Trong những năm gần đây, văn học các dân tộc thiểu số đã dần trở thành một đối tượng nghiên cứu đầy tiềm năng của khá nhiều cây bút lí luận phê bình nói chung (của cả người dân tộc thiểu số và người Kinh); trở thành các đề tài nghiên cứu hấp dẫn của nhiều sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh (đặc biệt ở các trường Đại học, Cao đẳng khu vực miền núi). Trước hết, có lẽ bởi bản thân văn học các dân tộc thiểu số - với sự phong phú, đặc sắc và độc đáo của mình cùng với những thành tựu đã đạt được sau hơn nửa thế kỉ vận động và phát triển - đã tạo nên một sức hút không thể cưỡng lại bởi vẻ đẹp rực rỡ, hoang sơ, bởi làn hương đặc biệt mang đậm phong vị núi rừng của nó; thứ hai - bởi chính từ những chủ thể sáng tạo ra nó - các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lí luận phê bình người dân tộc thiểu số - đã tích cực và tâm huyết trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu, bình phẩm, nhận xét, đánh giá,… các tác phẩm nói chung (từ dân gian đến hiện đại), nhằm khẳng định những giá trị nhiều mặt của bộ phận văn học mang đậm bản sắc dân tộc này. Hay nói một cách khác: Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam đã và đang được rất nhiều người biết đến, được yêu mến và chú ý tìm hiểu nghiên cứu như hiện nay - là có một phần đóng góp không nhỏ của hoạt động nghiên cứu, lí luận phê bình văn học dân tộc thiểu số thời kì hiện đại.
Là một bộ phận cấu thành quan trọng của văn học dân tộc thiểu số - nghiên cứu, lí luận phê bình đã được hình thành từ những năm cuối thập kỉ thứ 5 của thế ki XX. Trải qua hơn hơn nửa thế kỉ hoạt động, nghiên cứu, lí luận phê bình văn học dân tộc thiểu số đã thực hiện được khá tốt những nhiệm vụ, chức năng cơ bản của mình. Nó đã xây dựng được một đội ngũ khá đông đảo những người làm thơ, viết văn tham gia công tác nghiên cứu, phê bình bên cạnh một số cây bút lí luận phê bình có tính chuyên nghiệp. Nó đã cho ra đời hàng trăm cuốn sách nghiên cứu, lí luận phê bình cùng nhiều bài viết về văn học dân tộc thiểu số đăng tải trên các báo, tạp chí khác nhau. Nó đã xây dựng cho mình một hệ thống lí thuyết, lí luận về văn học dân tộc thiểu số - và coi đó là cơ sở, là tiêu chí để phân tích, đánh giá các giá trị của tác phẩm và những đóng góp của các tác giả đối với bộ phận văn học đặc sắc này. Đồng thời qua đó, nó đã thể hiện rất rõ vai trò định hướng phát triển đói với văn học dân tộc thiểu số trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể của đất nước.
Quan trọng và ý nghĩa thì như vậy - nhưng cho đến tận hôm nay nghiên cứu, lí luận phê bình văn học dân tộc thiểu số vẫn chưa được nghiên cứu và đánh giá một cách thấu đáo, công bằng - mặc dù nó đã được điểm xuyết, nhắc tới trong một số công trình nghiên cứu chung về văn học dân tộc thiểu số; hoặc cũng đã được một số người dành riêng cho một bài viết - nhưng lại bị nhìn nhận, đánh giá chưa toàn diện và chưa chính xác so với thực trạng của nó. Chính vì vậy, rất cần thiết phải có một công trình nghiên cứu hệ thống, toàn diện và thấu đáo hơn về thể loại văn học này - để có một cái nhìn, một sự đánh giá khách quan, công bằng, cũng như có một sự ghi nhận, khẳng định chắc chắn những đóng góp quan trọng của nó đối với văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại.
3) Mục lục
* Lời giới thiệu
Chương 1: Khái quát về diện mạo nghiên cứu, lí luận phê bình văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại
Chương 2: Một số đặc điểm nổi bật của nghiên cứu, lí luận phê bình văn học dân tộc thiểu số
Chương 3: Một số tác giả tiêu biểu
3.1. Nông Quốc Chấn - “ Con chim đầu đàn trong nền văn học nghệ thuật mới của các dân tộc thiểu số Việt Nam”
3.2. Lâm Tiến - Nhà lí luận phê bình văn học dân tộc thiểu số thời kỳ hiện đại tiêu biểu
Phần phụ lục các bài nghiên cứu, phê bình của một số nhà nghiên cứu và phê bình văn học dân tộc thiểu số tiêu biểu (PGS.TS. Trần Thị Việt Trung tuyển chọn và giới thiệu): Hoàng Văn An; Vương Anh;Triệu Lam Châu;Nông Quốc Chấn; Hoàng Tuấn Cư; KĐích; Bàn Tài Đoàn; Inrasara; Lộc Bích Kiệm; Hà Lâm Kỳ; Mã A Lềnh; Cao Duy Sơn; Mai Liễu ...