàn chỉnh, nếu đọc một lần rồi đem bỏ chẳng khác nào không biết trân trọng công sức của người khác. Tôi liền lấy mảnh gỗ viết lên dòng chữ “Kính mời nhân dân đọc báo miễn phí” rồi đặt kèm tờ báo ở vỉa hè. Tôi chỉ mong phần nào kêu gọi được mọi người hưởng ứng phát triển văn hóa đọc”, bà Dung nhớ lại.

Để có được không gian đọc như hiện nay, không chỉ một mình bà Dung mà rất nhiều người đã chung tay giúp bà thực hiện mong muốn. Những chiếc giá sách cả cũ và mới đều là của người dân xung quanh tặng, lâu lâu lại có người mang đến cho bà chiếc quạt máy để mùa hè bớt phần nóng nực. Số người mang sách đến cho bà cũng không ít. Nhớ có lần có cụ ông ở Linh Đàm cho con cháu chở đến 3 bao tải báo, bà Dung cảm động đến rơi nước mắt. Thậm chí, nhiều người thu gom phế liệu, giấy vụn thỉnh thoảng cũng mang sách đến ủng hộ. Đến nay, “cơ ngơi” hơn 1.000 cuốn sách đa dạng thể loại đã được đặt lên kệ, trong đó còn có nhiều sách quý.

Nhiều người gọi vui bà Phạm Thị Huyền Dung là người phụ nữ nói không với mạng internet. “Ở nhà hay đi ra đường tôi cũng thấy từ trẻ nhỏ đến người lớn chỉ nhìn vào cái điện thoại. Đi xe máy họ cũng dùng điện thoại rất nguy hiểm. Tôi mở ra không gian đọc cũng một phần là để họ cảm nhận nhiều hơn niềm vui trong cuộc sống từ trang sách, những cuộc trò chuyện trực tiếp”, bà Dung cho hay.

Lan tỏa tình yêu sách

Quầy mở cửa bất kể mưa nắng từ 7 giờ sáng tới hơn 23 giờ. Có hôm không ngủ được, bà lọ mọ dậy từ 5 giờ sáng. Mở từ sáng sớm đến tối muộn là vì bà Dung muốn mọi đối tượng đều có thể đến mượn sách. Những người lao động là lao công quét dọn đường phố phải làm đến gần nửa đêm mới được nghỉ, bà cũng cố chờ. Bà bảo họ lao động vất vả cả ngày, mượn được cuốn sách đọc làm niềm vui mỗi khi mệt mỏi, nên nếu mở quầy theo giờ hành chính thì đối tượng này rất khó được tiếp cận tri thức.

Những ngày đầu, không gian đọc chỉ thu hút người hiếu kỳ đến xem. Nhưng rồi tiếng lành đồn xa, nhiều người giờ đây đến quầy sách bà Dung đã trở thành thói quen hằng ngày không thể bỏ. Những em nhỏ học sinh cứ tan học là ùa đến quầy sách đọc truyện tranh. Sinh viên cũng tìm đến đây tìm tài liệu, tranh thủ học nhóm. Bà Dung còn phục vụ bạn đọc nước chè, gợi chuyện, kết nối mọi người bàn luận các thông tin trên mặt báo, mặt sách, tạo sự lan tỏa về cảm hứng đọc.

Mặc dù trong những ngày dịch Covid-19, nhưng không vì thế bà Dung tạm đóng cửa hay rút ngắn thời gian mở cửa. Số người tìm đến không gian đọc của bà cũng không vì thế mà giảm đi, bởi bà luôn dặn mọi người đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn trước và sau khi đọc sách. Bà cũng tạo điều kiện hết sức để mọi người có thể mượn sách về nhà đọc nếu ngại tập trung nơi đông người. Anh Trần Tám (Văn Miếu, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu ngày nào không qua đây thì ngày đó niềm vui của tôi sẽ vơi đi phần nào. Quầy sách báo của bà Dung không chỉ giúp mọi người hiểu hơn về tri thức văn hóa, lịch sử, con người… mà còn gắn kết mọi người gần nhau hơn”.

Là một trong những bạn đọc quen thuộc của quầy sách, ông Doãn Thanh Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội) chăm chú: “Không gian đọc của bà Dung hay lắm. Hoàn toàn không có thiết bị điện tử mà chỉ thơm mùi giấy. Mỗi cuối tuần tôi đều dẫn cháu đến đọc và mượn sách. Từ ngày đến đây, cháu tôi cũng đã hạn chế chơi games và hăng say đọc sách”.

Như chia sẻ của bà Dung, nếu sách cất ở nhà không đọc tới thì chỉ là những trang giấy vô tri, nhưng nếu cuốn sách được mang ra cho nhiều người đọc sẽ giúp ích cho đời. Trong thời gian tới, bà dự định sẽ triển khai phục vụ thư viện lưu động, đưa sách đến các quán cà phê, quê nhà Ninh Bình, Cảng Nhà Rồng… Từ địa đầu Tổ quốc cho đến đất mũi Cà Mau, bất cứ ai có nhu cầu, quầy sách giản dị của bà Dung sẽ nỗ lực đi đến để phục vụ bạn đọc.

 ĐÌNH TOÁN

Nguồn: Báo văn hóa điện tử, Thứ Tư 19/02/2020