Cuốn sách của Greg Palast, một người Mỹ làm phóng viên cho BBC và tờ The Observer của Anh, nhà xuất bản Công an nhân dân. Ngay chuyện làm nghề của Palast, phóng viên chuyên về điều tra, người ta cảm thấy có gì đó không chuẩn mực: người Mỹ làm cho báo Anh. Cuốn sách đã cho thấy chuyện lệch chuẩn đó.
Qua chương 1, tác giả tập trung nói về sự sợ hãi của người dân Mỹ sau ngày 11.9.2001. Đó cũng là thời điểm nhà nước Mỹ nhân danh nỗi sợ hãi tước bớt quyền tự do cá nhân, đồng thời kinh doanh buôn bán trên nỗi sợ hãi ấy, cụ thể là bán thông tin cá nhân, để gạn lọc xem ai là Bin Laden hoặc những kẻ khủng bố.
Chương 2, do có khủng bố, nước Mỹ phải tiến hành chiến tranh. Chiến tranh lại nhắm đến Iraq, một đất nước mà Osama Bin Laden – kẻ chỉ muốn thánh chiến vì những giếng dầu của Ảrập Saudi – coi là thù địch hơn là đồng minh. Nhưng đấy là nước số 2 về trữ lượng dầu lửa, đang bị OPEC – một loại trust của nhiều chính phủ – cho phép sản xuất dầu ngang bằng với Iran, nước có ít dầu hơn nhiều so Iraq. Ở chương này, người ta có thể biết tại sao Mỹ muốn những mỏ dầu của Iraq; là chỉ để khống chế không cho Iraq qua mặt OPEC, sản xuất dầu vượt lên quota của mình, mưu cầu lợi ích cho tập đoàn quốc doanh do Saddam Hussein chủ trì. Hạn chế sản lượng dầu và khuyến khích dân Mỹ xài dầu nhiều hơn vào lúc tấn công Iraq, nhà báo Greg chứng minh rằng “tập đoàn” của ông Bush muốn dầu khan hiếm và bán được nhiều dầu, hốt bạc. Tiền bạc đổ vào túi ngành công nghệ dầu, trong đó có những kẻ từ Texas hưởng lợi.
Chương 3, Greg khẳng định thế giới như một “thành phố công ty”, đả kích tác giả của Thế giới phẳng giương ngọn cờ của các đại công ty. Chương này đưa ra câu trả lời cho Milton Friedman – kẻ sau này lấy thêm vào tên mình cái tên phụ Thomas cho oách, kẻ đã viết “những lời kinh kính Chúa tụng ca màn trình diễn ngang ngược gây kinh hoàng mới của tự do thương mại”.
Chương 4, vạch lại cuộc gian lận bầu cử của nhà Bush, trong đó Jef Bush, thống đốc Florida, đã loại khoảng 57.000 công dân khỏi danh sách cử tri khi họ không mắc phải tội lỗi gì trừ tội da đen mà còn đi bầu.
Chương 5, chiến tranh giai cấp, viết về cái chết của General Motors, sự trỗi dậy của Trung Quốc và tác động của những việc đó đối với an sinh xã hội và bất an xã hội.