"Nhà nho" của Chu Thiên cùng miêu tả cuộc sống của tầng lớp sĩ hoạn, khoa mục dưới thời phong kiến, gần giống như "Lều chõng" của Ngô Tất Tố. Nhưng Chu Thiên đã vẽ nên một bức tranh tươi sáng khác với bức tranh khá ảm đạm của Ngô Tất Tố. Đó là cảnh những trẻ em đi học, "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", với những trò chơi ít nhiều mang tính chữ nghĩa như "Hồ xách khố, cố đấm lưng", "thi đôi ăn đấm", "đố chữ"... Đó là cảnh những người có học hành: người thi đỗ làm quan, người ở nhà làm thầy đồ, "kẻ xuất cũng như kẻ xử", được người đời trọng vọng. Người buông bút đi làm kinh tế thì trở nên giàu có, vì "sĩ kiêm bách nghệ, sĩ khả bách vi". Học trò kính nể và sợ thầy một phép. Kể cả người đã đỗ tiến sĩ nhưng muốn bỏ vợ vì vợ xấu cũng bị thầy mắng cho một trận và bắt nằm xuống nhận ba roi đòn mà không dám cãi câu nào. Đó là cảnh những học trò đến tết nhà thầy theo lệ "mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy", những người đi xin chữ, xin câu đối, cảnh tế lễ hưng bái ở Văn chỉ, ở các đám tang... Có cả một tình yêu êm đềm thơ mộng giữa anh học trò nghèo và con gái của thầy, yêu mà vẫn trong vòng lễ nghĩa, vẫn gọi người trong mộng của mình là chị. Tóm lại đó là một xã hội lý tưởng, xã hội trong mơ ước của các nhà nho ngày xưa.