Molière tên thật Jean – Baptiste Poquelin (1622 – 1673), là nhà hài kịch vĩ đại của nước Pháp và của nhân loại. Ông được đánh giá là “người hề vĩ đại” trong nền văn học Pháp. Ông là niềm tự hào không chỉ của nhân dân Pháp mà còn là niềm kiêu hãnh của cả lịch sử sân khấu thế giới. nhà hài kịch Pháp. Thời trẻ bỏ tất cả để được chạy theo đam mê sân khấu. Từ nhỏ, ông đã rất đam mê sân khấu. Năm 21 tuổi (1643), Molière cùng với anh em Bejart thành lập đội kịch “Illustre Theatre” (Trứ danh), đội kịch hoạt động được hai năm thì vỡ nợ. Molière bị tống giam vì không có tiền trả nợ, sau đó ông được bố mình chuộc ra.
Sau sự kiện đó ông phải đi diễn ở các tỉnh lẻ.13 năm sau, đoàn nổi tiếng và trở về Paris (1658). Molière vừa viết kịch bản vừa làm diễn viên, đạo diễn, nhà quản lí sân khấu, bậc thầy của hài kịch cổ điển Pháp; người cải cách vĩ đại của nghệ thuật sân khấu Pháp; người sống với sân khấu và chết trên sân khấu (khi diễn vở “Người bệnh tưởng”).
Tác phẩm của ông có thể kể đến: “Những bà đài các rởm” (1659), “Trường học làm vợ” (1662), “Tactuyp” (1669), “Đông Joăng” (1665), “Kẻ ghét đời” (1666), “Lão hà tiện” (1668), “Người bệnh tưởng” (1673), v.v… Molière được các nghệ sĩ chân chính và nhân dân quý mến. Vua Louis XIV trọng tài năng của Molière, che chở Molière chống lại sự căm thù của quyền lực nhà thờ và những đại quý tộc hủ bại. Molière tiếp thu những truyền thống của hài kịch dân gian và những thành tựu của kịch cổ điển, đã sáng tạo nên những vở hài kịch có nội dung xã hội sâu sắc. Nhiều nhân vật trong kịch của Molière như Đông Joăng (Don Juan), Tactuyp (Tartuffe), Arpagông (Harpagon) … đã trở thành những điển hình xã hội về những thói hư, tật xấu.
Molière là người sáng tạo ra hài kịch Pháp, đóng góp vào mĩ học cổ điển Pháp nhiều quan niệm mới về nghệ thuật. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông đã đóng vai trò lớn trong sự phát triển của hài kịch toàn châu Âu và cả thế giới.
Tác phẩm Lão hà tiện
Thể loại hài kịch
Hài kịch là một thể loại văn học (đối lập với thể loại bi kịch) được sân khấu hoá dùng hình thức gây cười để đả kích, phê phán thói xấu, hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Các nhân vật trong hài kịch góp phần làm nên thành công cho các tác phẩm hài kịch, là người mang đến tiếng cười cho khán giả. Tiếng cười trong hài kịch là tiếng cười hài hước, vui nhộn, nhưng đồng thời cũng là tiếng cười chấm biếm và phê phán xã hội đương thời.
Trong thời cổ điển hài kịch Pháp phát triển rất mạnh, thúc đẩy nền sân khấu kịch Pháp trở nên đa dạng. Một số nhà soạn kịch đỉnh cao trong thời kì này: Về bi kịch, có P. Corneille, và J. Racine, hài kịch có Molière. Hài kịch xuất hiện đã góp phần thúc đẩy cho sự phát triển các thể loại văn học sân khấu Pháp và sân khấu cổ điển thế giới.