Những nhà giáo là “đại gia” sưu tầm sách

Thầy giáo Phùng Hoàng Anh và những cuốn sách quý.

NDĐT – Mỗi người đều có một niềm đam mê. Với các nhà giáo, nhiều người có thú đam mê sưu tầm sách cháy bỏng. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng cũng đã dành nhiều tâm huyết cất công sưu tầm những cuốn sách quý. Thậm chí có người còn tự làm khổ mình chỉ để sách… được “sướng”.

Nhịn ăn để có sách

Phùng Hoàng Anh là một trong số những người sưu tầm “máu lửa” nhất mà tôi biết. Anh là giáo viên ở tận Sơn Tây (Hà Nội), nhưng vẫn dành tiền để tìm về trung tâm thành phố, chạy qua các tỉnh lân cận mua về những cuốn sách quý. Từ nhỏ, anh đã tự kiếm tiền bằng việc lượm lặt ve chai bán lấy tiền mua sách truyện thiếu nhi, thiếu niên để đọc…Lớn lên một chút, tự đi lao động làm thuê như phu hồ, làm thợ phụ trong các xưởng sắt kiếm tiền mua sách vở phục vụ học tập và mở mang kiến thức.

Thầy giáo Phùng Hoàng Anh chia sẻ, anh rất kính nể các bậc tiền nhân. Anh cũng theo chí cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn, luôn coi sách là của quý trong nhà. “Mục đích của tôi trong việc sưu tầm sách, trước là để đọc, học; sau là lưu giữ trao truyền cho các thế hệ sau gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc qua các thời đại. Tri thức trong sách đã và sẽ giúp tôi có cách ứng biến tốt hơn trong cuộc sống ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Tôi muốn lan tỏa tình yêu sách tới con cháu tôi, bạn bè tôi”, Hoàng Anh chia sẻ.

Thầy giáo Phùng Hoàng Anh (bên trái) trong một lần đi sưu tầm sách.

Hiện nay, dù điều kiện cuộc sống vật chất của anh tuy còn nhiều khó khăn. Nhưng niềm đam mê sưu tầm sách để tự học bổ sung kiến thức cho bản thân về nhiều lĩnh vực như Lịch sử dân tộc, Kinh tế, Văn hóa, Khoa học, Giáo dục…là việc làm rất cần đối với riêng anh. Thầy giáo Phùng Hoàng Anh đã có các bộ sử quý của nước Việt như: Đại Việt sử lược, An Nam chí lược, Đại việt sử ký toàn thư, Đại việt sử ký tiền biên, Đại việt sử ký tục biên, Đại việt thông sử, Ô châu cận lục, Mạc thị gia phả, Gia Định thành thông chí, Hoan châu ký, Nghệ An ký, Lịch triều tạp kỷ, Đại nam thực lục, Đại nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Việt Nam sử lược,…của những người buôn sách cổ từ Bắc vào Nam, anh tìm cách để liên lạc trao đổi và thương lượng để mua cho được những bộ sách này.

Cũng nhọc lòng sưu tầm sách và có cả thư viện riêng ở trung tâm Hà Nội là ông Phan Trác Cảnh, nguyên là giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Ông là một trong những người có thâm niên sưu tầm lâu năm và có tiếng nhất ở Hà Nội. Niềm đam mê của ông còn có trước khi về công tác ở trường, khi đó có tên là Đại học Tổng hợp. Ông chia sẻ: “Cái thời tôi muốn có sách thì phải nhịn ăn. Chỉ vì mê văn chương Tự Lực Văn Đoàn mà ông thành nghiện sách. Nửa chừng xuân của Khái Hưng là cuốn sách đầu đời làm tôi mê mẩn. Từ đó tôi xuôi ngược Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh… để tìm sách”.

Ông Cảnh (bên trái) trong kho sách của gia đình.

Cũng là người khổ vì sách, đến nay đã sở hữu hàng nghìn bản, thầy giáo Nguyễn Xuân Hòa, giáo viên tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Mỹ Đức, cũng cho rằng cái duyên sách có thể đến với bất cứ ai. Anh Nguyễn Xuân Hòa, chia sẻ: “Đến chơi nhà ai tôi cũng đều chăm chú quan sát, nhà nào mà có nhiều sách là tôi rất cảm tình với chủ nhà, vì họ có chung sở thích và niềm đam mê. Tôi đã chuyển nhà nhiều lần, đúng là chuyển sách vô cùng mệt. Nhưng chúng như con ý, mệt mà vui”.

Gia sản của đời người

Phải chịu cảnh sống chật chội, nhưng những nhà giáo, giáo sư vẫn dành tâm huyết để giữ gìn và sưu tầm sách quý. Như nhà sử học Lê Văn Lan sống trong căn phòng nhỏ và quá hẹp ở Hà Nội, nhưng ông vẫn yêu sách. Với ông trong sinh hoạt đời sống mà còn đủ chỗ “nách ra nách vào” vẫn coi là ổn! Giáo sư Phạm Đức Dương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông – Nam Á khi còn sống cũng lập một thư viện riêng tại nhà ở phố Kim Mã Thượng (quận Ba Đình) để bạn bè, học trò đến mượn đọc, nghiên cứu. Là người hào sảng, yêu quý sách và học trò, giáo sư Phạm Đức Dương coi sách là gia sản của một đời mình, bởi đó là tinh hoa nhân loại, đồng thời với nhà giáo, cần phải coi việc phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ của mình. Hiện nay thư viện tại gia đình ông vẫn luôn rộng mở để đón sinh viên, người nghiên cứu đến mượn, đọc sách.

Nhiều nhà sưu tầm cho rằng, để có tủ sách thì chủ nhân phải yêu sự đọc, luôn chăm sóc và bổ sung sách vào bộ sưu tập của mình. Như thầy giáo Phạm Chí Thiện ở Kẻ Sặt, xã Tráng Liệt (Bình Giang – Hải Dương), đã tiêu tốn hàng trăm triệu đồng cho thú sưu tầm sách. Đến nay ông đã có hơn 20 nghìn đầu sách. “Tôi được người ta gọi là đi tìm hình của sách và hy sinh nhiều vì sách. Đúng thôi, bởi là anh giáo làng, gần như cả đời tôi đi tìm, dù nhà tôi xập xệ, nhưng chỗ nào sang nhất là dành cho sách”.

Theo tìm hiểu, ngay từ khi còn học phổ thông ông Thiện đã rất “thèm” sách. Khi ra Hà Nội học đại học, chàng sinh viên trẻ lê la khắp các hiệu sách cũ để đọc nhờ và đã dành số tiền ít ỏi của mình để mua về đọc dần và dần trở thành người nghiện sách. Nhiều lần anh phải nhịn ăn, chấp nhận mặc áo rách để dành tiền mua, hay bán cả chiếc đồng hồ mà mình thích để có cuốn Bách khoa thư Tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1979, Phạm Chí Thiện trở về quê hương làm giáo viên dạy Văn, thầy giáo nghèo tiếp tục sống với đam mê và thường trích phần lớn tiền lương mua sách. Nhiều lần ốm, gầy quặt quẹo, người nhà động viên đi mua thuốc nhưng ông ngại vì sẽ đụng đến tiền. Mỗi ngày, ông đều nung nấu ý đinh sẽ phiêu bạt đi “tìm hình” của sách, đồng thời săn tìm những kỷ vật thời chiến. Hễ nghe ở đâu có bán sách quý, đồ thời chiến là tức tốc đến mua về. Ấy vậy không phải thứ gì cũng có thể mua được bằng tiền. Nhiều lần, ông phải tỏ rõ sự chân thành đến cháy bỏng mới có được những món đồ quý giá bất ngờ. Vào năm 1980, được bạn bè mách, ông Thiện tìm lên thành phố Hòa Bình gạ mua bằng được bộ Vĩnh Lạc đại điển (70 tập, bộ sách lớn nhất Trung Quốc) với giá sáu triệu đồng. Lần đó, ông đã phải bán rất nhiều đất ở quê và vay mượn thêm mới đủ tiền.

Ông Thiện luôn coi sách là những kỷ vật của cuộc sống.

Hỏi, có bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi khi cất công săn tìm và “ôm” cả chục nghìn cuốn sách! Ông Thiện vui vẻ: “Tôi chấp nhận khổ, thì dù trong lúc khổ cũng thấy mình sướng vì tìm được những cuốn mà mình ưng ý. Thú thật, nhiều cuốn tôi không biết được nội dung của nó nhưng chắc chắn, đó là sách quý!”. Có lẽ vì hiểu sách mà từ rất lâu, các tủ sách của ông đều được phân loại rất khoa học. Chỗ nào là sách khoa học, giáo dục, văn học, đâu là sách từ điển… Ai đến hỏi chỉ trong nháy mắt là ông đã lấy ra được, bởi thuộc nó đứng ở đâu.

Cũng phải khẳng định rằng, không phải người sưu tầm nào cũng nhận được sự ủng hộ của gia đình. Ngay nhà ông Phạm Chí Thiện, thời gian đầu ông cũng gặp khó khăn do vợ ông không ủng hộ, vì làm được tiền là “khuân” đi đầu tư cho sách. Phải đến khi bà nhận thấy giá trị của sách, hiểu được niềm đam mê của chồng, bà mới tích cực làm việc hơn, cố gắng hơn trong việc buôn bán để ủng hộ chồng. Ông Thiện và giáo sư Nguyễn Lân Dũng chung chia sẻ: “Sách là trí tuệ của nhân loại, là thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn mình mỗi ngày. Các bạn hãy nghĩ là không có gì quý hơn so với sách vở”. Bởi thế, ông Thiện sẵn sàng phục vụ nhu cầu của bạn đọc, người thân, với tinh thần “cho đi là còn mãi”.

Thầy giáo Phùng Hoàng Anh “sướng” hơn, là được vợ ủng hộ ngay từ đầu, dù ngôi nhà của anh quá chật chội, ảnh hưởng đến sinh hoạt của bốn người. Anh chia sẻ: “Vợ tôi là cô giáo, mà cô giáo thì phải tiếp cận với sách, phải đọc sách. Bởi vậy, cô ấy cũng dễ thông cảm cho niềm đam mê của tôi. Tuy dành một khoản tiền khá lớn trong tổng thu nhập của gia đình để mua sách, nhưng bù lại tôi không nghiện thuốc lá, rượu bia…nên cũng tiết kiệm chi từ các khoản đó dễ được vợ cảm thông! Tôi bảo với vợ rằng: nhà nông thì cần cái cày, cái bừa, cái cuốc, cái liềm, con trâu để làm việc nhà nông. Còn anh, sách là thứ cần hơn tất cả! Vợ tôi cười vui lắm!”.

Tôi hỏi Phùng Hoàng Anh: Sau này anh có dự định mở thư viện, để anh em bạn bè, hàng xóm đến đọc? Anh nói: “Có lẽ về hưu tôi sẽ thực hiện ý tưởng này. Hiện giờ, sách của tôi đã được bạn bè và những người yêu thích đọc sách mượn về nhà đọc, đọc xong chuyển trả và mượn cuốn khác”.

NGUYỄN VĂN HỌC
Nguồn: Báo nhân dân điện tử 18-11-2017