Đây là cuốn sách dạy ta đạo làm người, sách của cổ nhân nhưng tư tưởng không bao giờ cổ. Tuổi trẻ chúng ta sống trong thời đại toàn cầu hoá, thời đại xe Lexus, sống trong "Hoàn cảnh hậu hiện đại", có bao giờ chúng ta nói chuyện nghiêm túc với nhau về Đạo làm người chưa? Chúng ta thành công trong cuộc sống (có thể do may mắn) nhưng chúng ta có thực sự yên lòng thanh thản không?! Sách dạy chúng ta hãy biết thoả mãn và sống hạnh phúc và thành đạt...
Đọc ĐẠO ĐỨC KINH Lão tử, kết hợp với nghiên cứu khoa học kỹ thuật Phương Tây là chúng ta có văn võ song toàn, giống như người Nhật vậy, họ có văn võ song toàn là nhờ Đông - Tây kết hợp nên đất nước họ mới phát triển như vậy.
Sách dễ đọc, dễ tiếp thu nhưng hiểu như thế nào thì tùy vào sự cảm nhận của mỗi độc giả.
Đạo Đức Kinh gồm có 81 chương với khoảng 5000 chữ Hán, chia làm 2 phần: Thượng Kinh và Hạ Kinh.
-
- Thượng Kinh gồm 37 chương, bắt đầu bằng câu: "Đạo khả Đạo phi thường Đạo". Thượng Kinh luận về chữ Đạo nên được gọi là Đạo Kinh.
- Hạ Kinh gồm 44 chương, bắt đầu bằng câu: "Thượng Đức bất Đức thị dĩ hữu Đức". Hạ Kinh luận về chữ Đức nên được gọi là Đức Kinh.
Câu mở đầu của Đạo đức kinh là Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh, do vậy theo ông Đạo là không thể nào định nghĩa được. Nhiều người phương Tây cho rằng câu này có tư tưởng giống với câu đầu trong Kinh Thánh Tân Ước St.John.
Khái niệm vô vi trong Đạo Đức kinh thường được hiểu lầm là không nên làm gì cả, nhưng thật ra Lão Tử khuyên rằng Làm mà như không làm, như thế có đặng không. Ông cũng viết rằng nước tuy mềm mại uyển chuyển nhưng có thể chảy đến bất cứ nơi nào, và với một khối lượng lớn thì có thể làm lở cả đất đá. Như vậy vô vi có thể ví von với cách hành xử của nước.
Ông khuyên tri nhân giả trí, tự tri giả minh, nghĩa là biết người khác chỉ mới là trí, nhưng tự biết mình thì mới là sáng. Như vậy ông chú trọng đến việc tự chinh phục bản thân hơn là chinh phục kẻ khác. Nên bằng lòng với cái mình có, tri túc chi túc hà thời túc, tri nhàn chi nhàn hà thời nhàn, nghĩa là biết đủ thì đủ và lúc nào cũng đầy đủ cả, biết nhàn thì nhàn và lúc nào cũng nhàn cả.
Theo một số nhận xét, lời lẽ trong Đạo Đức Kinh rất khúc chiết, ý nghĩa rất uyên thâm, luận về hai chữ "Đạo Đức", nói về cơ tạo hóa, định vị trời đất, hóa sinh vạn vật, và những phương pháp huyền bí dạy về tu luyện để đắc thành bậc Thiên Tiên.
Đây là quyển kinh căn bản của Tiên giáo do Lão Tử (còn gọi là Thái Thượng Lão Quân) viết ra và chính ông là giáo chủ Tiên giáo.
Quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của Lão Tử căn cứ trên hai chữ Đạo và Đức, nên ông theo đó mà lập thành giáo lý.